Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 05/12/2024 01:52 (GMT +7)
PGS TS Trần Đắc Phu tư vấn cách phòng bệnh dịch Ebola
Thứ 7, 16/08/2014 | 14:22:12 [GMT +7] A A
PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã giải đáp trên VOV.VN về diễn biến cũng như cách phòng tránh dịch bệnh Ebola.
Bệnh do virus Ebola (bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (được gọi là bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 90%).
Hiện bệnh do virus Ebola vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh dịch có thể được không chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người giám sát trực tiếp gần với người mặc bệnh và được thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiểm khuẩn.
Bộ Y tế cho biết: Cho đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên nguy cơ dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể vì thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập… trở về từ khu vực châu Phi.
Đây là bệnh dịch tồi tệ nhất trong lịch sử gần 40 năm ở các nước châu Phi (từ 1976 – 2014). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường, dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, đồng vật mắc bệnh.
Chuyên gia tư vấn: PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chánh Văn phòng đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh (Bộ Y tế) đã giải đáp những thắc mắc của bạn đọc VOV.VN về “Cách phòng bệnh dịch do virus Ebola”.
** Xin bác sĩ cập nhật về tình hình dịch bệnh Ebola trên thế giới hiện nay? (Minh Thủy, Hà Nội)
PGS TS Trần Đắc Phu: Theo thông báo của WHO đến ngày 15/8/2014, tổng số 2.127 trường hợp mắc, 1.145 trường tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi. Chỉ trong 2 ngày 12 và 13 đã có 152 trường hợp mắc mới và 76 trường hợp tử vong.
** Tại sao lại nói là dịch bệnh Ebola có tốc độ lây lan hơn HIV. Xin ông có thể giải thích cụ thể hơn? (Nguyễn Văn Thân, Phó Đức Chính, Hà Nội)
PGS TS Trần Đắc Phu: Nói tốc độ lây lan hơn HIV thì cũng không hẳn là như vậy. Như chúng ta đã biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ cuối tháng 12/2013 đến thời điểm hiện nay, dịch đã có số lượng mắc tăng rất nhanh như tôi đã đề cập như ở trên.
Nếu như trước kia, WHO cho rằng dịch chỉ xảy ra tại một số địa phương, hiện nay, WHO cũng có nhận định dịch xảy ra ở tại những vùng có di biến động dân cư và cũng có thể lây theo đường hàng không. Tuy vậy, dịch HIV có một giai đoạn người mang virus không có triệu chứng thậm chí có những giai đoạn nhiễm virus mà chúng ta không xét nghiệm để phát hiện được (gọi là giai đoạn cửa sổ) và nó âm thầm lan truyền ra khắp thế giới. Nhưng Ebola khi nhiễm virus đều phát thành bệnh ngay và nó chỉ lây khi bắt đầu có triệu chứng và tỷ lệ tử vong rất cao, chết cũng rất nhanh. Đó là mức độ nguy hiểm của Ebola.
** Thưa ông, hiện nay đã có nước nào tìm ra vaccine phong bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu hay chưa? (Thành Nam, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)
PGS TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, Ebola là bệnh do virus gây nên, hiện chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và cấp cứu khi bệnh có diễn biến nặng. Đây chính là nguyên nhân dịch bùng phát trong thời gian vừa qua, và số trường hợp tử vong rất cao. WHO cho rằng tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%.
Tại các nước châu Phi, vừa qua tốc độ lây lan nhanh do một số yếu tố: Ebola là bệnh không lây qua đường hô hấp, nhưng lây qua đường tiếp xúc gần, do người lành tiếp xúc với máu, dịch tiết của người bệnh, hoặc tiếp xúc với động vật mắc bệnh. Trong khi các nước ở Tây Phi lại có tập quán chăm sóc bệnh nhân tại nhà, không đưa người bệnh đến cơ sở y tế, thậm chí có nơi phải dùng cảnh sát và quân đội để ép buộc đưa đến cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, họ cũng có tập quán mai táng người chết. Tập quán này cộng với việc không thực hiện biện pháp phòng hộ kĩ lưỡng có thể khiến những người đi mai táng có thể lây nhiễm.
Cơ sở y tế, điều kiện chăm sóc bệnh nhân tại châu Phi cũng rất yếu kém, về phương pháp cách ly, phòng hộ, chữa trị. Vừa qua, có hơn 200 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, tại các nước này, WHO nhận định là vượt quá khả năng, nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh.
** Xin bác sĩ cho biết nếu nghi nhiễm virus Ebola thì đến cơ sở nào để khám ạ? (Thủy Thủy, Hà Nội)
PGS TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo tất cả các cơ sở Y tế, chuẩn bị các nhân lực, phương tiện, trang thiết bị để cấp cứu bệnh nhân nhưng cũng thực hiện biện pháp phòng chống. Nếu như có những bệnh nhân Ebola vào cơ sở y tế thì không để lây lan cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân khác, hoặc cộng đồng.
