Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:48 (GMT +7)
Hải Hà: Phát triển nuôi trồng thủy sản
Thứ 3, 21/06/2022 | 07:43:34 [GMT +7] A A
Với 35km chiều dài bờ biển cùng diện tích bãi biển lên tới 6.200ha, huyện Hải Hà có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Những năm qua, huyện đã tập trung phát huy thế mạnh này.
Huyện đã khai thác lợi thế có cửa khẩu thuận lợi giao thương trong tiêu thụ hải sản sang Trung Quốc, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho KCN Cảng biển Hải Hà để thúc đẩy NTTS trên địa bàn. Huyện tích cực hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, cách phòng, chống dịch bệnh trong NTTS, như lắp đặt máy sục khí tạo ô xy, ao có mái che để nuôi tôm quanh năm và nuôi mật độ lớn, thay vì chủ yếu nuôi bán thâm canh như trước; sử dụng các vật liệu mới trong nuôi cá lồng bè, vừa đảm bảo môi trường, vừa tăng năng suất nuôi trồng. Trên địa bàn huyện hiện có 1 mô hình liên kết giữa hộ gia đình với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam trong nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng theo hình thức doanh nghiệp chuyển giao hỗ trợ quy trình công nghệ biofloc tại xã Quảng Phong.
Với các xã giáp biển như Quảng Minh, Đường Hoa, Quảng Phong, huyện tích cực vận động người dân tập trung nuôi nhuyễn thể bãi triều, phát triển mô hình nuôi ghép cá nước ngọt và mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bán thâm canh... Năm 2021, toàn huyện có hơn 1.000ha nuôi tôm, hơn 5.400ha nuôi nhuyễn thể. Ở xã đảo Cái Chiên và thị trấn Quảng Hà, huyện còn khuyến khích người dân nuôi cá lồng bè trên biển, như cá song, giò, vược, hồng mỹ. Năm 2020, Hải Hà đạt 264 ô lồng nuôi cá nước mặn với hơn 60 hộ nuôi.
Tại các xã miền núi như Quảng Chính, Quảng Long, Quảng Thịnh, Quảng Đức, Quảng Sơn, huyện vận động người dân phát triển nuôi thủy sản nước ngọt với các loại cá chép, cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè, cá rô phi, cá chim trắng. Năm 2020, sản lượng cá nước ngọt của huyện đạt 560 tấn, giá trị sản xuất 17,603 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, đến nay NTTS của huyện chủ yếu là quy mô hộ gia đình, chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung; việc lựa chọn con giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, sản phẩm chưa tạo thành chuỗi giá trị. Hải sản phần lớn bán sang Trung Quốc, giá bán không ổn định.
Để đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông, lâm, ngư nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, Hải Hà đang tập trung phát triển các sản phẩm thủy sản chủ lực, như tôm, nhuyễn thể, cá lồng bè. Huyện phấn đấu đến năm 2025 đưa quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng lên 355ha, giá trị sản xuất 138,04 tỷ đồng; quy mô nuôi nhuyễn thể đạt 642ha, giá trị sản xuất là 140,64 tỷ đồng; quy mô nuôi cá lồng trên biển 60.000m3, giá trị sản xuất 68 tỷ đồng.
Huyện đang tích cực hỗ trợ đào tạo, tập huấn và chuyển giao KHKT trong nuôi tôm thẻ chân trắng và nhuyễn thể tại các xã Quảng Minh, Đường Hoa, Quảng Phong; nuôi cá lồng tại xã đảo Cái Chiên. Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình mẫu ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi nhuyễn thể tại các xã Quảng Minh, Đường Hoa, Quảng Phong; nuôi cá lồng tại xã đảo Cái Chiên với kinh phí hỗ trợ tối thiểu 70% về giống và 30% thức ăn cho mỗi chu kỳ nuôi.
Nhờ chú trọng đầu tư NTTS, năng suất nuôi trồng trên địa bàn huyện ngày càng tăng cao. Năm 2021, diện tích NTTS của huyện đạt 1.485ha, sản lượng nuôi trồng 8.100 tấn, vượt 20,9 % so với kế hoạch đề ra; quý I/2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 1.890 tấn, bằng 122,1% so với cùng kỳ 2021.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển NTTS theo hướng hiện đại, áp dụng các quy trình công nghệ nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống; tăng tỷ trọng nuôi trồng theo mô hình trang trại; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, môi trường NTTS; ứng dụng công nghệ cao trong NTTS, chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng, phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh từ kinh tế biển.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()