Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 08:44 (GMT +7)
Niềm tự hào ngược
Chủ nhật, 11/09/2011 | 05:37:02 [GMT +7] A A
Đã thành câu cửa miệng, người ta thường nghĩ và nói rằng "tôi tự hào là người Vùng mỏ", "tự hào được sinh ra ở Hà Nội"… hầu hết mọi người đều cho rằng, mình nói thế là "xuôi", là đúng. Thật ra nói vậy là nói "ngược". Niềm tự hào chân chính phải là những đóng góp của mình chứ không phải là cái mình được thụ hưởng. Ở các hoàn cảnh, bình diện khác nhau, bản chất của cái gọi là "niềm tự hào" cũng khác nhau, được hiểu, vận dụng nhiều cách, có thể đưa ra các ví dụ thế này:
Ông Nguyễn Văn A, có đến 3 người con trai, nhưng chưa chắc đã "dám" tự hào, nếu chúng hư đốn, nghiện ngập, trộm cắp. Bà Nguyễn Thị B, chỉ có một đứa con gái, thậm chí là con nuôi, nhưng nếu người con đó giỏi giang, hiếu thảo, đóng góp nhiều cho quê hương, thì bà B lại hoàn toàn có quyền tự hào và ngẩng cao đầu. Còn người con hư đốn có bố là một giám đốc mẫu mực, cũng không thể nói "tôi tự hào vì bố tôi là giám đốc". Chỉ khi người con đó thành đạt, mới có quyền "tự hào" vì đã góp phần làm rạng danh dòng họ mình.
Người Nhật Bản lúc nào cũng tâm niệm trong đầu: Tôi tự hào vì những đóng góp của mình cho đất nước. Niềm tự hào ấy luôn thôi thúc họ làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn.
Ở Quảng Ninh, câu cửa miệng của nhiều người là: Tôi tự hào vì được sinh ra và lớn lên ở nơi có vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới; Tự hào là người vùng than… Thật đáng hổ thẹn cho một số người, tự khoác cho mình niềm tự hào ấy để kiếm ăn, trục lợi bằng mọi giá từ Vịnh Hạ Long, từ nguồn tài nguyên than. Họ vứt rác, đổ thải, làm ô nhiễm vịnh Hạ Long, bắt chẹt khách du lịch, đào bới tài nguyên… Những người ấy, làm gì có "quyền tự hào"?
Cách nói ngược sẽ dẫn đến cách làm ngược. Nếu cứ nghĩ cái thiên nhiên ưu đãi mình, cái xã hội tạo ra là "niềm tự hào miễn phí" con người ta sẽ chìm đắm trong ảo tưởng và mặc sức tàn phá, hưởng lợi. Ở Việt Nam, từ nhỏ các em đã được học thuộc lòng: Đất nước ta rừng vàng biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu… Vậy mà giờ đây chúng ta vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Còn ở Nhật Bản, bài học đầu tiên của các em là: Đất nước Nhật Bản không được thiên nhiêu ưu đãi, không có tài nguyên, thiên tai nhiều bậc nhất thế giới… Mỗi người dân Nhật Bản có trách nhiệm làm cho đất nước mạnh lên. Và bây giờ, Nhật Bản đã vượt chúng ta vài chục lần, đi trước chúng ta hàng thế kỷ!
Trở lại câu chuyện về lòng tự hào, có cậu học trò khi đi học ở TP Hồ Chí Minh khoe với bạn "mình ở ngay bên bờ Vịnh Hạ Long", tưởng được khen, không ngờ bị mấy người bạn ở các tỉnh miền Nam "tương" luôn: Vịnh Hạ Long của cậu bẩn chết đi được, giá cả thì đắt, ra bờ biển chưa kịp ngồi xuống chiếu đã bị mấy bà bán quán đuổi xơi xơi… liệu có đáng tự hào?
Đừng bao giờ nghĩ và vơ vào cái mà thiên nhiên ban tặng, cái sẵn có không phải của mình là niềm tự hào. Nghĩ và nói thế khác nào "tôi tự hào vì có ông hàng xóm làm giám đốc, tôi tự hào vì được ở cạnh công viên…" Cứ suy nghĩ như vậy, cả đời ta chỉ ngồi đếm xe ra vào nhà hàng xóm và ngắm người ta ôm nhau trong công viên mà thôi, "tự hào" sẽ thành "tự hoà"!
Đúng ra chúng ta phải nghĩ và nói ngược lại: Tôi thấy mình có trách nhiệm lớn lao khi được sinh ra ở vùng đất có Vịnh Hạ Long xinh đẹp, hoặc tôi thật vinh dự khi được sinh ra… và thấy trách nhiệm thật lớn lao phải góp sức làm cho Vịnh Hạ Long ngày càng đẹp hơn. Từ suy nghĩ ấy, chúng ta sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống, có trách nhiệm hơn khi sống bên bờ di sản, để cống hiến sức lực, trí tuệ cho Vịnh Hạ Long ngày càng đẹp hơn, quyến rũ hơn và khi ấy, ta có quyền tự hào vì những đóng góp của mình.
Việt Nguyễn
Liên kết website
Ý kiến ()