Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:48 (GMT +7)
Những hạt nhân của phong trào thể thao cơ sở
Chủ nhật, 25/09/2022 | 14:53:02 [GMT +7] A A
“Một người lo bằng cả kho người làm” thường rất hiệu quả trong các phong trào thể thao ở các khu dân cư. Những người khởi xướng luôn tâm huyết nhiệt tình và từ sự vào cuộc của họ mà phong trào thể thao ở nhiều địa phương trong tỉnh phát triển tốt.
Trong những năm gần đây, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở các nhà văn hóa khu dân cư ở phường Cẩm Sơn diễn ra rất sôi nổi, trong đó Hội Người cao tuổi phường Cẩm Sơn luôn là một trong các đơn vị đi đầu của TP Cẩm Phả. Người ta nhắc nhiều đến người quản ca của các phong trào này là ông Phạm Văn Thân, nhiều năm là cán bộ phường, nay tuổi cao ông làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi và Chủ nhiệm CLB Hưu trí tuổi cao phường Cẩm Sơn. Ông Thân đã nhiều năm phối hợp đi vận động và thành lập được 32 đội bóng chuyền hơi với 175 vận động viên tham gia, để các nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn phường các buổi chiều đều nhộn nhịp người luyện tập thể thao.
Ở khu phố Hòn Một, phường Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) có ông Trương Văn Thứ, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố. Tháng 11/2017, phường Cẩm Bình đã ra mắt mô hình điểm về nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa - khu thể thao tại Nhà văn hóa khu Hòn Một, do Sở Văn hoá - Thể thao chủ trì. Đây là mô hình đầu tiên của TP Cẩm Phả được thực hiện thành công, nhằm phát huy hiệu quả chức năng của nhà văn hóa, tránh gây lãng phí và nâng cao đời sống nhân dân.
Ở nơi “tấc đất tấc vàng”, thế nhưng người cao tuổi, hay bọn trẻ nhỏ khu phố Hòn Một vẫn có một sân để chơi môn bóng chuyền hơi, hay bóng đá. Nhà văn hóa khu phố Hòn Một cũng chỉ có diện tích 320m2, gồm nhà và sân, nhưng có nơi cho người chơi bóng bàn, cầu lông, tập văn nghệ. Thế nhưng, như vậy vẫn chưa đủ, trong khu phố có người thích các môn bóng đá, bóng chuyền hơi lại cần khoảng sân rộng. Từ khoảng trống giữa hai dãy nhà của khu phố, ông Thứ vận động người dân hai bên ít hoạt động xe cộ vào buổi chiều, tạo ra khoảng bình yên cho người chơi, do vậy khu phố có nhiều sân chơi.
Từ mô hình hoạt động hiệu quả của nhà văn hóa mà khu phố đã tạo được sự vào cuộc của đông đảo người dân. Chính vì thế, đội văn nghệ cả khu phố Hòn Một luôn có khoảng 50 người, đội bóng các lứa tuổi cũng có khoảng 30 cầu thủ. Khu phố có cả đội cầu lông, đội bóng chuyền với đủ mọi lứa tuổi hoạt động hàng ngày khu vực nhà văn hóa, có nhiều người là vận động viên xuất sắc của các đơn vị sản xuất than. Khu phố thường xuyên đoạt giải A trong các kỳ thi văn nghệ thể thao của phường và có nhiều vận động viên, diễn viên quần chúng, được thành phố lựa chọn để tham gia các giải văn nghệ, thể thao của tỉnh.
Ngày nay, có nhiều người đến xã Húc Động (huyện Bình Liêu) không chỉ ngắm thác Khe Vằn mà còn để xem chị em phụ nữ Sán Chỉ thi đấu bóng đá. Người đưa ra sáng kiến tổ chức các đội bóng đá nữ mà để chị em mặc nguyên bộ quần áo Sán Chỉ đá bóng là anh Trần A Tám, công chức hộ tịch của xã Húc Động. Thời điểm năm 2017, khi trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên do anh Tám khởi xướng, khi đó anh Tám là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Húc Động.
Vốn là người thích quan sát, anh Tám nhận thấy khi du khách đến Bình Liêu, họ rất thích chụp ảnh các cô gái Sán Chỉ mặc trang phục của dân tộc mình. Cũng là cô gái Sán Chỉ khi mặc bộ quần áo thông thường của người Kinh thì lại chẳng ai để ý. Anh Tám cũng là người thích các buổi triển lãm ảnh và anh nhận thấy những bức ảnh các cô gái dân tộc thiểu số mặc quần áo dân tộc mình, thường được các nhiếp ảnh gia và người xem triển lãm quan tâm hơn. Vậy là anh Tám đã đưa ra ý tưởng thành lập các đội bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ (là dân tộc chiếm số đông ở xã Húc Động) và để chị em mặc nguyên trang phục dân tộc mình rồi đá bóng.
Vậy là ý tưởng đó anh trình lên lãnh đạo xã và được chấp nhận. Trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên ra mắt đông đảo công chúng mà các cô gái mặc nguyên quần áo dân tộc mình được tổ chức tại Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn năm 2017, không ngờ đã thu hút được rất đông người đến xem. Nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nhiếp ảnh có mặt nhiệt tình chụp các bức ảnh. Trong đó có bức ảnh “Giải bóng đá nữ Sán Chỉ” của tác giả Khắc Đạm lọt vào triển lãm ảnh toàn quốc năm 2018. Báo chí đưa tin, bài, ảnh về bóng đá nữ Sán Chỉ khiến Húc Động trở nên nổi tiếng.
Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã học tập mô hình này, không là các cô gái Sán Chỉ, mà cả các cô gái Dao, Sán Dìu cũng đá bóng. Đã có nhiều đoàn khách du lịch đến từ Hà Nội, Lâm Đồng, Đắk Lắk… thậm chí cả du khách nước ngoài khi đến Húc Động cũng đã đặt vấn đề được xem đá bóng nữ Sán Chỉ. Bản thân các đội bóng đá nữ Sán Chỉ ở Húc Động cũng đã đi giao lưu thi đấu ở nhiều địa phương, cả TP Hạ Long vào những dịp Lễ hội Carnaval hàng năm.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()