Về vấn đề điều trị, Bộ Y tế đã đưa ra những cơ sở, danh sách để thu dung, điều trị bệnh nhân. Trong thời điểm nếu như rất ít bệnh nhân, có thể vào một số những có sở đặc biệt, nơi có phương tiện cách ly tốt, kinh nghiệm điều trị. Tại Hà Nội: Bệnh viện các bệnh nhiệt đới; Tại miền Trung: Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Khánh Hòa; Tại miền Nam: Bệnh viện các bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Hiện nay, chúng tôi cũng giao cho tất cả các bệnh viện tỉnh, thành phố phải chuẩn bị các khu vực cách ly để tiếp đón bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã tập huấn cho tất cả các tỉnh, thành phố về hướng dẫn, giám sát, phòng chống, điều trị và cấp cứu bệnh nhân.
**Thưa ông, bệnh truyền nhiễm nhóm A nếu xét nghiệm có mất phí không? (Thùy Anh, Thanh Xuân Hà Nội)
PGS.TS Trần Đắc Phu: Căn cứ vào luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các bệnh trong nhóm A khi cấp cứu điều trị, các xét nghiệm chẩn đoán đều được miễn phí. Tuy vậy, đó là những trường hợp phải là xác định là dương tính với bệnh nhóm A. Ebola cũng là một trong những bệnh của nhóm A. Nhưng tôi cũng không mong muốn bạn được miễn phí xét nghiệm vì mắc căn bệnh này.
** Được biết, Việt Nam có 2 phòng xét nghiệm về bệnh dịch virus Ebola đạt tiêu chuẩn của WHO. Xin ông nói rõ hơn về các phòng thí nghiệm này? (Công Minh, Bình Dương)
PGS TS Trần Đắc Phu: Theo WHO, xét nghiệm virus Ebola phải được xét nghiệm trong phòng an toàn sinh học cấp độ 4. Hiện nay, xét nghiệm Ebola trên thế giới đang có 9 phòng thực hiện xét nghiệm này.
Tại Việt Nam, hiện nay chúng ta chỉ có 2 phòng, an toàn sinh học cấp độ 3, đó là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã làm việc với WHO, CDC của Hoa Kỳ để giúp đỡ cho việc đảm bảo an toàn sinh học để có thể 2 phòng xét nghiệm này được phép xét nghiệm xét định virus Ebola.
Cụ thể: Chúng ta có thể áp dụng phương pháp bất hoạt virus để giảm độc lực trước khi đưa vào xét nghiệm. Chúng tôi cũng đã giao cho 2 phòng xét nghiệm này thu thập các mẫu bệnh phẩm theo miền. Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương chịu trách nhiệm thu thập các mẫu xét nghiệm từ Bình Định trở ra và Viện Pasteur thu thập các xét nghiệm của các tình phía Nam còn lại.
** Thưa ông đi du lịch cùng người bị nhiễm vi rút Ebola có an toàn không? (N.M.T Nguyễn Văn Huyên, HN)
PGS.TS Trần Đắc Phu: Như các bạn biết, bệnh Ebola không lây qua đường hô hấp mà lây qua việc tiếp xúc gần với bệnh nhân, do dính phải máu, dịch tiết. Như vậy, rõ ràng nếu bạn không tiếp xúc gần với người nhiễm thì không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu bạn bắt tay, ôm hôn, ngủ chung giường, thậm chí khi ngồi chung ghế, dùng các đồ vật của người mắc bệnh đã dùng thì cũng có thể lây.
Nhưng tôi cũng xin nhắc lại là, thời gian ủ bệnh của virus Ebola là trong vòng 21 ngày. Người nhiễm bệnh chỉ có thể truyền bệnh từ khi bắt đầu có triệu chứng. Chính vì vậy, hiện nay , WHO cũng đã đưa ra những lời khuyên cho người đi du lịch, cụ thể với những người đã bị nhiễm virus Ebola, thậm chí những người ở vùng có dịch không nên đi du lịch. Những người đã nhiễm virus phải được cách ly. Những người ở các nước khác cũng không nên đi du lịch ở các vùng có dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo tôi, tốt nhất là chúng ta không nên tiếp xúc với những người bị mắc bệnh Ebola trong bất kỳ trường hợp nào.
** Thưa ông, chuyên gia Y tế của WHO cho biết, nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola ở Việt Nam rất thấp trong khi Việt Nam lại đưa ra các phòng tránh và ứng phó rất chi tiết, tại sao? (Thu Nga, Hà Nội)
PGS.TS Trần Đắc Phu: Câu hỏi của bạn rất là hay mặc dù WHO cho rằng nguy cơ lây nhiễm sang một số nước trong đó có Việt Nam là thấp với mấy lí do: Dịch bệnh Ebola không lây theo đường hô hấp mà lây theo đường tiếp xúc gần.
Chỉ khi chúng ta tiếp xúc với với người bệnh bị mắc thì mới bị lây bệnh. Việt Nam có điều kiện phòng bệnh của người dân tốt. Y tế của Việt Nam có đầy đủ các điều kiện, khi có bệnh nhân tiến hành cách ly, điều trị, áp dụng các biện pháp phòng bệnh.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực để không để cho dịch bệnh lây lan và nếu có ca bệnh cũng có thể khống chế được. Tuy vậy, các bạn biết, hiện nay do điều kiện giao lưu, đi lại rất nhanh, lớn giữa Việt Nam và các quốc gia trong đó kể cả quốc gia đang có dịch bệnh.
