Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:28 (GMT +7)
Những kỹ năng sơ cứu cả phụ huynh và trẻ cần trang bị
Thứ 3, 07/05/2024 | 11:34:19 [GMT +7] A A
Mỗi năm, hàng trăm nghìn trẻ em gặp tai nạn thương tích để lại hậu quả đáng tiếc do không được sơ cứu kịp thời hoặc sai cách.
Trang bị cho trẻ những kỹ năng sơ cấp cứu căn bản là vô cùng cần thiết.
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn của trẻ để lại hậu quả đáng tiếc là do người lớn hoảng loạn hoặc lúng túng không biết nên xử trí như thế nào khi thấy bé gặp nạn.
Được chú trọng tại nhiều quốc gia
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có hơn 900.000 ca trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích. Con số này tương đương với gần 2.500 trẻ em tử vong mỗi ngày. Đồng thời, có nghĩa là mỗi giờ lại có hơn 100 trẻ em tử vong.
Tại Việt Nam, con số này là 370.000 trẻ/năm. Trong đó, hơn 8.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích gây ra, chủ yếu là ngã, bỏng, cháy, tai nạn giao thông, súc vật cắn, đuối nước, ngạt thở, hóc, nghẹn...
Nhiều khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết giáo viên mầm non hay phụ huynh... đều chưa hiểu đúng về kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ, cũng như nắm vững những kiến thức cơ bản. Khi trẻ không may rơi vào tình trạng nguy hiểm thì người lớn lại lúng túng trong cách xử lý cũng như sơ cấp cứu.
Trường học chính là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Phần nhiều thời gian trong ngày, các em vui chơi, sinh hoạt ở trường cùng thầy cô, bạn bè. Thầy cô chính là những người đồng hành, quan tâm, luôn có mặt khi các em gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Cuộc sống luôn ẩn chứa những hiểm nguy không báo trước. Đặc biệt là những trẻ đang trong độ tuổi khám phá vô cùng hiếu động, muốn tìm tòi về thế giới xung quanh thì nguy cơ đó lại càng lớn.
Ở cạnh trẻ, hầu hết người lớn luôn đề cao cảnh giác, nhưng vẫn có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Một trong những nguyên do khiến các vụ tai nạn của trẻ để lại hậu quả đáng tiếc là do người lớn khi thấy bé gặp nạn liền hoảng loạn hoặc lúng túng không biết nên xử trí như thế nào. Do đó, ngoài giáo dục trẻ, thì việc gia đình, nhà trường trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu cho các bé khi gặp tai nạn trong đời sống hằng ngày là một điều vô cùng cần thiết.
Bởi, mục đích của việc sơ cứu chính là nỗ lực cứu sống nạn nhân kịp thời, nhanh chóng bằng mọi biện pháp và phương tiện sẵn có, ngăn không cho tình trạng bệnh lý hoặc tổn thương xấu đi. Kỹ năng sơ cứu tuy chỉ gói gọn trong khoảng thời gian tích tắc, nhưng cần đòi hỏi kĩ thuật đúng đắn, chính xác.
Không ít quốc gia trên thế giới chú trọng vào việc giáo dục trẻ kỹ năng sơ cứu từ khi còn nhỏ. Tại Mỹ, học sinh học sơ cứu từ bậc trung học. Ở Anh, kỹ năng này được đưa vào chương trình tiểu học. Sơ cấp cứu là hoạt động hỗ trợ ban đầu đối ᴠới người gặp nạn, bị thương tích, bệnh cấp tính trước khi có sự can thiệp của y tế chuyên nghiệp.
Việc áp dụng sơ cứu đúng cách giúp giảm rủi ro tử vong, hỗ trợ điều trị và hạn chế thương tật vĩnh viễn... Nhiều quốc gia trên thế giới ý thức được tầm quan trọng của hoạt động này và triển khai giáo dục trong trường học từ rất sớm.
Theo St John Ambulance - một tổ chức phi lợi nhuận về sơ cứu, hoạt động ở nhiều quốc gia, đào tạo về hô hấp nhân tạo cho học sinh bắt đầu ở Na Uy vào những năm 1960. Kể từ đó, một số quốc gia khác đã triển khai dạy trẻ cách sơ cứu bắt buộc và hô hấp nhân tạo, gồm Canada, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác.
