Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:30 (GMT +7)
Những phát lộ khảo cổ mới cho thấy nhiều dấu tích quý về Yên Tử…
Chủ nhật, 12/02/2023 | 08:06:22 [GMT +7] A A
Quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đối với Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới (gọi tắt là hồ sơ di sản thế giới Yên Tử), các nhà khoa học đã đề nghị khảo cổ bổ sung đối với nhiều địa điểm xung quanh các quần thể di tích chính tại 3 địa phương, trong đó có 5 địa điểm tại Quảng Ninh.
Để tìm hiểu về kết quả khảo cổ tại Quảng Ninh cũng như đóng góp của những kết quả này vào hồ sơ di sản thế giới Yên Tử ra sao, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đơn vị đang chủ trì tư vấn về việc lập hồ sơ hiện nay.
- Thưa PGS.TS Tống Trung Tín, các giá trị của quần thể di sản - danh thắng Yên Tử qua việc nghiên cứu những năm qua cơ bản đã được khẳng định. Vậy tại sao các nhà khoa học lại đề nghị khai quật bổ sung các địa điểm An Sinh, Trại Cắp, Am Hoa (TX Đông Triều) và Am Thung, Bảo Đài (TP Uông Bí)?
+ Ở phương Đông, các di sản hiện tồn trên mặt đất hay bị mất do luôn có sự thay đổi về cơ chế bảo vệ, trùng tu hay bị huỷ hoại bởi sự khắc nghiệt của thời gian, điều kiện bảo tồn và những biến đổi của xã hội, như hoả hoạn, lũ lụt, chiến tranh… Với Yên Tử cũng vậy, các di sản gốc trên mặt đất gần như đã bị huỷ hoại hoàn toàn. Còn lại hơn 90% giá trị của di sản hiện nay là được bảo vệ dưới lòng đất, những nghiên cứu nhiều năm qua cũng chỉ tìm được một phần giá trị rất nhỏ mà thôi.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu rất cao về giá trị nổi bật toàn cầu theo đúng yêu cầu của UNESCO thì phải tiếp tục tìm kiếm thêm. Đơn cử như các chuyên gia thẩm định của UNESCO yêu cầu phải là đúng di tích thời cụ Trần Nhân Tông và các sư tổ khác của dòng thiền Trúc Lâm làm ra, hay phải đúng là các loại hình tôn giáo từ thế kỷ 13, 14 cho tới nay, thì mới được công nhận và công nhận giai đoạn đó thôi. Việc tìm lại các giá trị của thời đó luôn là một khó khăn hàng đầu của việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới Yên Tử.
Hơn nữa, trong các nghiên cứu khảo cổ đối với di sản thì không có điểm dừng, không bao giờ kết thúc cả. Yêu cầu của UNESCO rất toàn diện, đầy đủ, sâu sắc. Do đó, sau khi đánh giá những tư liệu, di tích đã có thì các nhà nghiên cứu, khảo cổ học tiếp tục điều tra, nghiên cứu và trước mắt là đề xuất với 3 tỉnh nghiên cứu thêm nhiều điểm di tích hơn nữa. Riêng ở Quảng Ninh có 5 di tích vừa qua đã được khai quật khảo cổ để nghiên cứu, gồm di tích Yên Sinh, chùa Trại Cắp, chùa - am Thung, chùa - am Hoa và chùa Bảo Đài 1. Qua khảo cổ đã phát hiện những dấu tích rất quý.
Đó là lý do chúng ta nghiên cứu bổ sung, không những bây giờ mà kể cả khi đã xây dựng thành công Di sản thế giới Yên Tử thì việc nghiên cứu sẽ vẫn còn tiếp tục. Vậy mới nói, yêu cầu của UNESCO rất cao, và việc chúng ta làm không những là việc nghiên cứu bình thường mà còn là đáp ứng về yêu cầu quản lý của UNESCO, trước mắt là tăng cường những tư liệu để vun đắp cho hồ sơ của chúng ta dày dặn hơn, chất lượng hơn.
- Qua kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ thời gian vừa qua thì có phát hiện nào mới không thưa ông?
