Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:10 (GMT +7)
Những nhà báo tài hoa của Vùng mỏ
Thứ 5, 11/01/2024 | 14:19:15 [GMT +7] A A
Trong chiều dài 60 năm xây dựng và phát triển, ở Báo Quảng Ninh có không ít nhà báo tài hoa: Không chỉ là những phóng viên xông pha, nhiệt huyết, mà còn là những nghệ sĩ thực thụ khi còn làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc…
Nhà báo, nhà văn Lý Biên Cương
Nhà văn Lý Biên Cương tên khai sinh là Nguyễn Sỹ Hộ, quê ở huyện Nam Sách, Hải Dương.
Năm 1961, tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Nhân dân, ông chuyển về khu Đông Bắc, là phóng viên báo Vùng mỏ, sau đó là ở Báo Quảng Ninh. Đến năm 1988, ông chuyển sang Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, là Phó Chủ tịch Hội, Phó Tổng biên tập báo Hạ Long. Liên tục từ năm 1995 đến 2005, ông là ủy viên Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1997 đến 2006 là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh. Ông nghỉ hưu năm 2001. Lý Biên Cương thuộc thế hệ những người làm báo đầu tiên của Báo Quảng Ninh, từ hồi Toà soạn mới thành lập vào cuối năm 1963, đầu năm 1964. Gần trọn 1/4 thế kỷ công tác ở Báo Quảng Ninh, với tư cách nhà báo, ông đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của tờ báo, không chỉ trong lĩnh vực VHNT mà cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Sau này, khi chuyển sang công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ông vẫn cộng tác với Báo Quảng Ninh, để lại dấu ấn với chuyên mục “Trước đèn” trên báo Quảng Ninh cuối tuần. |
Lý Biên Cương làm báo, viết văn, làm thơ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã xuất bản rất nhiều sách, ở nhiều thể loại, như: Tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tản văn. Nổi bật là: Người đãi vàng; Bây giờ ta lại nói về nhau; Tháng giêng; Bây giờ trăng khuyết; Con người kể cũng hay hay; Riêng thơ; Lý Biên Cương, truyện ngắn chọn lọc; Lý Biên Cương, tập tiểu thuyết…
Ông cũng đã được trao rất nhiều giải thưởng danh giá, như: Giải chính thức Văn học công nhân lần thứ nhất năm 1972; Giải Ba báo Văn nghệ năm 1972; Giải Nhì báo Văn nghệ năm 1975; 4 lần được Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1992, 1994, 1998, 2003); 6 lần được nhận Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh (1981, 1986, 1991, 1996, 2001, 2006);…
Ông mất năm 2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội). Năm 2012, ông được truy tặng Giải thưởng cấp Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nhà báo, nhà văn Tô Ngọc Hiến
Nhà văn Tô Ngọc Hiến tên thật là Bùi Thượng Hiến, sinh ngày 16/8/1942, mất ngày 1/3/1998. Vào những năm cuối thập niên 80, thế kỷ XX, khi đã khá nổi tiếng trên văn đàn cả nước rồi, ông mới từ một người thợ cơ khí mỏ chuyển về làm phóng viên Báo Quảng Ninh.
Nói về thời gian làm báo của ông, nhà báo Thân Quốc Huấn chia sẻ: “Dường như với ông, trên đời chỉ có văn chương là quan trọng nhất. Hồi ở Báo Quảng Ninh, cũng có người không thích cách sống của ông, cho là hơi “phóng túng, buông thả”, nhưng tôi thì nghĩ ông đang tự lấy mình ra làm “thuốc thử” để xây dựng nhân vật cho tác phẩm của mình. Tôi vẫn nhớ dịp đầu những năm chín mươi, khi các quán karaoke (thực chất là những ổ mại dâm trá hình), mới mở ra, ông là người đầu tiên ở Báo Quảng Ninh viết về nó trong một phóng sự đăng dài kỳ, lấy tên là “Một nghìn lẻ một chuyện karaoke” mà tôi dám chắc, tác giả không dấn thân, không là “người trong cuộc” thì không thể viết một cách chân thực, sống động như thế được!”. Tô Ngọc Hiến viết văn từ năm 1962 - khi vừa tròn 20 tuổi. Ông đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 1970-1971 của Tuần báo Văn nghệ, với truyện ngắn Người kiểm tu, Tô Ngọc Hiến đã tỏ rõ là một cây bút truyện ngắn có bản sắc riêng. Nhận xét về Tô Ngọc Hiến, nhà văn Lý Biên Cương từng bày tỏ: Sau Võ Huy Tâm, anh là một trong những cây bút vùng than viết về thợ mỏ với tất cả tấm lòng, thủy chung như nhất, dốc hết tâm lực lên mặt giấy và nhất là không viết dễ dãi. Anh viết theo chính kiến anh, dù có nhiều điều phải bàn, nhưng không hề phụ ngòi bút mình. Anh đồng cảm với lối viết văn là phải có vần, phải kỹ từng chữ, vật vã tới mỗi đoạn, mỗi câu. Với nghề, anh xứng đáng là một Nhà văn viết hoa. |
Khi còn ở dương thế, Tô Ngọc Hiến đã viết ra suy nghĩ của mình: “Hạnh phúc duy nhất và nguyện vọng lớn nhất là được bình tâm ngồi trước trang viết như một tấm gương phản chiếu chính mình và cuộc đời. Trước khi chết phải hoàn thành cuốn tiểu thuyết tự thuật về đời mình và cái vòng luân hồi của cuộc đời mà mình vừa là thư ký, vừa là tác nhân và là nạn nhân…”.
