Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:21 (GMT +7)
Nông nghiệp đô thị: Mở ra hướng sản xuất mới
Thứ 7, 29/07/2023 | 16:41:20 [GMT +7] A A
Thích ứng với sự đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo thu nhập ổn định, nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và người dân Quảng Ninh đã tận dụng tối đa diện tích, đầu tư đồng bộ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, giá trị của nguồn nguyên liệu trà hoa vàng, năm 2021, HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến trà hoa vàng tại thị trấn Tiên Yên. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được HTX thu mua của người dân xã Hà Lâu, qua đó giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho lao động.
Đặc biệt, thay vì sử dụng phương pháp phơi thủ công, sau đó sấy qua hệ thống máy móc thông thường, HTX đã sử dụng công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ -57 đến -62 độ C để không làm mất mùi thơm, màu sắc, dinh dưỡng của hoa trà. Qua đó, hoa trà giữ được màu vàng tươi, vị đậm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Cùng với đó, HTX cũng nghiên cứu chế biến nguyên liệu trà hoa vàng thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, với mẫu mã bắt mắt, kiểu dáng phong phú, như trà túi lọc, trà bông… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đáng nói là toàn bộ quy trình từ sấy, chế biến, cho đến đóng gói đều được HTX tận dụng tối đa diện tích của ngôi nhà 3 tầng.
Bà Lê Thị Bích Hạnh, Giám đốc HTX Chế biến và tiêu thụ nông sản Tiên Yên, cho biết: Tiên Yên là địa phương có nguồn nguyên liệu trà hoa vàng dồi dào. Nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm địa phương, chúng tôi đã chủ động tham gia bao tiêu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiết giảm chi phí, tận dụng tối đa diện tích, chúng tôi đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết với các đơn vị khác để chế biến đa dạng dòng sản phẩm từ trà hoa vàng.
Sau một thời gian dài học hỏi, năm 2012, anh Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê, TX Đông Triều) đã đầu tư nhà kính, giàn trồng, hệ thống tưới tự động… với kinh phí 600 triệu đồng để trồng hoa lan ngay tại khuôn viên của gia đình. Vụ đầu tiên, với 3.000 gốc lan anh Liêm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Từ số tiền đó, vợ chồng anh đầu tư thêm 5.000 gốc lan và mở rộng diện tích trồng.
Với nguồn giống chất lượng được nhập khẩu từ Đài Loan, cùng việc áp dụng chuẩn quy trình chăm sóc, nên mô hình vườn lan của anh phát triển tốt. Từ kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, nhằm giảm thiểu chi phí, chủ động nguồn giống, anh Liêm đã tự nuôi cấy mô trên giá thể thay cho việc nhập cây giống. Cùng với đó, anh sử dụng quạt hút gió qua hơi nước, rồi thông khí hai bên nhà trồng thay cho việc sử dụng máy lạnh để kiểm soát nhiệt độ. Đến nay, diện tích trồng lan của anh Liêm đã lên tới 1.000m2, cho doanh thu trên 1 tỷ đồng/vụ, giải quyết việc làm ổn định cho 4-6 lao động địa phương.
Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh như: Sản xuất nấm của Công ty TNHH Long Hải, trồng rau thủy canh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều); sản xuất phân bón từ giun trùn quế cho cây trồng của trang trại Tuyết Tuyến Farm (TP Hạ Long); sản xuất đông trùng hạ thảo của HTX Việt Hoàng (TP Hạ Long) và của Công ty TNHH Phương Thùy (TP Uông Bí)... Từ đó, nâng cao giá trị các loại nông sản, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()