+ Tất cả đều là mới tinh, vì di tích khảo cổ nằm dưới lòng đất thì không ai biết cả. Ở cả 5 địa điểm chúng ta đã khai quật thì các di tích kiến trúc, di vật xuất hiện có những giá trị rất mới. Như là tại khu vực am Hoa, am Thung và Bảo Đài 1, qua khảo cổ đã xuất lộ những kiến trúc thời Lê Trung Hưng rất hoàn chỉnh, đầy đủ, là minh chứng cho thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ nhất của Phật giáo Trúc Lâm.
Nhìn chung là dấu tích Phật giáo Trúc Lâm ở khu vực này dày đặc và cho thấy sự phát triển, kéo dài liên tục từ thời Trần mới phát sinh, qua một thời kỳ trầm lắng, qua chiến tranh, sự thay đổi tư tưởng… đến thời Lê Trung hưng lại bùng lên, khẳng định giá trị lớn lao của Phật giáo Trúc Lâm. Ví dụ, di tích tại am Thung đã phát triển qua thời Trần, Lê Trung hưng và tồn tại đến tận thời Nguyễn, tức là gần đến thời kỳ hiện đại sau này.
Am Hoa, am Thung và Bảo Đài rất gần nhau, giống nhau tức là cùng mặt bằng phát triển, nếu như am Hoa vào khoảng thế kỷ 17 thì Bảo Đài 1 là của thế kỷ 18. Những di tích như vậy chứng minh sự nối tiếp và phát triển liên tục của Phật giáo Trúc Lâm, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi rất lớn, rằng ở một khu vực dày đặc chùa chiền như vậy mà ở thế kỷ 18, người lại tiếp tục xây dựng nên 2 ngôi chùa lớn, khá là quy mô ở Bảo Đài, có những tấm bia ghi đó là khu vực phía Đông của Yên Tử. Điều đó cho thấy quy mô của Yên Tử không chỉ ở khu vực trung tâm núi Yên Tử mà bốn phía đều phát triển ra...
Dấu tích thời Trần lại có 2 di tích mới tinh, không ngờ có thể phát hiện ra, đó là tại cánh đồng đền Sinh và khu Trại Cắp. Dưới lòng đất tại khu vực đền Sinh, các nhà khảo cổ đã khai quật tìm ra một phần mặt bằng di tích thời Trần. Nhưng một câu hỏi rất lớn được đặt ra, là đền lớn như thế thì chỗ ở, chỗ sinh hoạt của quý tộc thời Trần, những chủ nhân xây dựng ngôi đền đó ở đâu, trong khi văn liệu cổ ngày xưa cũng nói đó là khu vực rất sầm uất, gần như là một trung tâm của thời Trần ở khu vực An Sinh, Đông Triều.
Quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, các nhà khoa học đoán định là khu vực đó gần với đền, có thể là ở cánh đồng trước đền Sinh. Và kết quả khảo cổ thắng lợi khi cho chúng ta thấy được những dấu tích của kiến trúc mang tính chất vương quyền, tính chất cung đình với những đặc điểm chung giống hệt với những di tích mang tính chất cung đình ở nơi khác, như Thăng Long (Hà Nội), Tam Đường (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định)…
Đối chiếu về đặc trưng chung của kiến trúc, kỹ thuật, nghệ thuật… thì mọi người đoán đó là khu dinh thự cực kỳ to lớn, hoành tráng của quý tộc thời Trần ở An Sinh. Nó mang lại những nhận thức mới trong nhận thức chung về thời Trần, đó là điều hết sức bất ngờ.
Hay là khu vực Trại Cắp cũng thế, ta tiến hành nghiên cứu 2 đợt: Đợt 1 ta thấy tương đối rõ hình hài của một di tích kiến trúc thời Lê Trung hưng, thời phục hưng rực rỡ nhất của Phật giáo Trúc Lâm; đợt 2 lại tìm thấy một mặt bằng chùa thời Trần hoàn chỉnh ở khu vực này.
