Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:54 (GMT +7)
Bình Liêu: Ổn định sản xuất lâm nghiệp sau bão Yagi
Thứ 3, 24/09/2024 | 15:41:05 [GMT +7] A A
Để giúp những người trồng rừng phục hồi sản xuất và ổn định sinh kế sau bão Yagi, huyện Bình Liêu đang khẩn trương rà soát thiệt hại, trợ giúp nhân dân tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng trong mùa hanh khô. Huyện phấn đấu sẵn sàng, đảm bảo mọi điều kiện để các hộ trồng rừng có thể bắt đầu chu kỳ sản xuất mới ngay từ vụ xuân tới.
Xã Vô Ngại có diện tích rừng bị thiệt hại nhiều nhất của huyện Bình Liêu. Gia đình ông Sái Văn Cầu (thôn Khe Lánh, xã Vô Ngại) có hơn 1ha trồng keo 4 năm tuổi. Thông thường, chỉ cần chăm sóc thêm 2 năm nữa là gia đình ông có thể thu hoạch và bán với mức giá từ 1,1 tới 1,2 triệu đồng/tấn gỗ keo. Song siêu bão Yagi tấn công vào Quảng Ninh hôm 7/9 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình ông Cầu cũng như hàng trăm hộ trồng rừng khác của Bình Liêu.
Ông Sái Văn Cầu chia sẻ: “70% diện tích trồng keo của gia đình tôi bị đổ rạp do bão. Sau khi bão tan, tôi phải tăng cường thuê nhân công nhanh chóng thu hoạch keo để bán cho các cơ sở chế biến gỗ dăm. Phải bán nhanh thì mới không rớt giá thêm. Keo mà không dóc vỏ, không bóc được vỏ thì lại càng mất giá”
So với mức giá 1,2 triệu của những mùa trước, keo non phải thu hoạch sớm do bão chỉ bán được khoảng 900 nghìn đồng/tấn. Nhiều rừng keo thoạt nhìn tưởng như chỉ thiệt hại ít nhưng khi kiểm đếm kỹ càng, số cây bị đổ gãy lên tới 70%, thậm chí 80%. Thiệt hại của những hộ trồng rừng sản xuất tại Bình Liêu dao động từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Hộ nào trồng càng nhiều rừng thì thiệt hại lại càng lớn.
Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Vô Ngại, chia sẻ: “Ước tính, xã Vô Ngại có trên 1.700ha diện tích rừng sản xuất chịu thiệt hại do bão. Để hỗ trợ người dân sớm khôi phục sản xuất sau bão, xã đã cử cán bộ đi kiểm đếm diện tích rừng trồng chịu thiệt hại, giải tỏa những đoạn đường bị cây cối đổ ngã để giao thông được thông suốt, tạo điều kiện cho người dân thu hoạch, vận chuyển keo thuận tiện hơn. Thời điểm này, phải tranh thủ thời gian, thu hoạch thật nhanh để hạn chế tối đa thua lỗ cho bà con”.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, ước tính toàn huyện có 3.674ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng do bão. Căn cứ theo loài cây: keo, bạch đàn và thông chịu thiệt hại nhiều nhất với trên 3.200ha, tiếp đó đến diện tích rừng trồng thay thế lát, lim là 172,3ha; diện tích cây hồi và quế chịu thiệt hại lần lượt là 146ha và 155ha. Đối tượng chịu thiệt hại ngoài các hộ gia đình còn có các Công ty lâm nghiệp.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Liêu, báo cáo của đơn vị cho biết, diện tích rừng thiệt hại một phần (dưới 30%) là 818,37ha, diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 51,33ha. Hiện Công ty đang tổ chức 3 tổ công tác, tiến hành xác minh thực địa, thực hiện báo cáo tỉnh và trung ương xem xét để làm thủ tục thanh lý rừng. Ông Hoàng Văn Trình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Bình Liêu, cho biết: "Là đơn vị có năng lực sản xuất cây giống, bên cạnh việc khắc phục thiệt hại, chúng tôi còn phải tính tới câu chuyện sẵn sàng về nguồn cây giống cho vụ tới. Chúng tôi đang đề xuất với Sở NN&PTNT Quảng Ninh, UBND huyện Bình Liêu cho phép mở rộng diện tích vườn ươm cây giống trong ngắn hạn, nhằm đảm bảo cung cấp cây giống đủ chất lượng và số lượng cho người trồng rừng trên địa bàn".
Đồng hành và hỗ trợ nhân dân phục hồi sản xuất lâm nghiệp sau bão, cùng với thực hiện kiểm đếm thiệt hại, Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu đã tập hợp các giấy tờ cần thiết, tạo bộ hồ sơ thủ tục, chuyển về các xã để trợ giúp người dân tiếp cận và nhận hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu, cho biết: “Cùng với hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ của Chính phủ, Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu đang phối hợp chặt chẽ với các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện tốt việc dọn dẹp thực bì, phòng chống cháy rừng trong mùa hanh khô. Các biện pháp về thay đổi thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đang được tính tới, chẳng hạn như trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như dong riềng hay sa nhân dưới tán rừng thấp (keo khoảng 2 năm tuổi) để người trồng rừng có thêm thu nhập trong thời gian chờ đợi rừng keo cho thu hoạch. Về nội dung này, chúng tôi đang chờ và sẽ triển khai ngay khi có hướng dẫn của Sở NN&PTNT”.
Hoàng Lâm
Liên kết website
Ý kiến ()