Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 11:55 (GMT +7)
Ổn định giá cả trong dịp Tết
Thứ 4, 06/02/2013 | 06:38:26 [GMT +7] A A
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Quý Tỵ. Và theo quy luật hằng năm, cứ vào dịp áp Tết là giá cả nhiều loại hàng hoá trên thị trường lại rục rịch tăng, trong đó nhóm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, ăn uống, may mặc là tăng mạnh nhất.
Theo cơ quan chức năng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 1 đã tăng 1,25% so với tháng trước. Như vậy, sau gần một năm CPI tương đối ổn định, bước sang tháng đầu của năm 2013, chỉ số giá tiêu dùng đã bắt đầu tăng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế tại một số địa phương. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI) cũng bắt đầu tăng giá mạnh đã kéo CPI cả nước tăng theo.
Trong năm 2012 vừa qua, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, nên thu nhập của người lao động giảm sút đáng kể. Điều này đã khiến cho sức mua trên thị trường thấp, dẫn tới chỉ số giá tiêu dùng khá ổn định trong thời gian dài và cũng chỉ tăng nhẹ trong một vài tháng gần đây.
Tuy nhiên, bước sang tháng 2 này, là tháng có Tết Nguyên đán, chắc chắn sức mua trên thị trường sẽ tăng mạnh do người dân tung tiền ra để mua sắm hàng hoá phục vụ ăn, chơi Tết và trang sắm nhà cửa. Thêm vào đó, với tâm lý “ăn theo Tết”, nên có thể giá nhiều mặt hàng, nhất là các loại hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ tươi sống, hoa quả tươi, rượu bia, giày dép, quần áo may sẵn, sẽ tăng giá mạnh.
Để ổn định thị trường, đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh nguồn tiền trong dân không dồi dào, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiềm chế tăng giá hàng hoá trên thị trường. Ngoài những mặt hàng thiết yếu trong danh sách hàng bình ổn giá đã được tỉnh quy định, cũng cần mở rộng hoạt động kiểm tra, giám sát đối với nhóm các mặt hàng khác. Hơn nữa, do mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn giá còn quá mỏng, lại mới chỉ tập trung ở các vùng trung tâm, khu đô thị nên khả năng tiếp cận và được thụ hưởng của người dân là rất hạn chế, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và khu vực nông thôn. Do vậy, ngoài việc dự báo tốt tình hình, có nguồn hàng dự trữ phong phú, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hoá lưu thông, tổ chức phân phối khoa học, thì cũng cần có những biện pháp mạnh để giữ ổn định thị trường. Đặc biệt cần phải xử lý nghiêm những chủ hàng, đơn vị cung ứng lợi dụng dịp Tết để tăng giá hàng hoá, dịch vụ không có căn cứ và các đơn vị, cá nhân bán hàng không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết. Làm tốt những điều này thì những đồng tiền mà người lao động khó nhọc làm ra được mới thực sự có giá trị và cũng là góp phần không nhỏ vào việc ổn định chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và cả nước...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()