Chùa có mặt bằng, bố cục, quy mô, cảnh quan cho thấy là kiến trúc lớn, lại ở dưới thấp, gần với các khu vực sản xuất lương thực, gợi cho chúng tôi suy nghĩ, nơi đây có thể vừa là một trung tâm tôn giáo, thực hành nghi lễ của người dân trong khu vực, vừa là nơi cung cấp hậu cần cho sư tăng trên các vùng núi cao thuộc Phật giáo Trúc Lâm ở khu vực núi Yên Tử, như chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên... Vậy là nó có quan hệ chặt chẽ với nhau và mở rộng mạng lưới các chùa Trúc Lâm thời Trần thành một hệ thống hoàn chỉnh, bên cạnh công việc tôn giáo là các vấn đề sinh hoạt, đời sống thường ngày của sư tăng Phật giáo Trúc Lâm nữa.
- Vậy các di tích khảo cổ kể trên sẽ có đóng góp thế nào vào hồ sơ Yên Tử?
+ Chứng minh cho một hồ sơ di sản thế giới thứ nhất là phải bảo đảm được tính xác thực. Tính xác thực được thể hiện bằng những di tích mới kể trên, kết hợp với những di tích cũ tạo thành hệ thống di tích hoàn chỉnh, dày đặc của một trung tâm Phật giáo thời Trần cũng như qua các thời kỳ sau đó.
Thứ 2, những di tích đó được chụp ảnh, vẽ và đang được bảo vệ tại chỗ. Khi các chuyên gia của UNESCO vào kiểm tra, thấy được các di tích đang nằm dưới lòng đất còn nguyên như thế, xác nhận cho mình, đấy là tính toàn vẹn của di tích, nó đang được bảo vệ ở dưới lòng đất và bằng các văn bản pháp luật của nhà nước Việt Nam và UBND các tỉnh, địa phương.
Đồng thời, về giá trị như đã nói ở trên, có thể khẳng định thế này: Nó cho thấy tồn tại ở Việt Nam một Thiền phái Trúc Lâm rất đặc biệt, đã sống, phát triển đến mức độ cực thịnh dưới thời Trần và qua thời gian thăng trầm thì tiếp tục được duy trì, phát triển mạnh mẽ sau đó. Vậy phải có giá trị thế nào thì mới có sức sống bền vững như thế.
Dưới góc độ khảo cổ, kiến trúc, cảnh quan… thì đó là những giá trị mà hồ sơ đang yêu cầu. Ví dụ như là việc phát sinh, phát triển một dòng thiền Phật giáo mang đặc tính rõ nét của Việt Nam như vậy không những thể hiện sự phát triển về mặt ý thức, văn hoá của Phật giáo đó mà còn tạo dựng nên cảnh quan Phật giáo, kết hợp giữa kiến trúc, tư duy, tư tưởng con người với phong cảnh núi, rừng tự nhiên và con người đã triệt để khai thác cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đẹp của núi rừng Yên Tử để xây dựng nên cảnh quan của chùa tháp Phật giáo Trúc Lâm.
Đồng thời, người ta cũng kết hợp sống hài hoà giữa núi rừng cảnh quan như thế, như chùa Trại Cắp hay ở Yên Sinh, nơi thái ấp, hay những phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu đã được phát hiện như vậy chứng minh rất rõ, đây là một khu vực rất thuận lợi về mặt địa lý, về giao thông đi lại, về sinh sống làm ăn, cho nên các quý tộc Trần mới đến đây tụ cư sinh sống, phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời làm nên cảnh quan văn hoá núi rừng Yên Tử từ ngày xưa cho đến tận hôm nay.
- Ông có đề xuất thế nào với những điểm di tích vừa khảo cổ xong?
+ Hiện nay, ta chưa có điều kiện bảo vệ, bảo tồn, phát huy tới du khách nên tạm thời đang phải lấp lại đã. Trước mắt, tôi cũng đã bàn với lãnh đạo 2 địa phương có di tích, là làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh với các di tích. Tương lai, khi có điều kiện ta sẽ mở mang, bổ sung chúng vào danh sách mang tính chất là thuộc về di sản thế giới, trong tương lai gần khi di sản được công nhận.
Và khi được công nhận như thế thì phải có một kế hoạch quản lý: Bảo vệ, bảo tồn, bảo quản, trùng tu, phục dựng… một cách toàn diện để cho di sản sống với cộng đồng và để cho cộng đồng được thực hành di sản văn hoá ngay tại các di sản. Cái đó nằm trong kế hoạch quản lý của hồ sơ di sản thế giới mà chúng tôi đang xây dựng.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã trả lời phỏng vấn!
Phan Hằng (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()