Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:13 (GMT +7)
Nuôi dưỡng văn hóa cổ truyền từ lễ hội gói bánh chưng
Chủ nhật, 28/01/2024 | 10:05:56 [GMT +7] A A
Gói bánh chưng ở các trường học hay các hoạt động ngoại khóa dịp cận Tết vừa bổ ích vừa góp phần giáo dục nét đẹp văn hóa cổ truyền hiệu quả từ khi con trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Từ câu chuyện gói bánh chưng...
Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền từ xa xưa đến tận ngày nay, thể hiện nét đẹp của nền văn hóa lúa nước. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên. Tổ chức cho học sinh gói bánh chưng, tìm hiểu về nét đẹp Tết cổ truyền đem lại lợi ích "kép" khi vừa tạo sân chơi thú vị vừa góp phần giáo dục truyền thống hiệu quả.
Ngay từ những ngày đầu tháng 12 Âm lịch, rất nhiều trường học thuộc các cấp học phổ thông đều lên kế hoạch cho chương trình lễ hội bánh chưng. Đây đã trở thành hoạt động ngoại khóa thường niên, được cô và trò khắp các cấp học trông đợi.
Là một trong những đơn vị giáo dục đi đầu trong công tác dạy và học trên địa bàn TP Hạ Long, Trường Tiểu học Hạ Long (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) lên kế hoạch tổ chức lễ hội bánh chưng vào tháng 1/2024. Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm mỗi độ Tết Âm lịch. Không gian tết xưa với ông đồ mặc trang phục truyền thống, khéo léo gói từng chiếc bánh vuông vức, mang đến cho các em học sinh trải nghiệm thú vị. Nhiều học sinh trong những tà áo dài truyền thống cùng ngắm mâm ngũ quả, cành đào đang khoe sắc rực rỡ. Không những thế, các em còn được tận tay gói bánh dưới sự hướng dẫn của ông đồ.
Tại các trường mầm non, việc tổ chức các hoạt động vui Tết được thực hiện khéo léo và kỹ lưỡng hơn. Chủ đề Tết là chương trình dạy và học xuyên suốt thời gian này, tiết học âm nhạc, mỹ thuật, toán đều xoay quanh những nét văn hóa ngày Tết. Đặc biệt, chương trình gói bánh chưng và đi chợ Tết là hoạt động ngoại khóa không thể thiếu ở rất nhiều trường mầm non.
Chị Nguyễn Thị Loan, quản lý Trường mầm non Kitty (phường Cao Xanh, TP Hạ Long), cho biết: Đối với trẻ mầm non, để các con tiếp cận những nét văn hóa cổ truyền, đặc biệt là việc gói bánh chưng luôn khó khăn hơn những học sinh ở cấp học lớn hơn. Trước khi các con được trực tiếp thực hành, các cô giáo luôn đồng hành để các con hiểu thêm về ý nghĩa của bánh chưng và thao tác gói.
Cùng với giáo viên, các con được hướng dẫn cụ thể việc giúp đỡ người lớn cắt lá, múc gạo…, thậm chí các con còn tham một công việc nhỏ trong hoạt động gói bánh. Ngay sau khi hoàn thành, các con được phần thưởng là món bánh chưng thơm ngon. Như thế, các con sẽ ấn tượng, nhớ lâu. Vì thế, đa phần các con đều rất hào hứng với hoạt động trải nghiệm này.
Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Và hơn cả là truyền thống, phong tục và những nét đẹp ngày Tết của người Việt. Đó là những điều mà thầy cô, nhà trường và những người quản lý, hoạch định về giáo dục mong muốn ở trẻ nhỏ và các thế hệ học sinh về sau.
... tới chuyện giáo dục truyền thống tự nhiên, hiệu quả
Thế hệ 7X, 8X chúng tôi vẫn còn nhớ những ký ức Tết tuổi thơ, cứ độ 27, 28 tháng Chạp, nhà nhà lại quây quần cùng rửa lá, vo gạo, đãi đỗ chuẩn bị gói bánh chưng ngày Tết. Rồi những đứa trẻ lại háo hức cùng ông bà, bố mẹ trông nồi luộc bánh. Tất cả đã in đậm vào tâm trí. Chúng tôi yêu nét đẹp ngày Tết, sự đoàn tụ, tình cảm gia đình và hơn hết là quý công sức lao động và thương bố mẹ vất vả, chăm lo cho chúng tôi nhiều hơn.
