Lou Wenjun, một nhân viên văn phòng 26 tuổi từ lâu cảm thấy tự ti với thân hình quả lê của mình.
Người có dáng quả lê là thân trên nhỏ, hông to. Lou cho rằng thân trên của mình đã đủ gầy, song thân dưới - phần đùi và bắp chân quá béo. Lou cao 1,65 m và nặng 55 kg, theo những người có tầm ảnh hưởng (KOLs) về thời trang mà cô theo dõi trên mạng xã hội, thân hình như thế này là "không chuẩn". "Những cô gái đẹp thường cân nặng không vượt quá 50 kg", Lou chia sẻ.
Để trở thành "một cô gái đẹp" theo tiêu chuẩn này, trong thời gian thành phố phong tỏa vì Covid-19, Lou bắt đầu chế độ kiêng khem hà khắc tại nhà. Lou ăn hai bữa mỗi ngày, tập thể dục 3 giờ một ngày theo hướng dẫn qua video của ngôi sao thể hình người Đức Pamela Reif và bước lên cân mỗi khi vào phòng tắm. Khi đã giảm vài kg, cô được mẹ khen xinh đẹp, đồng nghiệp ngưỡng mộ về khả năng tự chủ. Ba tháng sau, Lou đạt mục tiêu 50 kg. Tiếp đến, cô đặt mục tiêu mới là 47,5 kg.
"Đối với các cô gái, không có gì gọi là quá gầy. Chúng tôi luôn muốn gầy đi, đó là tiêu chuẩn sắc đẹp ngày nay", Lou nói trong một phỏng vấn.
Lou chỉ là một trong nhiều phụ nữ châu Á bị ám ảnh bởi tiêu chuẩn vẻ đẹp hiện đại. Tại Trung Quốc, một người phụ nữ đẹp phải đáp ứng đủ ba tiêu chí: "trẻ, trắng và gầy". Tiêu chuẩn này liên tục được ngành công nghiệp giải trí, mỹ phẩm truyền tải đến hàng triệu người tiêu dùng trẻ.
Các học giả cho rằng với sự phát triển của nền kinh tế, lý tưởng về thân hình mảnh mai trở nên phổ biến ở phương Tây. Sau này, nó du nhập rộng rãi vào châu Á thông qua các văn hóa phẩm tiêu dùng khác nhau. Áp lực trở nên trầm trọng hơn khi có sự tác động của chủ nghĩa tập thể, đòi hỏi phụ nữ tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến.
Trên mạng xã hội, người dùng chia sẻ nội dung về thực phẩm, cách giảm cân bên cạnh nỗi lo lắng, trầm cảm, và tình trạng rối loạn ăn uống kéo theo.
Chế độ ăn kiêng của những người nổi tiếng được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Ví dụ, một nữ diễn viên quay video hướng dẫn làm bánh mì không nhân, người khác đăng bài về việc dùng bưởi làm nguồn cung carbs duy nhất, giảm thành công 3 kg trong 10 ngày.
"Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lý tưởng về thân hình gầy, khuyến khích phụ nữ tự ngược đãi bản thân. Tuy nhiên, các cơ quan y tế công cộng và ngành truyền thông vẫn chưa nhận thức được tác hại mà điều này gây ra", Jinbo He, chuyên gia về rối loạn ăn uống tại Đại học Hong Kong, Thâm Quyến, cho biết.
Wang Yiting, một sinh viên ở tỉnh Chiết Giang, bị ám ảnh với việc giảm cân cấp tốc. Cô cao 1, 66 m và nặng 50 kg, dưới mức cân nặng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy vậy, Wang vẫn cho rằng thân hình mình quá khổ để mặc những thiết kế thời trang.
Cô bắt đầu giảm cân khi vào trung học, bỏ bữa tối và thực hiện chế độ ăn kiêng "cai nghiện". Cô hạn chế ăn uống, với chế độ nạp năng lượng trong ngày là 800 calo, chỉ bằng một phần ba so với mức khuyến nghị 1.200-2.400 calo mỗi ngày của các chuyên gia. Chế độ ăn uống không khoa học và áp lực giảm cân khiến Wang vô cùng lo lắng. Cô nhìn chằm chằm vào những người phụ nữ khác trên đường và tự hỏi tại sao mình không thể gầy như vậy.
Vài tháng sau, Wang được chẩn đoán mắc chứng biếng ăn. Cô gái 21 tuổi hiện phải điều trị chứng trầm cảm và rối loạn ăn uống. Tuy nhiên Wang chia sẻ "không thể ngừng nhìn chằm chằm" vào đôi chân thanh mảnh của người khác và cảm thấy ghen tị.
"Thực tế là mọi người đều đang giảm cân. Lý tưởng ‘trắng, trẻ và gầy' được khắc trong tâm thức tôi", cô nói.
Rối loạn ăn uống từ lâu được coi là hiện tượng của phương Tây. Nhiều người nổi tiếng như Công nương Diana, Taylor Swift và Lady Gaga đã công khai chia sẻ nỗi khó khăn của họ trước công chúng. Tình trạng này dần trở nên phổ biến ở các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Theo báo cáo của China Newsweek, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải ghi nhận số ca rối loạn ăn uống tăng từ một trường hợp vào năm 2002 lên 2.700 trường hợp năm 2019. Hầu hết bệnh nhân gặp khó khăn khi tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia do nhận thức thấp và tình trạng kỳ thị về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trên toàn cầu, các doanh nghiệp bị chỉ trích vì thúc đẩy tiêu chuẩn cơ thể mảnh dẻ và quảng cáo quá đà về các hình thức ăn kiêng. Theo một cuộc điều tra gần đây củaWall Street Journal, Instagram bị cáo buộc làm trầm trọng thêm mặc cảm về thân hình của thiếu niên, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống.
Đối với Lou, khoảng thời gian giảm cân khiến cô gặp vấn đề tâm lý trầm trọng. Cuối năm 2021, cô cố gắng bỏ thói quen ăn uống kém khoa học. Quảng cáo về những bộ trang phục thời thượng chỉ nhắc nhở cô về cuộc đấu tranh trong quá khứ với chứng rối loạn ăn uống.
"Tôi hiểu rằng mình đã từng nỗ lực đến thế nào để gầy đi. Tôi cũng biết mình phải mất bao lâu để thoát khỏi nỗi ám ảnh đó", cô nói.
Lou đã xóa ứng dụng đếm calo và ngừng đứng lên cân mỗi ngày. Trên trang cá nhân, cô thẳng thắn chia sẻ mình là người sống sót sau chứng "cuồng giảm cân" và tự hứa sẽ không bao giờ làm điều này một lần nữa.
Tuy nhiên, Lou cũng nhận thấy cộng đồng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của ngành công nghiệp làm đẹp và văn hóa ăn kiêng ngày càng phổ biến. "Các cô gái đánh giá bản thân dựa trên hình dáng của họ. Mỗi ngày đều có những người mới rơi vào cái bẫy", cô nhận định.
Ý kiến ()