Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 12:36 (GMT +7)
Nỗi lo bạo lực học đường
Thứ 5, 05/08/2010 | 00:19:07 [GMT +7] A A
Tại cuộc hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau” do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức mới đây đã đưa ra các thông tin đáng lo ngại.
Đó là trong năm học 2009-2010 cả nước xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 trường hợp; cảnh cáo 1.558 học sinh; buộc thôi học có thời hạn 735 trường hợp. Tuy nhiên, chắc chắn con số thống kê trên là chưa đầy đủ, trên thực tế còn rất nhiều vụ học sinh đánh nhau mà nhà trường không nắm được.
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh tham gia vào các vụ đánh nhau, trấn cướp tài sản, vi phạm pháp luật... có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua. Điều đáng nói là không chỉ các nam sinh mà nữ sinh cũng lập băng nhóm đánh nhau, hành hung, làm nhục bạn học. Báo chí đã phản ánh không ít vụ học sinh (cả nam và nữ) đánh nhau khá tàn bạo dã man trước thái độ vô cảm của các bạn cùng học. Hậu quả của tình trạng này đã khiến nhiều học sinh hoảng sợ không dám đến trường, đi học nhưng luôn trong tâm trạng lo lắng bị hành hung đánh đập. Đối với các học sinh hiền lành, học giỏi thì bị ảnh hưởng về tâm lý, không yên tâm học hành. Đối với những học sinh hư hỏng, cá biệt, nếu không có sự giáo dục, ngăn chặn kịp thời thì ngày càng trượt dài vào tội lỗi, bỏ học, theo các băng nhóm, sa vào các tệ nạn xã hội...
Lý giải về tình trạng gia tăng nạn bạo lực học đường nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là do công tác giáo dục đạo đức trong các nhà trường hiện nay không còn được chú trọng, đề cao như nhiều năm trước mà chỉ chú tâm vào dạy các môn văn hoá để phục vụ cho các kỳ thi. Các tiết học về giáo dục công dân cũng tẻ nhạt, thiếu hấp dẫn, không lôi kéo được học sinh lĩnh hội kiến thức. Bên cạnh đó là nhiều gia đình, bậc phụ huynh vì mải mê làm ăn kiếm tiền đã sao nhãng việc quản lý, giáo dục con cái. Và một nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng là do tác động, ảnh hưởng của các loại văn hoá phẩm, trò chơi độc hại, bạo lực tràn lan trên mạng internet...
Để ngăn chặn nạn bạo lực học đường không có cách nào khác là phải tăng cường sự phối hợp quản lý giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các biện pháp đưa ra phải có tính đồng bộ, sát thực tế. Đặc biệt các nhà trường cần thay đổi phương pháp, nội dung giảng dạy về đạo đức đối với học sinh sao cho thực sự hiệu quả và dành một quỹ thời gian thoả đáng cho nội dung này. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp ngăn chặn, rà soát loại bỏ các trò chơi mang tính bạo lực trên mạng internet. Bên cạnh đó để hiểu rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến bạo lực học đường cần thiết phải có các cuộc điều tra xã hội học đối với các bậc phụ huynh và học sinh, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp, đúng với tâm sinh lý lứa tuổi...
Liên kết website
Ý kiến ()