Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:08 (GMT +7)
Những người “gác rừng” ở non thiêng Yên Tử
Thứ 2, 13/02/2023 | 07:48:14 [GMT +7] A A
Quần thể rừng quốc gia Yên Tử là danh thắng tâm linh gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp phi thường của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Quần thể rừng quốc gia Yên Tử còn được biết đến có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ, cây dược liệu, thú quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Nơi đây còn có những cán bộ Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử không quản khó khăn, gian khổ, miệt mài ngày đêm bảo vệ danh thắng linh thiêng này.
Những người "gác rừng" thầm lặng
Ông Đào Hữu Hậu, Trưởng Phòng Quản lý rừng (Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử) là người đã có hơn 20 năm gắn bó với công tác quản lý và bảo vệ rừng Yên Tử.
Ông Hậu cho biết: Tôi về nhận công tác từ năm 2000 khi vẫn còn là Ban Quản lý rừng đặc dụng Yên Tử (chưa sáp nhập với Trung tâm Quản lý di tích - danh thắng Yên Tử), tiếp nhận từ các công ty lâm nghiệp chuyển giao nên vẫn còn hết sức sơ khai, địa bàn quản lý lại tiếp giáp với ranh giới của đơn vị khai thác than. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng mỏng, địa bàn rộng, trải dài hơn 20km, đi lại vất vả, chủ yếu là đi bộ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì công việc, nhiệm vụ được giao, những người “gác rừng” chúng tôi luôn nêu cao trách nhiệm để gìn giữ rừng quốc gia Yên Tử được an toàn.
Giai đoạn 2000-2007, tình trạng khai thác than thổ phỉ ở địa bàn giáp ranh vẫn còn phức tạp, nhiều người dân sống trong khu vực rừng được quản lý và người từ các địa phương lân cận vào rừng Yên Tử để lấy gỗ chống lò. Vì vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ lúc đó phải tăng cường các chốt để kiểm soát, ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép.
Ông Hậu nhớ lại: Sự việc xảy ra vào cuối năm 2007, lúc đó thời tiết khá lạnh, tôi cùng đồng nghiệp tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 (xã Tràng Lương, TX Đông Triều) nhận được thông tin có xe chở gỗ trái phép từ rừng ra. Chúng tôi nhanh chóng lên phương án kiểm tra, bắt giữ nếu có tang vật. Khi chiếc xe đến khu vực cửa Trạm, chúng tôi yêu cầu kiểm tra, lập tức đối tượng trong xe nhảy xuống rút ra một quả lựu đạn dọa cho nổ nếu không để xe đi qua. Chúng tôi đã bình tĩnh thuyết phục rồi khống chế được đối tượng, thu giữ quả lựu đạn, sau đó bàn giao người, phương tiện và tang vật cho đơn vị chức năng điều tra xử lý.
Còn ông Vũ Ngọc Hương, Trưởng Phòng Quản lý và bảo vệ di tích (Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử) cũng bồi hồi nhớ lại những năm tháng gắn bó với công việc bảo vệ rừng. Ông Hương cho biết: Lúc mới vào nghề, công việc buồn chán, vất vả, có nhiều lần định viết đơn xin nghỉ việc. Nhưng rồi khi đã quen việc, kể cả đêm hôm tôi vẫn sẵn sàng cùng đồng nghiệp lặn lội vào rừng sâu, núi thẳm. Mỗi chuyến đi từ 2-5 ngày, chúng tôi chuẩn bị áo mưa, chăn mỏng, thực phẩm... gói gọn trong chiếc ba lô rồi “hành quân”. Có chuyến đi gặp mưa bão, anh em phải chui vào hang đá để trú ngụ. Không nấu được cơm, đành ăn mì tôm sống hoặc lương khô mang theo cho đỡ đói.
Mặc dù hoạt động trong điều kiện vất vả, khó khăn, thiếu thốn, nhưng mọi người vẫn cố gắng không bỏ dở công việc được giao. Thậm chí có lần ông Hương bị rắn độc cắn, nhờ đồng nghiệp trợ giúp kịp thời nên may mắn thoát chết. Đây chỉ là một trong hàng trăm chuyến đi tiềm ẩn hiểm nguy mà những người như ông Hậu, ông Hương và hàng chục cán bộ Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử vẫn ngày đêm thực hiện để bảo vệ rừng Yên Tử được mãi xanh.
Giữ gìn hệ sinh thái non thiêng Yên Tử
Rừng quốc gia Yên Tử có hệ sinh thái phong phú, đa dạng, được ví như bảo tàng lưu giữ, bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Theo số liệu của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử tổng hợp từ các nhà động, thực vật khảo sát, nghiên cứu, rừng quốc gia Yên Tử có 5 ngành thực vật, với 830 loài. Trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm, như: Lim xanh, táu mật, lát hoa, la hán tùng, kim giao...
Hệ động vật cũng đa dạng và phong phú, với 151 loài động vật ở cạn có xương sống, trong đó có một số loài được xếp vào Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ như: Voọc mũi hếch, sóc bay... có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học và phục vụ du lịch.
Đặc biệt, rừng quốc gia Yên Tử còn có một số loại cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi gắn với sự nghiệp tu hành của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông như cây đại cổ thụ có tuổi đời trên 700 năm, xích tùng. Năm 2016, rừng quốc gia Yên Tử đã công bố 144 cây đủ tiêu chí cây di sản quốc gia như: Xích tùng, thông nhựa khổng lồ, mai vàng Yên Tử, đại cổ thụ... đây là những loại cây không chỉ nổi bật với sự hấp dẫn đặc biệt về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh, mà còn nổi bật với tuổi đời từ 300-700 năm tuổi.
Theo Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng Đào Hữu Hậu, toàn bộ các khu vực tiếp giáp rừng đã được phân định ranh giới rõ ràng; quản lý theo tọa độ trên hệ thống định vị GPS, nên không còn tình trạng xâm lấn đất rừng của các đơn vị và người dân. Tuy nhiên, để bảo đảm đối với việc bảo vệ rừng quốc gia Yên Tử, công tác kiểm tra, kiểm soát luôn được Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Trịnh Nam Bình, Trưởng Phòng Tổ chức - hành chính (Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử), hằng năm đơn vị đều có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, du khách nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, không chặt hạ gỗ, khai thác cây cảnh trái phép, săn bắt động vật; không xả rác ra môi trường... Đồng thời, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào thời điểm mùa khô; kiểm soát chặt khu vực ranh giới, đường mòn, lối mở để bảo vệ hệ sinh thái, tránh khai thác trái phép lâm sản, săn bắt động vật hoang dã tại rừng quốc gia Yên Tử.
Sau lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2023, những đoàn hành hương từ khắp mọi miền đất nước và cả người nước ngoài về với Yên Tử đông hơn, náo nhiệt hơn. Mọi người về Yên Tử như trở về với nguồn cội để tĩnh tâm, để cầu an, cầu phúc, mong ước một năm thuận lợi, hanh thông.
Cùng đoàn người hành hương lễ Phật tại chùa Hoa Yên, chùa Đồng lại thấy càng lên cao nhìn cánh rừng được bao phủ bởi ngàn mây trắng lúc ẩn, lúc hiện, khiến cho danh thắng Yên Tử càng thêm mờ ảo, kỳ vĩ, linh thiêng...
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()