Thế nhưng, ông đã không kịp làm điều ấy. Ông ra đi ở tuổi 56, giữa lúc tài năng đang độ chín, vốn sống đã đầy đủ và còn ôm ấp bao khát vọng, dự kiến tốt đẹp trên hành trình sáng tạo các giá trị tinh thần, để lại nỗi tiếc thương cho bạn đọc và đồng nghiệp…
Những giải thưởng nhà văn Tô Ngọc Hiến được trao tặng: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ với tác phẩm “Người kiểm tu”; Giải Văn học Công nhân với tập truyện ngắn “Mùa than trôi”; Giải Nhất Văn nghệ Hạ Long với tiểu thuyết “Hãy cho tôi sống lại”...
|
Nhà báo, nhà thơ Ngô Tiến Cảnh
Nhà báo, nhà thơ Ngô Tiến Cảnh sinh ngày 20/5/1950, quê quán huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Trước khi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp, ông là đại úy trong lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Ở Báo Quảng Ninh, ông từng là Trưởng Ban Quảng Ninh cuối tuần; sau đó chuyển công tác, trở thành Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh. Trên 30 năm hoạt động báo chí và sáng tác văn học nghệ thuật, trải qua nhiều thăng trầm và cương vị quản lý khác nhau, nhưng ông luôn gắn bó với đồng nghiệp, lăn xả vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, gặp gỡ những số phận, những cảnh đời để viết báo, làm thơ. Năm 2002, ông và nhà báo Lương Hùng (khi đó là Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh) đoạt giải Ba Giải thưởng báo chí toàn quốc với tác phẩm “Một nghị quyết được cuộc sống đặt tên”.
Không chỉ viết báo, ông còn làm thơ. Các tác phẩm của ông viết chủ yếu ca ngợi Tổ quốc, người lính, công nhân mỏ và biển đảo quê hương. Ông đã xuất bản đều đặn mỗi 5 năm/tập thơ, là: “Trăng” 1990, “Lặng lẽ” 1995, “Lá và Lửa” 2000, “Đồng Vọng” 2005, “Vọng Biển” 2010; và liên tiếp 4 lần được nhận giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, trong đó tập thơ “Trăng” của ông đã vinh dự được nhận giải Nhất vào năm 1990.
Một cái tài nữa của ông là sáng tác nhạc. Ông có nhiều ca khúc viết về quê hương Đất mỏ và lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam như “Sao anh, Sao em”, “Cây súng, cây đàn”, “Về với quê anh Cẩm Phả”, “Ngôi sao ca ba”. Đặc biệt, gần đến ngày kỷ niệm 50 năm Báo Quảng Ninh ra số đầu (2/1/1964-2/1/2014), ông sáng tác tặng Báo Quảng Ninh ca khúc “Hành khúc người làm báo Quảng Ninh”. Tiếc rằng, ông đã đột ngột qua đời vào hồi 17 giờ, ngày 26/12/2013, không kịp bắt nhịp cho các đồng nghiệp thân yêu hát hành khúc người làm báo tại buổi lễ kỷ niệm...
Nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Tảo
Nhà thơ Trần Ngọc Tảo sinh ngày 9/4/1947, mất ngày 14/11/2008. Ông nguyên là Trưởng ban Kinh tế - Báo Quảng Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh. Trước khi trở thành nhà báo, ông từng là công nhân Mỏ than Khánh Hòa (tỉnh Thái Nguyên) rồi làm thợ lái máy khoan ở mỏ than Đèo Nai. Năm 1985, Trần Ngọc Tảo chuyển công tác sang Báo Quảng Ninh cho đến khi nghỉ hưu (2006). Nhiều người nói rằng, Trần Ngọc Tảo đã gắn bó cả đời với vùng than, với nghề làm than, từ khi là một kỹ thuật viên nổ mìn đến lúc là Phó trưởng Ban Thi đua, Trưởng Đài truyền thanh mỏ Đèo Nai hay đến khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Ngành Than và chất thợ đã hun đúc nên Trần Ngọc Tảo và trở thành ngọn nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, thành đề tài thường trực xuyên suốt trong nghiệp làm báo của ông. Những trang viết từ tình cảm sâu nặng với những đồng nghiệp thợ mỏ, ý thức trách nhiệm cao của người làm báo, cộng với hiểu biết sâu sắc về ngành Than của ông một thời đã được thợ mỏ photo chuyền tay nhau đọc. |
Trần Ngọc Tảo viết nhiều, không chỉ báo, văn mà còn thơ, đặc biệt là thơ cho thiếu nhi. Ông đã xuất bản rất nhiều sách, như: Những miền đất nhớ (Thơ - in chung, 1989) Khoảng trời thị xã (Thơ - 1985), Đêm sáng (Thơ - 1990), Cánh diều (Thơ viết cho thiếu nhi - 1991), Hạt vàng (Thơ - 1992), Rồng rắn vào thành phố (Thơ viết cho thiếu nhi - 1994), Cưỡi trâu lên trời (Thơ viết cho thiếu nhi - 1996), Sáng chân mây (Thơ - 2002), Những trang viết giữa dòng cuộc sống (Tập phóng sự điều tra - 2002). Ông từng đoạt giải thưởng thơ năm 1983 của Bộ Lâm nghiệp và Hội Nhà văn Việt Nam và được tặng Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()