Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:42 (GMT +7)
Những vấn đề về sức khỏe có thể gặp khi bị thiếu máu, thiếu sắt
Thứ 4, 09/11/2022 | 14:06:21 [GMT +7] A A
Thiếu máu, thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, sắt là một trong những chất vi lượng quan trọng có mặt trong hầu hết thành phần cơ thể như trong Hemoglobin (thành phần của hồng cầu), Myoglobin(cơ) và một số enzyme oxy hóa khử trong tế bào… Sắt tham gia vào vận chuyển oxy và các quá trình chuyển hóa khác của cơ thể.
Khi thiếu sắt không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu máu mà còn gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe, đặc biệt với người già, phụ nữ và trẻ em. Trong đó phải kể đến các bệnh liên quan đến sự suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng đến sự tập trung và năng suất làm việc. Cụ thể các vấn đề về sức khỏe liên quan đến tình trạng thiếu sắt gồm có:
Tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực
Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy khi bị thiếu máu do thiếu sắt. Hemoglobin là thành phần chứa nhiều sắt, giữ vai trò vận chuyển oxy tới các mô khắp cơ thể. Vì thế, thiếu sắt sẽ gây ra thiếu hụt hemoglobin, sự vận chuyển oxy nuôi dưỡng cơ thể cũng bị suy giảm dẫn đến tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, suy giảm chức năng của hệ tim mạch và hệ hô hấp.
Rụng tóc, móng yếu
Do sắt tham gia vào thành phần của một số enzyme oxy hóa khử trong tế bào nên thiếu sắt sẽ dẫn đến sự giảm các enzyme này, hậu quả làm tế bào dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, người bị thiếu máu thiếu sắt mạn tính thường kèm theo biểu hiện tổn thương da, biểu mô miệng họng, móng tay mỏng yếu, tóc rụng…
Giảm trí nhớ và hoạt động của não bộ
Não bộ là cơ quan cần cung cấp dinh dưỡng và oxy nhiều nhất cơ thể, điều này đảm bảo sự hoạt động tốt nhất của các tế bào thần kinh. Thực tế, người bệnh thiếu hụt sắt, nhất là trong thời gian dài thường dẫn đến suy giảm trí nhớ, hoạt động của não bộ, tư duy cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và trẻ em là hai đối tượng dễ bị tác động nhất khi không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ.
Các hoạt động của cơ thể bị trì trệ
Thiếu máu, thiếu oxy khiến tất cả các mô, tế bào và bộ phận của cơ thể không được nuôi dưỡng và duy trì bình thường. Mọi quá trình hoạt động của các bộ phận trong cơ thể ít nhiều cũng bị kém đi, thậm chí nếu tình trạng thiếu máu thiếu sắt kéo dài và nghiêm trọng có thể gây rối loạn các hoạt động chức năng trong cơ thể con người.
Suy giảm hệ miễn dịch và khả năng sinh sản
Thiếu sắt thường xảy ra ở trẻ em thuộc các nước kém phát triển, là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Hệ miễn dịch của cơ thể người thiếu sắt cũng thường hoạt động kém hơn. Sự ảnh hưởng này liên quan đến vai trò của sắt trong quá trình sản sinh tế bào bạch cầu - tế bào miễn dịch chống lại sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Khi hoạt động của tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng thì khả năng miễn dịch cũng không đạt được mức tốt nhất.
Bên cạnh đó, phụ nữ độ ở tuổi sinh sản bị thiếu sắt có tỉ lệ vô sinh cao hơn bình thường. Phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt cần bổ sung sắt nhiều hơn, nếu không có thể bị thiếu máu thiếu sắt gây suy dinh dưỡng, thiếu sắt ở thai nhi và có thể dẫn tới sảy thai.
Có thể nói, tình trạng thiếu sắt gây ra nhiều bệnh lý khác nhau và để lại nhiều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người, mà nguyên nhân thiếu hụt sắt lại vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa từ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thường ngày bằng cách bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều sắt như thịt màu đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê…), cá, hải sản, trứng, các loại rau xanh đậm như rau muống, rau ngót…
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()