Từng có giai đoạn "nhìn là sợ", Nguyệt Quỳnh dần yêu thích rồi thi đỗ lớp chuyên tiếng Trung, giành giải nhì cuộc thi nói tiếng Trung lớn nhất thế giới.
Lê Nguyệt Quỳnh, sống tại Hà Nội, là học sinh lớp 12 chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tháng trước, Quỳnh là học sinh Việt duy nhất dự cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ tại Trung Quốc, tranh tài với 110 thí sinh đến từ 96 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chung cuộc, nữ sinh chuyên ngữ giành giải nhì.
"Lúc được xướng tên, cảm xúc của em lẫn lộn, cũng có chút tiếc nuối, nhưng nhiều hơn là niềm vui. Ban đầu, em chỉ đặt mục tiêu vào top 30", Quỳnh nhớ lại.
Quỳnh cho hay bắt đầu học tiếng Trung từ lớp 6, theo định hướng của mẹ. Mẹ khuyên em nên biết thêm một ngoại ngữ nữa, bên cạnh tiếng Anh. Vì bạn thân cũng chọn tiếng Trung, nghĩ sẽ được đi học cùng bạn, Quỳnh xuôi theo mẹ dù chưa thấy yêu thích ngôn ngữ này.
Xin vào lớp học thêm khi bạn bè đã học được hai tuần, Quỳnh ngợp, "cứ nhìn thấy chữ là sợ". Được cô giáo kèm riêng 1-2 buổi, nhận lời khen "có năng khiếu học ngôn ngữ", Quỳnh được khích lệ nên cố gắng bắt kịp các bạn.
Biết Quỳnh học tiếng Trung, trong một lần em về quê ở Nghệ An, ông bà ngoại nhờ Quỳnh đọc giúp chữ được in trên tấm trướng ở nhà thờ. Thấy cháu gái đọc rành mạch và có thể giải thích nghĩa cho mình, ông bà rất phấn khởi. Còn với Quỳnh, đó là lần em cảm nhận rõ rệt nhất sự tiến bộ của bản thân, trở thành động lực để tiếp tục theo đuổi tiếng Trung.
Càng học càng tiến bộ và yêu thích ngoại ngữ này, Quỳnh chuyển từ định hướng thi chuyên Toán sang lớp chuyên Tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Em là số ít thí sinh đăng ký thi đầu vào bằng tiếng Trung, đạt hơn 9 điểm môn này và trúng tuyển.
"Em chính thức gắn bó với tiếng Trung một cách bài bản, chuyên sâu từ đó", Quỳnh nói.
Cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ do Viện Khổng Tử tổ chức hàng năm. Đây là sân chơi quốc tế lớn nhất thế giới dành cho học sinh và sinh viên yêu thích tiếng Trung (hai nhóm thi đấu riêng). Để đại diện Việt Nam thi quốc tế, học sinh phải đạt giải nhất ở vòng thi quốc gia.
Cuối năm lớp 10, Nguyệt Quỳnh lần đầu thử sức với cuộc thi này. Em thể hiện không tốt trong phần thi tài năng, nên chỉ được giải khuyến khích, không có cơ hội dự quốc tế. Tháng 4 năm nay, dù gia đình e ngại việc dự thi sẽ quá sức với Quỳnh vì đây là thời điểm ôn thi học kỳ, nữ sinh vẫn quyết tâm làm lại.
"Do chuẩn bị tốt hơn, em được giải nhất. Sau mấy năm Covid phải thi trực tuyến, vòng chung kết năm nay được tổ chức trực tiếp tại Trung Quốc. Em chưa đi nước ngoài bao giờ nên rất vui", Quỳnh kể.
Quỳnh có 5 tháng ôn luyện cùng cô giáo - thạc sĩ Chu Minh Ngọc, giáo viên tiếng Trung Quốc, trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Cô Ngọc cho biết hai cô trò đọc rất nhiều sách về văn hóa, lịch sử Trung Quốc, luyện các nội dung thi như hùng biện, sắp xếp từ thành câu, giải nghĩa từ...
Ngoài học với cô Ngọc, mỗi ngày Quỳnh đều tự tập hùng biện, hát hí kịch rồi quay video lại. Việc này giúp Quỳnh chỉnh sửa những chữ phát âm chưa đúng, cải thiện biểu cảm và thần thái trình diễn. Do vẫn theo lịch học trên lớp nên có những ngày em phải học tới 2h sáng.
Quỳnh xem các chương trình, phim của Trung Quốc vừa để giải trí, vừa để cải thiện kỹ năng nghe hiểu, học hỏi ngữ điệu nói của người bản xứ.
Vòng chung kết diễn ra từ 17 đến 31/10. Hơn 100 thí sinh trải qua các phần thi kiến thức, hùng biện và tài năng để chọn ra top 30. Vì thí sinh châu Á có lợi thế học tiếng Trung hơn, để đảm bảo công bằng, ban tổ chức chia thí sinh theo châu lục, chỉ tiêu vào vòng sau cho mỗi khu vực đều bằng nhau. Sau đó, thí sinh tiếp tục thi kiến thức, hùng biện với đề bài được cho trước một ngày.
Phần hùng biện năm nay yêu cầu thí sinh nói về một con vật là người bạn thân thiết trong hai phút. Quỳnh đánh giá nội dung đề gần gũi, nhưng khó để nói hay nên chọn phương án an toàn, chia sẻ kỷ niệm về chú chó cưng ở nhà.
Thí sinh phải trình diễn ngoài trời, trước chuồng gấu trúc giữa trời nắng. Do quá run nên lúc thi, Quỳnh quên mất nội dung đã chuẩn bị và để trống thời gian khá nhiều.
"Em cố nghĩ nhưng không nhớ, mồ hôi nhễ nhại. Đến khi ban tổ chức giơ bảng thời gian còn lại là 30 giây, em đành nhanh chóng kết bài trong sự tiếc nuối", Quỳnh nói.
Bù lại phần hùng biện chưa như mong muốn, Quỳnh hoàn thành tốt phần thi kiến thức với 13/15 câu trả lời đúng. Chung cuộc, nữ sinh Việt giành giải nhì, nhận cúp và học bổng một năm ngành Hán ngữ quốc tế tại một đại học bất kỳ ở Trung Quốc.
Cô Ngọc đánh giá Quỳnh nói tiếng Trung lưu loát, phát âm chuẩn, khẩu ngữ tốt và có khả năng ứng biến với những câu hỏi tại chỗ. Theo cô giáo, hiện trình độ tiếng Trung của Quỳnh ở mức HSK6, ngưỡng cao nhất trong thang điểm đánh giá năng lực tiếng Trung quốc tế.
Ngoài ra, nữ sinh còn có nhiều tài lẻ như hát, chơi đàn guitar, piano và dance sports, rất hoạt bát khi giao tiếp, hòa đồng với bạn bè.
"Tôi nghĩ Quỳnh phù hợp để trở thành giáo viên", cô Ngọc nói.
Đến với tiếng Trung một cách tình cờ, Quỳnh chưa bao giờ nghĩ có thể đi xa đến vậy và giành được giải thưởng quốc tế. Trước mắt, nữ sinh cố gắng hoàn thành tốt năm cuối cấp tại trường THPT chuyên Ngoại ngữ, đồng thời chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học Trung Quốc vào năm 2024.
"Em muốn học Kinh tế tại một trường ở thủ đô Bắc Kinh. Hy vọng giải nhì Nhịp cầu Hán ngữ là điểm cộng trong hồ sơ du học", Quỳnh nói.
Ý kiến ()