4
18
/
1100439
Hạnh phúc ở “vùng xanh”
longform
Hạnh phúc ở “vùng xanh”

Cover

Bước vào năm học mới 2021-2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là một thách thức lớn đối với thầy và trò cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời của tỉnh, qua 4 đợt dịch, các em học sinh Quảng Ninh vẫn có được niềm vui đến trường trong ngày khai giảng năm học mới, được học trực tiếp với bạn bè và thầy, cô giáo, trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội. Nắm bắt thời cơ, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã biến khó khăn thành cơ hội, nỗ lực, phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo, đoàn kết vượt qua thử thách và thực hiện thành công nhiệm vụ kép của năm học với những thành tích đáng ghi nhận.

Ảnh trong văn bản

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long), không giấu được xúc động: Trước Tết Nguyên đán 2020, trước khi dịch Covid-19 ập tới, không một giáo viên nào lại nghĩ rằng hàng ngày được đến trường; được dạy - học trực tiếp là điều hạnh phúc, là niềm vui, sự mong đợi của cả cô - trò. Công việc hàng ngày vốn giản dị giờ lại trở thành niềm ao ước của rất nhiều giáo viên, học sinh cả nước. Năm học mới 2021-2022, Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố mà học sinh được đến trường học trực tiếp từ đầu năm học mà chưa bị gián đoạn. Đối với tôi, mỗi ngày đến trường được nhìn thấy các em, được hoạt động cùng các em, được nhìn thấy ánh mắt háo hức, tràn đầy niềm vui, hứng khởi khi khám phá kiến thức mới đó chính là nguồn động lực vô bờ với nghề giáo. Tôi, đồng nghiệp của tôi, các trò nhỏ của tôi đều cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết khi được đến trường, đến lớp. Chúng tôi tranh thủ chắt chiu từng giờ dạy - học trên lớp, chắt chiu từng phút giây để cô trò trao đổi, mở mang thêm kiến thức. Bên cạnh đó, cô trò chúng tôi cùng thực hiện nghiêm khắc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì những “phút giây hạnh phúc” mà chúng tôi đang có.

Ảnh với chú thích
Em Phạm Đăng Dương (người đứng), cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, hiện là sinh viên năm nhất Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, bày tỏ niềm hạnh phúc được học, ôn tập trực tiếp để thi đỗ Đại học trong điều kiện dịch bệnh.

Em Phạm Đăng Dương, sinh viên năm nhất Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, cựu học sinh Trường THPT Hòn Gai, bày tỏ: Năm học 2020-2021 mang lại nhiều cung bậc cảm xúc đối với em. Có thể nói, việc được ôn tập trực tiếp, không phải học và ôn tập, thi online như nhiều nơi khác, là một điều may mắn đối với em nói riêng và học sinh tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nhờ sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của các bác lãnh đạo tỉnh, cùng với sự vào cuộc, chung tay giúp đỡ của các thầy cô giáo trong Hội đồng Giáo dục nhà trường và cha mẹ, em đã được ôn tập và thi trong môi trường an toàn nhất. Nếu như không có những sự chỉ đạo quan trọng và giúp đỡ tận tâm ấy, em và các bạn trong trường khó có thể đạt được kết quả tốt như vậy.

Một năm đầy khó khăn, thử thách, song ngành Giáo dục Quảng Ninh đã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”. Nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời, qua 4 đợt dịch, tại Quảng Ninh, mọi người dân vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong “vùng xanh” an toàn. Tất cả các em học sinh vô tư, nô nức phấn khởi đến trường khai giảng năm học mới trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, thầy cô và các em học sinh nhiều nơi đã không thể tổ chức khai giảng trực tiếp. Đặc biệt, tỉnh cũng đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ trong 1 đợt, tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 sớm nhất cả nước, qua đó mang lại niềm tin, hạnh phúc cho nhân dân, các bậc phụ huynh.

Ảnh với chú thích
Xét nghiệm sàng lọc cho học sinh Trường THCS Thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, của ngành Giáo dục, công tác phòng, chống dịch được các nhà trường chủ động hơn, siết chặt hơn, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Các trường học đã nhanh chóng triển khai các phương án phòng, chống dịch với phương châm "thích ứng an toàn", kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt toàn bộ người ra, vào cơ quan, đơn vị trường học. Các trường cũng thực hiện tốt quy định về giãn cách trong giờ ra chơi, giờ tan trường để đảm bảo không tập trung đông người, tránh ùn tắc vào các giờ cao điểm. Hằng ngày, trường học thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học, trường học, các vị trí thường xuyên tiếp xúc, phương tiện đưa đón học sinh thường xuyên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch. Mặc dù khó khăn về nhân lực song mỗi trường đều cố gắng bố trí 1 nhân viên y tế hoặc cán bộ làm công tác y tế trường học để ứng phó với từng cấp độ dịch trong tình hình mới.

