Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 14:04 (GMT +7)
Niềm tin, động lực để bứt phá
Thứ 6, 10/07/2020 | 08:17:46 [GMT +7] A A
Sau 2 ngày diễn ra, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XIII đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ, yêu cầu đề ra. Tại Kỳ họp, các đại biểu đã tập trung trí tuệ thảo luận, xem xét, quyết định các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy thực hiện, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu KT-XH ở mức cao nhất. Kỳ họp được đại biểu, cử tri, nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của địa phương. Nhất là trong giai đoạn tỉnh đang thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng chống đại dịch toàn cầu Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ KT-XH, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Đỗ Phương |
NHÌN THẲNG VÀO NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Lựa chọn 2 nhóm vấn đề được đánh giá còn nhiều điểm nghẽn trong quá trình thực hiện của tỉnh là: Công tác đào tạo nghề và giải ngân vốn đầu tư công, lần lượt các “tư lệnh ngành” Giáo dục, LĐ-TB&XH, TN&MT, KH&ĐT, Y tế,… đã được đặt trên “ghế nóng” để làm rõ vấn đề đại biểu, cử tri, nhân dân quan tâm. Lãnh đạo các địa phương, Thường trực UBND tỉnh cũng đã giải trình, trao đổi, làm rõ hơn các nội dung.
Cụ thể, qua số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng cho thấy, đến hết năm 2020, Quảng Ninh dự kiến đạt 85% lao động qua đào tạo nghề. Trong đó, có 45% có chứng chỉ, bằng cấp. Hàng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách rất lớn để phát triển giáo dục, nâng cao công tác đào tạo nghề, thu hút lao động chất lượng cao. Nếu so với mặt bằng chung của cả nước, lao động qua đào tạo của Quảng Ninh rất cao (cả nước 23% và đang phấn đấu lên 25%). Tuy nhiên, so với những đầu tư, chính sách mà tỉnh đã, đang xây dựng thì kết quả này vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Trong 5 năm qua, số lao động được đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp tăng trưởng 8,9%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã trên 10%. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn “than phiền” không tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh; tư duy “thích làm thày, không thích làm thợ” vẫn khá phổ biến;…
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận các nội dung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Đỗ Phương |
Đại biểu thẳng thắn đề nghị các ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm trong việc tìm “đầu ra” bền vững cho lao động nông thôn; hay dù được đầu tư kinh phí lớn nhưng nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện và các trường cao đẳng nghề của tỉnh chưa phát huy hiệu quả; công tác phân luồng và giáo dục đào tạo nghề cho học sinh chưa sát thực tiễn; lao động nông thôn được vay vốn sau đào tạo nghề chưa đạt hiệu quả cao;…
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, toàn tỉnh mới giải ngân đạt 37,1%. Nhiều địa phương có tốc độ giải ngân vốn rất chậm như: Hạ Long, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu,… Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT, TN&MT: Việc giải quyết, xử lý đối với dự án chậm tiến độ như thế nào; nếu bắt buộc phải thu hồi dự án theo luật định thì tỉnh có giải pháp gì để bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những người dân có nhu cầu về nhà ở đã góp vốn vào các dự án; quy chế về quản lý khai thác, cấp phép các điểm khai thác đất phục vụ san lấp mặt bằng; công tác GPMB vì sao vẫn khó khăn;… Cùng với đó, lãnh đạo Sở Y tế, UBND TP Hạ Long cũng đã giải trình, làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công và giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Đại biểu sôi nổi thảo luận tại tổ, tham gia ý kiến vào các báo cáo, tờ trình. Ảnh: Đỗ Phương |
THỰC THI GIẢI PHÁP MẠNH
Kết thúc mỗi phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các cuộc thảo luận tại tổ, hội trưởng, Chủ tọa Kỳ họp đã kết luận rõ các vấn đề, chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, những giải pháp sẽ được bàn, thực thi trong thời gian tới. Kết luận đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết tâm đi đến cùng những khó khăn và những giải pháp quyết liệt, rõ người, rõ việc, để tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn tồn đọng thời gian qua.
Cụ thể, đối với công tác đào tạo nghề, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua. Xem mức độ phù hợp thế nào để đề xuất nghị quyết, cơ chế, chính sách phù hợp. Các địa phương phải đánh giá chất lượng các Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện. Nếu không đảm bảo chất lượng cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ. Rà soát tổng thể mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề, các trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao… Lựa chọn địa chỉ thực sự cần thiết để đầu tư, định hướng. Xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút thêm các nguồn lực đầu tư cho đào tạo, giáo dục.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký trò chuyện với đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương |
Đoàn Chủ tọa kỳ họp cũng lưu ý đối với Trường Cao đẳng nghề Việt Hàn, dù được đầu tư bài bản, nhưng vẫn chưa thu hút được sinh viên đào tạo như mong muốn trong khi nhu cầu lao động của tỉnh rất lớn. Do đó, phải xây dựng cơ chế hiệu quả để đây là địa chỉ thu hút, đào tạo được nhiều lao động chất lượng cao. Đối với Trường Đại học Hạ Long, cần quan tâm đúng mức, xây dựng mô hình đô thị đại học, là địa chỉ giáo dục đại học uy tín, chất lượng, xứng tầm, thu hút người học trong và ngoài nước. Đào tạo tốt một số ngành nghề theo yêu cầu riêng của tỉnh.
Đối với nội dung giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Những công trình giải ngân chưa đến 10%, thậm chí trên 10% nhưng xét thấy khó có khả năng hoàn thành 100% đúng kế hoạch năm 2020 hay dự án cho thấy chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa thực sự cần thiết, dự án có nguy cơ kéo dài sang chu kỳ trung hạn 2021-2026… thì sẽ xem xét thực hiện cắt, giảm, dừng, đình hoãn, theo quy định của pháp luật. Các địa phương phải tự cân đối ngân sách, tỉnh sẽ không thực hiện cấp bù chi thường xuyên, không tạm ứng chi thường xuyên. Thực hiện đúng nguyên tắc “có thu thì mới có chi”. Công khai những dự án có sai phạm, chậm tiến độ lên Cổng thông tin điện tử địa phương, tùy cấp độ đưa lên cấp tỉnh.
Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch, thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực này nhanh hơn. |
Tỉnh sẽ xem xét, kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư, chấm dứt nghiên cứu quy hoạch, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, môi trường, đầu tư… Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất, chờ thời, trục lợi, nhất là xin nghiên cứu quy hoạch để giữ đất, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư có nhu cầu thực sự. Đảm bảo mục tiêu sử dụng đất có hiệu quả, tầm chiến lược lâu dài, tiết kiệm đất, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được chất lượng đầu tư, làm ảnh hưởng đến nguồn lực đất đai quý giá.
TẠO XUNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh vững vàng vượt qua “cơn sóng cả”, được Trung ương đánh giá làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đạt được nhiều thành tựu về phát triển KT-XH, tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch; an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và điều kiện nguồn lực; do tác động từ dịch bệnh Covid-19, số lượng khách du lịch, doanh thu du lịch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp; tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp;…
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua 22 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp. Ảnh: Đỗ Phương |
Tại Kỳ họp, các đại biểu đã đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ nghiên cứu kỹ các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết, các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, sôi nổi thảo luận tại tổ và hội trường, đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm; dân chủ, bàn bạc và thống nhất quyết nghị thông qua các nghị quyết. Theo đó, Kỳ họp ghi nhận 66 ý kiến tham gia tại các phiên thảo luận tại tổ, hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn – là một trong những kỳ họp HĐND tỉnh có số lượng ý kiến nhiều nhất. Các đại biểu cũng thảo luận, thông qua 22 nghị quyết, với sự đồng thuận của 100% các đại biểu HĐND tỉnh tham dự. Trong đó, có các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2020; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh dự toán ngân sách tỉnh năm 2020; Điều chỉnh, bổ sung nội dung Nghị quyết 256/2020/NQ-HĐND ngày 14/5/2020 của HĐND tỉnh về một số giải pháp kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2020;…. Các Nghị quyết được thông qua được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo những xung lực mới cho sự phát triển địa phương, nhất là khi tỉnh thực hiện “nhiệm vụ kép” như hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Với ý nghĩa đặc biệt của năm 2020, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải phát huy cao độ tinh thần đoàn kết trong "chống dịch như chống giặc". Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp giữ vững địa bàn an toàn, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định KT-XH, lấy lại đà tăng trưởng. Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ KT-XH năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()