Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:54 (GMT +7)
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Quảng Ninh Những lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Thứ 6, 30/07/2021 | 06:40:57 [GMT +7] A A
Từ các nguồn vắc-xin hợp pháp được Chính phủ Việt Nam nhập về, cấp phép lưu hành, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực chủ động tiếp cận để đảm bảo có sớm nhất, nhiều nhất, tiêm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất cho người dân với lộ trình cụ thể, phù hợp.
Quảng Ninh đã triển khai tiêm các loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép. Mọi công tác từ vận chuyển, phân phối, bảo quản vắc-xin; huy động nhân lực tiêm chủng; tập huấn chuyên môn về tiêm chủng... đều được tỉnh chuẩn bị chu đáo, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Hiện hầu hết các loại vắc-xin phòng Covid-19 đều được phân bổ 2 liều/người, khoảng cách giữa 2 liều tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên y tế cần nắm rõ những lưu ý riêng về cách tiêm, liều lượng... đối với mỗi loại vắc-xin phòng Covid-19.
Đối với người được tiêm chủng, cần chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần, kiến thức cần thiết theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân trong quá trình trước, trong và sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Thị Diệu Anh, phụ trách công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Công tác sàng lọc trước tiêm được mỗi nhân viên y tế xác định là khâu hết sức quan trọng. Để từ đó, bác sĩ có chỉ định tiêm, hoãn tiêm, hoặc không thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đặc biệt, người được tiêm chủng không tự ý dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, corticoid... trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Không bôi đắp thuốc, hoặc bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
Để đảm bảo quá trình tiêm chủng diễn ra nhanh chóng, an toàn, trước khi đến tiêm, người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoặc thẻ BHYT để xác thực thông tin cá nhân; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc-xin khác... sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Tải ứng dụng sổ Sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh; khai báo thông tin cần thiết. Thực hiện thông điệp 5K khi đi tiêm chủng, nhất là đeo khẩu trang. Không để bị đói trước khi tiêm chủng.
Trong và sau tiêm chủng, người được tiêm có thể gặp các dấu hiệu thông thường cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch sau tiêm, như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn...
Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên như sốt cao trên 39 độ C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp...
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 như ở miệng (tê quanh môi hoặc lưỡi...); ở da (phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da...); ở họng (ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc...); đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng...); đường hô hấp (thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho...); toàn thân (mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp...).
Các lưu ý phải nhớ về tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là, không tiêm vắc-xin với những trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vắc-xin. Không tiêm vắc-xin cho người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn. Không tiêm vắc-xin Covid-19 khi hệ miễn dịch suy yếu (suy giảm miễn dịch) hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (như corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc ung thư). Không tiêm vắc-xin khi có các vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu).
Người tiêm chủng cần chú ý ở lại điểm tiêm chủng theo dõi sức khỏe sau tiêm trong ít nhất 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện, xử trí sớm các phản ứng nặng, nghiêm trọng sau tiêm. Khi về nhà, nơi làm việc phải chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân sau tiêm nghiêm ngặt trong vòng 3 tuần. Không nên ở một mình sau khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19, đặc biệt, khi thấy xuất hiện các phản ứng sau tiêm, không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân. Khi có các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời. Lưu giữ các giấy tờ xác nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Tường Vi
- Bộ Y tế hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng
- Đã có hơn 5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Moderna về Việt Nam
- Các tình trạng y tế bác sĩ sẽ cân nhắc không tiêm vắc xin COVID-19
- Quảng Ninh triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt VI, VII
Liên kết website
Ý kiến ()