Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:54 (GMT +7)
Triển khai Đề án 06 của Chính phủ: Những kết quả bước đầu tích cực
Thứ 2, 22/08/2022 | 08:35:48 [GMT +7] A A
Sau nửa năm tập trung triển khai tích cực, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Linh hoạt trong tổ chức, triển khai
Trên hành trình chuyển đổi số, người dân được xác định là chủ thể cao nhất cả trong thực hiện và thụ hưởng. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, mà còn đem lại giá trị to lớn cho đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay khi Chính phủ phê duyệt Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành các quyết định thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, Tổ giúp việc, Quy chế hoạt động của Tổ công tác, Tổ giúp việc; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 517-QĐ/TU (ngày 4/3/2022) thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 và Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ khi triển khai Đề án đến nay, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham gia 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc; tổ chức 15 cuộc họp với các sở, ngành, địa phương; phục vụ 2 cuộc kiểm tra của Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ; ban hành 51 văn bản, thông báo kết luận chỉ đạo, tham gia ý kiến 3 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, 1 dự thảo tờ trình và Luật Căn cước công dân (sửa đổi); hoàn thành đúng hạn 5 báo cáo định kỳ hằng tháng, 1 báo cáo sơ kết, 2 báo cáo chuyên đề và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo ngày theo quy định. Tại các cuộc họp thường kỳ hằng tháng của UBND tỉnh đều có nội dung báo cáo, kiểm điểm tiến độ triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06.
Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, phải đi trước một bước để quán triệt được phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể thực hiện và thụ hưởng”, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức. Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã xây dựng, phát sóng, đăng tải trên các hạ tầng QTV1, QTV3 58 lượt tin, bài, 20 clip/trailer, 6 chuyên đề về Đề án 06, chuyển đổi số; phát thanh trên kênh QNR1 và QNR2 7 tin, bài; trên báo in Quảng Ninh hằng ngày 26 tin, bài; trên báo Quảng Ninh điện tử 26 bài...
Trung tâm Truyền thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng 20 clip hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán online…; trong đó có 9 clip hướng dẫn trực tiếp quy trình, thủ tục sử dụng các dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình và đang tiếp tục hoàn thiện 40 clip khác để cung cấp cho các tổ công nghệ số cộng đồng và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để thông tin tuyên truyền rộng rãi cho người dân. Các clip được xây dựng trực quan, sinh động, bám sát thực tế để thu hút người dân, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện.
Công an tỉnh chủ động xây dựng 22 phóng sự; đăng tải 114 lượt tin, bài; in 516 pano, áp phích. UBND các địa phương phát thanh hơn 3.200 lượt trên loa phát thanh của thôn, bản, khu phố; lồng ghép công tác tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân, khu phố. Nội dung tuyên truyền tập trung về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Đề án 06; dịch vụ công trực tuyến; cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, tiếp tục duy trì tốt hoạt động của các fanpage trên mạng xã hội Facebook để hỗ trợ người dân tra cứu nhanh số định danh cá nhân, tiến độ giải quyết cấp CCCD, giải đáp các vướng mắc liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú và tuyên truyền về Đề án 06…
Qua 6 tháng triển khai thực hiện, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tổ chức được 6 hội nghị tập huấn về các nội dung cơ bản của Đề án 06: Triển khai thí điểm cấp tài khoản định danh điện tử; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; mô hình giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử gắn với sử dụng chữ ký số trong các bước giải quyết TTHC; sử dụng hệ thống số hóa và bóc tách dữ liệu trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC; cách thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác giải quyết TTHC.
Kết quả thực chất, hiệu quả
Trong thực hiện Đề án 06, điểm mấu chốt nhất được tỉnh xác định và triển khai tích cực là kết nối hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngày 25/5 vừa qua, Sở TT&TT đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Công an tỉnh, kết nối chính thức Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện Bộ Công an đã cung cấp 3 dịch vụ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên Hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh, gồm: Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân (số CCCD) và chứng minh nhân dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình; dịch vụ chia sẻ thông tin công dân.
Bên cạnh kết nối liên thông cơ sở dữ liệu, tỉnh nhanh chóng rà soát, khảo sát, bổ sung thiết bị, triển khai nghiệp vụ số hoá hồ sơ TTHC đến 100% trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đồng thời hoàn thiện, bổ sung các tính năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, như: Phát triển tính năng số hóa và bóc tách dữ liệu; tích hợp chữ ký số, sim ký số và dịch vụ ký số công cộng phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến; tích hợp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ lên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử phục vụ ký số hồ sơ điện tử trong quá trình liên thông, giải quyết TTHC…
Đến nay, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện và triển khai được quy trình 5 bước giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
Từ ngày 1/6/2022, tỉnh triển khai thí điểm số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành trọng điểm, thiết yếu. Đến ngày 1/7, tỉnh thực hiện số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 của Chính phủ. Qua hơn 1 tháng triển khai, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa, bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng 1.460 hồ sơ.
Sau thời gian triển khai thí điểm, các sở, ngành chức năng sẽ tổ chức đánh giá, xem xét, mở rộng triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu hồ sơ TTHC ở các lĩnh vực khác và triển khai xuống cấp huyện trong đầu quý IV/2022, sớm hơn so với chỉ đạo của trung ương là từ 1/12/2022.
Về kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến tháng 8/2022, đối với 11 dịch vụ công của ngành Công an đã có 8 dịch vụ phát sinh gần 63.000/tổng số hơn 126.000 hồ sơ (gần 50%); đối với 14 dịch vụ công của các sở, ngành, đã có 9 dịch vụ phát sinh hơn 23.000/tổng số hơn 27.000 hồ sơ (trên 85%)…
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Quảng Ninh vừa bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và các bộ, ngành, vừa chủ động, linh hoạt rút kinh nghiệm, đề xuất góp ý và chủ động hoàn thiện các nội dung công việc. Từ sự tham gia tích cực của Quảng Ninh, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06, như: Thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên môi trường điện tử; nâng cấp đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến; xây dựng kho dữ liệu dùng chung và kết nối, chia sẻ dữ liệu…, đã được Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị chức năng quan tâm, tìm hướng giải quyết, khắc phục.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án 06 một cách thực chất, hiệu quả; trong đó ưu tiên tập trung vào các nội dung trọng tâm, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp, như: Xây dựng kho dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối và chia sẻ dữ liệu; rà soát, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa, số hóa hồ sơ, kết quả TTHC… Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thành sớm bộ tài liệu tuyên truyền về Đề án 06, chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, bản, khu phố, doanh nghiệp để tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()