Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:18 (GMT +7)
Những lưu ý 'đặc biệt' khi dùng thuốc chống muỗi
Thứ 2, 29/07/2024 | 09:52:40 [GMT +7] A A
Giao mùa, thời tiết mưa nắng thất thường là lúc muỗi, côn trùng phát triển khắp nơi, nguy cơ mắc bệnh do muỗi truyền là khó tránh khỏi. Bị muỗi đốt ngoài cảm giác ngứa, khó chịu còn tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản…
Chính vì ý thức tác hại của việc bị muỗi đốt, nhiều gia đình, đặc biệt là nhà có trẻ em, đã tự trang bị các sản phẩm chống muỗi. Đó có thể là kem, gel, dung dịch bôi, thuốc xịt lên da…
Tuy nhiên mọi người cũng phải biết cách sử dụng đúng các sản phẩm này, tránh phải đối diện với nguy cơ độc hại cho sức khỏe, theo tư vấn của PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy (BV Nhi Trung ương)
Dùng thuốc chống muỗi an toàn, nghĩa là thế nào?
Trên thị trường có nhiều sản phẩm chống muỗi đốt, từ dạng kem, gel, dung dịch bôi cho đến các loại thuốc nước, thuốc xịt... Sản phẩm của nhiều hãng khác nhau, dù rất đa dạng nhưng đều có chung một thành phần chính là thuốc DEET (từ lâu DEET đã được biết đến như là một loại thuốc chống côn trùng tốt nhất), với tỷ lệ thấp nhất là 15%, tùy theo từng sản phẩm của từng hãng sản xuất và được pha trộn thêm các thành phần khác.
Tuy nhiên, hóa chất DEET không phải là vô hại nếu sử dụng sai cách. Cẩm nang sử dụng kem chống muỗi an toàn, hiệu quả nhắc bạn rằng: Trước khi sử dụng cho toàn thân, nên thử dùng trước cho một vùng da nhỏ mặt trong cánh tay. Đây là kinh nghiệm nhỏ như hữu ích, áp dụng chung cho cả việc sử dụng một sản phẩm mỹ phẩm mới. Nếu không xuất hiện kích ứng, mẩn ngứa thì từ đó mới áp dụng cho toàn bộ cơ thể.
Bạn cũng đừng lười mà cầm cả lọ thuốc xịt trực tiếp lên người. Nên xịt ra tay và xoa lên các vùng có nguy cơ bị muỗi đốt. Những vùng nhạy cảm cần tránh đó là mắt, mũi, miệng, vết thương hở.
Ngoài ra, bạn có thể xịt thuốc chống muỗi lên quần áo, chăn, chiếu, màn… cũng cho tác dụng chống muỗi đốt.
Ghi nhớ các tác dụng phụ của thuốc chống muỗi
Gây tổn hại đường hô hấp: Khi dùng những loại bình xịt chống muỗi cho vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và gây hại.
Nguy cơ viêm da dị ứng: Những trường hợp viêm da cơ địa (cả trẻ em và người lớn), có làn da rất mẫn cảm nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chống muỗi. Da đỏ ửng, rát, bong vảy, sưng nề, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ… là các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Trường hợp bị tác dụng phụ trên da, bệnh nhân rất ngứa và khi có mủ thì đau nhức. Khi các sẩn lặn đi thường để lại các vết mất sắc tố hoặc tăng sắc tố sau viêm. Một số khác bị những vết trắng lẫn vết thâm. Các vết thâm thường tồn tại rất dai dẳng và nếu cứ bị muỗi đốt liên tục thì các vết thâm xuất hiện ngày càng dày đặc. Nếu gãi hoặc chà xát nhiều thì các vết thâm còn bị dày lên sần sùi trông rất xấu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà nguy hiểm hơn là dẫn đến viêm da dị ứng, nhiễm trùng, sưng tấy…
Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất: Khi các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước… tiếp xúc với các loại thuốc chống muỗi, cơ thể có nguy cơ bị phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này. Triệu chứng phổ biến của việc nhiễm độc DEET ở trẻ em là hôn mê, đau đầu, run, mất kiểm soát, động kinh và co giật. Hầu hết các trường hợp nhiễm độc do tiếp xúc với DEET được biết đều liên quan trẻ em dưới 8 tuổi.
Lưu ý đặc biệt khi dùng thuốc chống muỗi cho trẻ em
Các loại thuốc chống muỗi đều có khả năng tác động lên hệ hô hấp và ảnh hưởng đến làn da của bé. Một số loại hóa chất tổng hợp có trong thuốc chống muỗi có thể nguy hiểm cho cơ thể bé khi chúng xâm nhập vào trong da.
Vì thế, đối với những bé dưới 6 tháng tuổi, không được sử dụng bất kỳ sản phẩm chứa DEET nào. Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tránh dùng kem chống muỗi bôi trực tiếp lên da. Không bôi thuốc lên tay trẻ, vì trẻ thường xuyên cho tay vào miệng. Một số loại kem (dầu) chống muỗi có mùi hương và nồng độ rất mạnh, dễ gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bé.
Nếu muốn sử dụng thuốc cho quần áo, hãy xịt thuốc khi không có trẻ và trước khi trẻ mặc chừng 30 phút. Khi không cần chống muỗi đốt nữa, phải tắm rửa cho trẻ sạch sẽ để loại bỏ hóa chất có hại.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()