Ngày nay, cuộc sống phát triển hơn, việc gói bánh chưng cũng vẫn còn đó nhưng dường như không còn nguyên vẹn. Ở thành phố, cũng chỉ có số ít gia đình còn giữ lại phong tục gói bánh chưng, còn đa số gia đình muốn có bánh chưng dâng cúng sẽ đặt những người chuyên làm bánh chưng hoặc ra chợ mua.
Trên thực tế, do áp lực công việc, sự hối hả của cuộc sống vô tình đã "cuốn trôi" những giá trị, những giây phút đoàn tụ gia đình, đầm ấm bên rổ gạo nếp, bếp lửa luộc bánh. Trước áp lực vô hình đó, những nét đẹp văn hóa, hình ảnh đó chỉ được con trẻ biết tới qua phim ảnh. Phong tục gói bánh chưng bên mỗi nếp nhà dần mai một. Nhưng những nét văn hóa cổ truyền vẫn luôn được lưu giữ bằng rất nhiều cách khác nhau.
Mỗi độ xuân sang, nhiều trường học đưa chương trình trải nghiệm “Lễ hội bánh chưng” trở thành hoạt động thường niên, giúp con trẻ hiểu thêm về ngày Tết, về tục gói bánh chưng đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Đây cũng là cách tiếp thu những nét đẹp văn hóa cổ truyền một cách hay nhất, không chỉ là hoạt động trải nghiệm mà còn là tiết học về văn hóa, lịch sử trực quan nhất.
"Chính vì thế, hoạt động gói bánh chưng diễn ra ở nhiều trường học là cơ hội để con trẻ hiểu thêm về lịch sử, truyền thống, văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt. Không chỉ gói bánh, chúng tôi còn lồng ghép vào đó những câu chuyện lịch sử, tích hấp dẫn để con trẻ thấy thú vị, chú tâm. Từ chuyện gói bánh chưng, chúng tôi còn cho các con tham gia các hoạt động cắt dán, làm cành đào; cùng người lớn trang trí không gian Tết; thi đố có thưởng các câu hỏi về phong tục tập quán Tết Việt.
"Các hoạt động, kiến thức này được khéo léo lựa chọn, lồng ghép cùng trò chơi dạng cuộc thi để trẻ không nhàm chán mà hứng khởi tham gia. Vì thế, các giáo viên mầm non trường chúng tôi thường sẽ vất vả, tốn công phu hơn, nhưng thu lại, qua hoạt động ngoại khóa cuối năm, lễ hội bánh chưng, phong tục tập quán đẹp được trẻ nhỏ tiếp thu tự nhiên. Nét đẹp truyền thống đã dần trở về với từng góc nhà, ngõ nhỏ và trong tâm trí trẻ nhỏ, mầm non tương lai" - chị Nguyễn Thị Loan, Trường Mầm non Kitty chia sẻ.
Cũng câu chuyện gói bánh chưng, tôi còn nhớ từng được tham gia chương trình gói bánh chưng của Trường Tiểu học Hạ Long, Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Hạ Long), nơi các phụ huynh được huy động tham gia, cầm tay hướng dẫn các con gói bánh. Các tác phẩm chung của các em học sinh lớp 1, 2 với cha mẹ hoặc những chiếc bánh gói bằng khuôn vuông, dù có phần méo mó vẫn được các cô giáo chủ nhiệm khen ngợi. Và những tác phẩm này còn được lấy làm mẫu trong những cuộc thi hỏi đáp, game trắc nghiệm vui về Tết cho các học trò khác, thậm chí được trao thưởng. Sau lễ hội bánh chưng thậm chí các con còn được mang bánh về cùng sẻ chia hương vị Tết cùng gia đình...
Theo các chuyên gia giáo dục thì giữa một xã hội hiện đại khi mà thiết bị thông minh, những nét văn hóa hiện đại đang lấn át những giá trị văn hóa truyền thống thì chương trình trải nghiệm “Lễ hội bánh chưng” mà các trường học đã, đang và sẽ tổ chức... là hoạt động bổ ích cho trẻ phát triển hài hòa, vừa là bài giảng sáng tạo để đưa học sinh về với những nét đẹp văn hóa cổ truyền. Điều cần làm là tăng cường hướng dẫn, tương tác với con trẻ nhiều hơn, biến lễ hội thành sân chơi, trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về truyền thống qua các cách tiếp cận linh hoạt hơn trong giáo dục, để giúp học sinh có thêm sân chơi, hơn hết là giáo dục những giá trị cổ truyền tốt đẹp, hiệu quả nhất khi con trẻ còn nhỏ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()