Bộ Giáo dục Anh cho biết, từ tháng 9/2020, toàn bộ trường công ở nước này được yêu cầu dạy sơ cứu như một phần giáo dục sức khỏe cho trẻ em. BBC lúc đó dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson cho biết, chương trình giảng dạy sức khỏe mới sẽ mang lại cho mọi trẻ em “cơ hội học các kỹ năng cứu sống”.
Theo đó, học sinh tiểu học ở Anh được dạy cách liên hệ rõ ràng và hiệu quả đến các dịch vụ khẩn cấp nếu cần, các khái niệm về sơ cứu. Học sinh cấp hai học cách điều trị cơ bản cho các chấn thương và bệnh tật thông thường; kỹ năng cứu sống, bao gồm cách thực hiện hô hấp nhân tạo; hoạt động của một số loại thiết bị như máy khử rung tim...
Ở Australia, việc đào tạo sơ cấp cứu không bắt buộc tại các trường học. Tuy nhiên, theo The South Sydney Herald, 97% thanh niên tin rằng, giáo dục sơ cấp cứu sẽ cải thiện sự tự tin, kỹ năng và tâm thế sẵn sàng hành động của họ khi gặp khủng hoảng.
Một nghiên cứu do Hội Chữ thập đỏ Australia thực hiện chỉ ra 88% người dân ở đây tin rằng, đào tạo sơ cấp cứu nên bắt buộc đối với tất cả học sinh trung học.
Bà Wendy Greenhalf - Trưởng bộ phận sơ cứu và đào tạo sức khỏe tâm thần tại Hội Chữ thập đỏ Australia cho biết: “Chúng tôi nhận ra trong sân trường, trên sân thể thao, ở nhà hoặc đi chơi với bạn bè, những người trẻ thường là người phản ứng đầu tiên trong các tình huống khẩn cấp. Chúng tôi muốn họ trở thành những nhà vô địch sơ cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ khi có trường hợp khẩn cấp”.
Những kỹ năng phụ huynh cần nắm
Không chỉ cần thiết giáo dục trẻ sơ cứu, mà phụ huynh cũng phải nắm rõ kỹ năng này. Song, thực tế, nhiều phụ huynh còn chưa biết cách sơ cứu trong trường hợp trẻ gặp nạn, gây ra hậu quả đáng tiếc.
Theo Bộ Y tế, trẻ nhỏ luôn hiếu động, mải chơi và không phải lúc nào người lớn cũng kiểm soát được. Vì vậy, trẻ bị tai nạn là chuyện rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, khi trẻ bị tai nạn, người lớn cần hết sức bình tĩnh để tiến hành các sơ cứu ban đầu trước khi đưa trẻ đến bệnh viện.
Nếu trẻ ngã rồi bất tỉnh, nôn ói, có máu chảy ra ở miệng hoặc ở mũi, ở tai, tay chân co giật… người lớn phải lập tức đưa bé tới phòng cấp cứu. Trong khi di chuyển hoặc chờ đợi bác sĩ tới, tránh không di động trẻ. Đặt trẻ nằm thẳng người đầu hơi thấp hơn chân, nghiêng mặt về một bên để nếu trẻ nôn, ói hay bị chảy máu mũi, miệng, chất lỏng không vào được trong họng để xuống phổi. Không được cho trẻ uống hay ăn bất cứ thứ gì.
Trẻ bị ngã đập đầu xuống đất, nếu trẻ bị ngất dù trong thời gian ngắn cũng phải đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay. Bởi, dù nhìn bên ngoài, chỗ va chạm không có dấu hiệu gì là vết thương nặng, nhưng rất có thể bé đã bị chấn thương sọ não.
Trong thời gian tiếp theo, cần phải chú ý theo dõi xem trẻ có các hiện tượng như: Nôn ói, sốt, co giật, sắc mặt tái dần, giấc ngủ không yên hoặc ngủ mê mệt không.
Trong 24 giờ của ngày đầu, cần phải theo dõi liên tục, thỉnh thoảng lại gọi xem cháu có tỉnh lại không. Bởi, nếu có hiện tượng chảy máu trong não, trẻ có thể ngủ thiếp đi rồi chuyển qua trạng thái hôn mê. Nếu thấy trẻ có sự thay đổi thái độ đột ngột: Tự nhiên tỏ ra bàng quan với mọi việc xung quanh, hoặc tự nhiên vật vã, kích động, mắt nhìn bỗng bị rối loạn, có khi nhìn như người lác mắt… phải đưa bé tới cơ sở y tế ngay.