Ảnh với chú thích
Phụ huynh Trường Mầm non Kim Sơn, TX Đông Triều, quét mã QR khi đưa trẻ đến trường. 

Dịch bệnh cũng được cho là "phép thử" để các nhà trường tận dụng nền tảng CNTT được trang bị sẵn có, từ đó sáng tạo, linh hoạt, tìm ra những giải pháp mới để ngăn ngừa, giữ vùng xanh an toàn cho môi trường học đường. Năm nay, một số trường đã mạnh dạn thí điểm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống dịch, bước đầu đem lại những lợi ích thiết thực.

Bà Châu Hoài Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục không để vì một học sinh F0 mà cả lớp, cả trường phải nghỉ học, một vài học sinh F0 mà cả xã hay cả huyện nghỉ học. Đối với trẻ em, học sinh là F0 cần phối hợp nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi trường học, lớp học để bảo đảm dạy và học an toàn; duy trì và tận dụng tối đa thời gian để tổ chức dạy học trực tiếp, sẵn sàng dạy học trực tuyến với phạm vi và thời gian phù hợp để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ năm học, tránh cho học sinh nghỉ học trực tiếp ở quy mô rộng và kéo dài khi chưa thật sự cần thiết. 

Ảnh trong văn bản

Nhờ giữ vững được "vùng xanh" an toàn, hàng trăm nghìn học sinh, trẻ mầm non vẫn được đến trường học trực tiếp, Giáo dục Quảng Ninh đã có cơ hội để thực hiện mục tiêu đổi mới, bứt phá về nhiều mặt. Đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 545 trường (đạt 85%), tăng 161 trường so với năm 2015, trong đó có 66 trường được đầu tư phòng học thông minh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm trung bình của tỉnh đạt 6,29, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm trước (năm 2020 điểm trung bình đạt 6,04, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 97,4% (năm 2020 đạt 96,3%). Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021, tỉnh Quảng Ninh đạt 41 giải, trong đó có 1 giải nhất, 8 giải nhì, 13 giải ba, 19 giải khuyến khích.

Ảnh với chú thích
Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, TP Hạ Long, hân hoan đến trường khai giảng năm học mới.

Tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020-2021, Quảng Ninh có 1 giải nhất, 1 giải ba. Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21, toàn tỉnh có 2 học sinh lọt vào cuộc thi quý. Trong đó, em Nguyễn Hoàng Khánh, Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, đoạt giải nhất quý I và xuất sắc giành được vòng nguyệt quế chung kết năm 2021.

Đặc biệt, gần đây nhất, tại Kỳ thi quốc tế về Khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (viết tắt là GLOCOLIS 2021), được tổ chức tại Indonesia, Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được Huy chương đồng chung cuộc, với đề tài Sử dụng mô hình toán học để dự đoán làn sóng Covid-19 tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021, 2022.

Ảnh với chú thích
Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được Huy chương đồng tại Kỳ thi quốc tế về Khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (viết tắt là GLOCOLIS 2021), được tổ chức tại Indonesia, tháng 11/2021. Ảnh nhà trường cung cấp

Không dừng lại ở đó, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của tỉnh cũng được duy trì, giữ vững và nâng cao. Tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (vượt 5 năm so với kế hoạch đề ra). Toàn ngành cũng chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản về lĩnh vực GD&ĐT đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tăng cường phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS gắn với đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục…

Ảnh với chú thích
Các bé Trường Mầm non Phong Dụ, huyện Tiên Yên, trong giờ vẽ tranh.

Đứng trước yêu cầu đó, ngành Giáo dục Quảng Ninh đang tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”; lấy người học là trung tâm, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học. Tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp cho người học vừa học chữ, học nghề, vừa học làm người, tìm được động lực, động cơ học tập đúng đắn. Trên cơ sở giữ vững thành quả đã đạt được, nâng cao căn bản chất lượng dạy và học trong toàn ngành Giáo dục, phấn đấu Quảng Ninh sớm lọt vào nhóm địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh. Trong giai đoạn 2020-2030, ngành kiên trì phấn đấu, nỗ lực vượt bậc để đứng trong top 10 các tỉnh, thành phố có chất lượng GD&ĐT tốt nhất cả nước.

Lan Anh - Thùy Linh

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu