Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:20 (GMT +7)
NSND Như Quỳnh và những kỷ niệm làm phim ở Quảng Ninh
Thứ 4, 05/10/2022 | 10:33:51 [GMT +7] A A
Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh là một trong những diễn viên gạo cội của nền Điện ảnh Việt Nam. Bà đã đóng nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có những bộ phim được quay ở Quảng Ninh như: “Cơn lốc biển”, “Đông Dương”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”. Nhiều bộ phim nổi tiếng mà bà tham gia đều có cảnh quay ở Quảng Ninh.
Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Như Quỳnh, sinh năm 1954 tại Hà Nội. Bà là con gái của vợ chồng nghệ sĩ diễn viên cải lương Tiêu Lang và Kim Xuân. Trước khi đến với nghệ thuật điện ảnh, bà cũng là một nghệ sĩ cải lương của Đoàn Cải lương Chuông Vàng (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội).
Năm 1973, hai năm sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Như Quỳnh tham gia bộ phim đầu tiên mang tên “Bài ca ra trận”. Sau đó là các phim “Đến hẹn lại lên” (1974), “Mối tình đầu” (1977), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978) v.v.. Như Quỳnh đã đoạt Giải Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3, năm 1975. Bà được Nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2007. Cuối năm 2007, bà được trao Giải thưởng Diễn viên nước ngoài xuất sắc, do Đài truyền hình SBS (Hàn Quốc) trao tặng với vai bà mẹ trong phim “Cô dâu Vàng” (sản xuất với sự hợp tác của Hãng phim truyện I và SBS).
Tại cuộc toạ đàm "Giao lưu điện ảnh đến với Quảng Ninh" trong khuôn khổ trao giải Cuộc thi phim ngắn Màn ảnh Xanh tổ chức tại TP Hạ Long tháng 8/2022, nhớ về những kỷ niệm làm phim ở Quảng Ninh, Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh kể: Lần đầu tiên tôi đến Quảng Ninh đã rất lâu rồi, khi còn quay phim “Cơn lốc biển”. Thời đó, thị xã Hòn Gai còn đơn giản, ít khách sạn, đi ngoài đường vẫn nhìn sâu ra biển. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Bộ mặt đô thị đã khang trang hơn, đường sá đẹp hơn, khách du lịch cũng đông hơn. Đó là sự phát triển kinh tế vượt bậc của Quảng Ninh. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Quảng Ninh đã thay đổi rất nhiều.
"Cơn lốc biển" là bộ phim của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi với sự tham gia của các diễn viên Trần Vịnh, Tất Bình, Như Quỳnh, Thanh Quý. Bộ phim kể về câu chuyện hết hạn tù Côn Đảo, Toại trở về vùng mỏ Hòn Gai để xây dựng phong trào cách mạng trong công nhân. Anh tìm Trinh và nhờ tìm giúp các đồng chí hoạt động bí mật trước đây bị mất liên lạc với xứ ủy. Chánh mật thám Rây dùng Thị My, một phụ nữ có nhan sắc làm chỉ điểm, theo dõi những hoạt động của anh hòng tìm ra các đảng viên khác. Bộ phim “Cơn lốc biển” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bất khuất” của Lê Phương, khắc họa phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân mỏ cũng như phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng chính là cuốn tiểu thuyết duy nhất viết riêng về cuộc đình công của thợ mỏ với chủ mỏ Pháp vào tháng 11/1936. Trong bộ phim này, Như Quỳnh vào vai Thị My.
Đối với những cảnh quay ở Quảng Ninh, Như Quỳnh còn xuất hiện trong bộ phim Đông Dương của nhà làm phim người Pháp Régis Wargnier, "Mùa hè chiều thẳng đứng" của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.
Indochine (Đông Dương) là một bộ phim kinh điển của Pháp, từng được đoạt giải Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992. Bối cảnh phim diễn ra chủ yếu ở Việt Nam trong thời kì 1930-1950, trước khi hiệp định Genève được ký kết vào năm 1954.
Phim quay đẹp tuyệt mọi góc máy bởi đạo diễn cùng đạo diễn hình ảnh khai thác rất tốt những danh thắng của Việt Nam và biến chúng trở nên đẹp lộng lẫy qua góc nhìn của những người ngoại quốc. Vịnh Hạ Long, một trong bảy Kỳ quan thế giới, đẹp đến vô ngần trong những thước phim của Régis Wargnier, điều mà những đạo diễn trong nước trước đó vẫn chưa thể làm được. Còn rất nhiều những cảnh khai thác thiên nhiên, hang động, đồi núi dễ dàng nhận thấy trong phim khiến cho chính người Việt Nam phải trầm trồ.
Dàn diễn viên người Việt cũng gây chú ý dù chỉ là những vai diễn nhỏ. Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh đảm nhiệm vai bà Sao. Cùng với những nhân vật khác như bà Minh Tâm, bà Sen, ông Chung tuy chỉ là những vai nhỏ nhưng là những bổ sung quan trọng của câu chuyện. Mỗi người đều có một vai trò để bộ phim Indochine có thể cấu thành một quá trình lịch sử cuối cùng của Đông Dương. Họ đã sống trọn cuộc đời mình như một mắt xích nhỏ của lịch sử. Họ chính là một phần không thể thiếu trong việc tạo ra những giá trị nhân văn đẹp đẽ của Indochine.
Phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" trình chiếu lần đầu tiên vào tháng 5/2000 tại Liên hoan phim Cannes ở hạng mục "Một góc nhìn”. Phim còn xuất hiện tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông lần thứ 26 và trình chiếu tại hạng mục "Điện ảnh đương đại thế giới" ở Liên hoan phim quốc tế Toronto năm 2000. Phim còn được phát hành tại Pháp, Mỹ.
Bộ phim "Mùa hè chiều thẳng đứng" kể về câu chuyện gia đình của 3 chị em gái: Sương, Khanh và Liên quanh ngày giỗ mẹ tại Hà Nội. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của 3 chị em với nhiều mối quan hệ đan xen trong cuộc sống. Ba chị em thần tượng cuộc hôn nhân hoàn hảo của cha mẹ.
Nhưng dần dần, họ phát hiện những điều thầm kín đằng sau. Gia đình của hai người chị bắt đầu gặp uẩn khúc và rạn nứt. Trong khi đó, cô em út sống cùng người anh trai ruột. Cả hai thân thiết với nhau đến nỗi nhiều người tưởng nhầm họ là đôi vợ chồng - điều khiến cho cô thích thú. Ở diễn biến khác, cô em cũng mơ về cuộc sống gia đình và còn tưởng tượng mình mang thai với anh chàng sinh viên.
"Mùa hè chiều thẳng đứng" đánh dấu lần hợp tác thứ hai giữa Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh và đạo diễn Trần Anh Hùng, sau phim "Xích lô". Đạo diễn viết riêng một vai diễn (vai Sương sau này) cho diễn viên Như Quỳnh. Tuy nhiên, không như các diễn viên khác, Như Quỳnh lại từ chối dùng tên thật của mình trong phim mà lựa chọn tên Sương.
Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh kể, khi bà chuẩn bị vào vai trong phim "Mùa hè chiều thẳng đứng", bà biết trước sẽ có cảnh nhân vật chính yêu một chàng trai trẻ do Lê Tuấn Anh thủ vai. Cảnh đó, người phụ nữ được trở về với cảm xúc tươi mới của tình yêu và đạo diễn muốn bà diễn xuất thật tự nhiên. Vào cảnh đó, đối với bà không quá khó nhưng làm sao để cho cả hai diễn viên vốn hơn kém nhau cả chục tuổi, cảm thấy thoải mái, thì cần có cả quá trình làm quen để diễn xuất được tự nhiên.
Nhân vật trong phim còn phải hát nữa. Đạo diễn Trần Anh Hùng đưa cho bà lựa chọn một trong hai bài hát của Trịnh Công Sơn là "Như cánh vạc bay" và "Cuối cùng cho một tình yêu". Mặc dù bà rất thích "Như cánh vạc bay" hơn, nhưng khi nghe bà hát "Cuối cùng cho một tình yêu" đạo diễn Trần Anh Hùng lại hài lòng hơn.
Về việc phát triển điện ảnh ở Vùng mỏ, Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh thẳng thắn chia sẻ: Tôi thấy hơi tiếc là ở Hạ Long có vẻ như việc phát hành phim chưa được chú ý nhiều lắm. Ngay khu du lịch Bãi Cháy cũng quá thiếu các rạp chiếu phim. Rạp chiếu phim không chỉ phục vụ nhân dân mà còn để phục vụ khách du lịch, để từ đó có thể quảng bá được hình ảnh cho Hạ Long, cho Quảng Ninh chứ! Nếu có các rạp chiếu phim tốt thì các nghệ sĩ, diễn viên sẽ có điều kiện thuận tiện hơn để đến với khán giả, giao lưu với khán giả. Thứ hai, có các rạp chiếu phim, việc quảng bá du lịch cũng rộng hơn, hiệu quả hơn. Như ở Bãi Cháy có thêm một, hai phòng chiếu phim, không cần to đâu nhưng thật chuẩn đầy đủ trang thiết bị v.v.. thì rất tốt. Khi cuộc sống vật chất khá hơn thì mọi người nghĩ đến du lịch nhiều hơn, nhất là người nước ngoài. Và quảng bá du lịch bằng điện ảnh là việc làm mang lại hiệu quả rất cao.
Để làm phim (nhất là phim truyện) ở Quảng Ninh hướng đến quảng bá du lịch, ngoài rạp chiếu phim ra, theo Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh, về diễn viên, có lẽ hơi mỏng. Dàn diễn viên thế hệ trẻ ở Quảng Ninh bây giờ hơi ít. Chưa kể Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thì các lớp dạy về diễn viên ở Hà Nội nhiều đấy nhưng nói chung các em ấy ít lên để dự tuyển. Thực ra, phim truyền hình rất nhiều và rất đang cần lực lượng diễn viên. Nhưng cũng thấy ít người Quảng Ninh học làm diễn viên một cách bài bản.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()