Với trường hợp trẻ bị thương, người lớn cần chú ý xem những vết thương đó to hay nhỏ, nông hay sâu, chảy máu nhiều hay ít, có dính đất cát hoặc vật gì không. Không nên coi thường bất kỳ vết sây sát nào của trẻ em, dù là một vết chích nhỏ.
Vết thương cần được rửa ngay bằng nước sạch, rồi bôi thuốc sát khuẩn như mercurochrome, betadine… Nếu chảy máu, nên ấn xuống vết thương để cầm máu, rồi băng lại. Phải băng nhẹ tay, không chặt quá vì vết thương cần được “thở” và máu dưới vết thương cần được lưu thông trong mạch. Vết thương nào cũng có thể dẫn tới bệnh uốn ván. Bởi vậy, cần cho trẻ tiêm phòng bệnh uốn ván.
Nếu vết thương lớn, hãy làm cho vết thương lộ ra bằng cách cởi bỏ hoặc cắt chỗ quần áo đụng vào vết thương. Nếu có những mảnh kim loại, mảnh kính, sỏi cát xung quanh vết thương, hãy lau sạch hoặc gắp bỏ. Buộc vết thương lại bằng một lớp băng dày hoặc đặt lên vết thương một cái khăn sạch rồi ấn tay lên vết thương trong vòng 5 phút. Lúc này, việc trước tiên là ngăn chảy máu.
Việc rửa sạch hoặc sát khuẩn vết thương sẽ làm sau. Nếu sau khi buộc vết thương, máu vẫn không ngừng chảy, người lớn hãy tìm đường động mạch của trẻ và ấn mạnh ngón tay xuống một điểm của mạch ở phía trên vết thương (giữa đường từ tim tới vết thương) trong khi đưa bé tới ngay nơi cấp cứu.
Trường hợp trẻ bị chảy máu mũi, hãy cho một miếng gạc hoặc bông vào bên mũi bị thương để làm ngưng chảy máu, rồi lấy ngón tay đè nhẹ cánh mũi bị chảy máu lại. Tuyệt đối không ngửa cổ trẻ lên, vì như thế không những không cầm được máu, mà có thể khiến trẻ bị sặc.
Ngoài ra, ngộ độc là một trong những trường hợp cấp cứu thường gặp nhất ở trẻ nhỏ vì bé rất dễ uống phải thuốc, hóa chất hay bất cứ chất độc nào. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như nôn, đau bụng, co giật, bất tỉnh hay lơ mơ, có vết bỏng quanh miệng… thì cần nghĩ ngay bé đã bị ngộ độc và tìm cách sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện.
Đầu tiên, cần cho bé nôn ra được chất độc, càng nhiều càng tốt, bằng cách kích thích vùng nôn ói ở yết hầu. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, người nhà nên đem theo vỏ chai thuốc hoặc những chất gây độc để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, nếu uống nhầm loại chất gây ăn mòn như axit, bazơ thì không nên gây nôn vì như vậy dễ làm chảy máu. Tốt nhất là cho uống nước pha bột than hoạt tính pha theo tỷ lệ 4/1: 4 nước, 1 than; liều lượng: 10g than hoạt tính cho 1 kg cân nặng cơ thể.
Nếu trẻ còn tỉnh, hãy cho bé uống một cốc sữa hoặc nước, không cho uống nước muối hay chanh, giấm. Nếu trẻ đã bất tỉnh, cần kiểm tra xem bé còn thở không. Nếu trẻ ngừng thở, cần làm hô hấp nhân tạo nhưng nên đặt một miếng vải mỏng lên trên miệng bé và hà hơi qua tấm vải để tránh cho bản thân không bị nhiễm chất độc từ miệng bé. Nếu trẻ bị bỏng quanh miệng do uống phải hóa chất, cần lấy nước sạch rửa da và môi cho bé. Sau khi sơ cứu cần chuyển ngay trẻ tới bệnh viện.
Theo giaoducthoidai.vn
Liên kết website
Ý kiến ()