Ví dụ: Hiện nay, chúng ta đang có những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở 4 nước Tây Phi này. Chúng ta cũng đón những công dân của Tây Phi sang học tập và làm việc tại Việt Nam.
Có thể có những công dân của nước khác đi đến vùng có dịch sau đó vào Việt Nam mà chưa qua 21 ngày nếu họ mắc bệnh thì có thể là nguồn bệnh để lây lan dịch bệnh sang Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi nhận định rằng: Dịch Ebola vào Việt Nam là có thể. Sự đáp ứng của chúng ta trong thời gian qua là phù hợp và không “thừa”.
Nếu như chỉ cần có 1 ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam mà lây lan ra cộng đồng thì các bạn biết mức độ của nó nguy hiểm như thế nào. Tôi không muốn nói nó sẽ trở thành bệnh lưu hành tại Việt Nam.
**Thưa ông đã có quốc gia châu Á nào bị nhiễm dịch bệnh này chưa?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch Ebola bắt đầu xảy ra vào năm 1976 tại Sudan. Cái tên Ebola được lấy tên của con sông của Congo, nơi cũng có dịch bệnh này xảy ra. Từ đó đến nay, dịch bệnh Ebola đã xảy ra ở 11 quốc gia, nhưng tất cả các quốc gia này đều thuộc châu Phi.
Vừa qua, cũng có một số nhân viên làm công tác cứu trợ tại Tây Phi của Mỹ, Tây Ban Nha bị mắc bệnh.
Do vậy, có thể nói rằng, dịch chưa xảy ra ở các châu lục khác ngoài châu Phi, trong đó có châu Á.
** Xin ông cho biết tình hình sức khỏe hiện tại của 3 sinh viên người Nigeria tại Việt Nam?
PGS TS Trần Đắc Phu: Sau khi nhận được những thông tin của các sinh viên người Nigeria sang học tập tại trường Đại học FPT tại Hà Nội, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với nhà trường.
Đồng thời chúng tôi giao cho ngành y tế Hà Nội tiến hành theo dõi, giám sát những sinh viên này nhưng đồng thời cũng tiến hành tư vấn cho các sinh viên, cho giáo viên nhà trường, học sinh nhà trường là người Việt Nam để có những hiểu biết về tình hình về dịch bệnh, tránh hoang mang, lo lắng và chủ động phòng tránh dịch bệnh.
Chúng tôi cũng phát cặp nhiệt kế để cho các học sinh này tự theo dõi sức khỏe. Nếu có những vấn đề này các sinh viên này thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Hiện nay, các sinh viên này sức khỏe vẫn bình thường. Chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác chặt chẽ của nhà trường, của các sinh viên người nước ngoài trong công tác phối hợp phòng bệnh.
** Liệu Bộ Y tế đã trang bị đủ thiết bị phòng chống dịch và xây dựng danh mục dự trữ ngành y tế để đáp ứng công tác phòng dịch hay chưa? (Hiền, Nguyễn Du, Hà Nội)
PGS.TS Trần Đắc Phu: Công tác phòng chống dịch là một việc rất quan trọng. người ta nói, “phòng dịch như cứu hỏa”, chúng tôi luôn luôn phải chuẩn bị sẵn nguồn lực cho công tác này.
Để phòng chống dịch Ebola, Bộ Y tế cũng đưa ra 3 tình huống: Khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam, là thời điểm hiện nay; Khi dịch xâm nhập vào Việt Nam nhưng với các ca lẻ; Dịch lây lan ra cộng đồng.
Trong mỗi tình huống, Bộ Y tế đều có cách đáp ứng phù hợp về công tác chỉ đạo, thông tin truyền thông, hậu cần, kỹ thuật. HIện nay, về cơ bản, chúng tôi vẫn sử dụng những đáp ứng tại chỗ hiện có. Nếu tình huống 1 và 2 xảy ra, chúng ta đều có thể đáp ứng được. Tuy vậy, chúng tôi thấy rằng vẫn cần thiết phải xây dựng những kế hoạch cho tình huống 3 trong việc mua sắm trang thiết bị, thời điểm mua sắm, tránh trường hợp đầu tư không phù hợp, gây lãng phí.
Đối với Việt Nam, Chính phủ rất quan tâm tới công tác phòng chống dịch bệnh, vì vậy, trong thời điểm hiện nay cũng không có gì lo ngại về công tác này.
** Những lời đồn về một số loại thực phẩm có thể giúp phòng ngừa hoặc điều trị bệnh do virus Ebola là thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay, bệnh Ebola chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vừa qua, có thông tin một số thực phẩm, ví dụ như tinh dầu tràm phòng ngừa hoặc điều trị Ebola là không chính xác. Các bạn cũng không nên quá tin vào những thông tin không chính thống.
Như tôi đã đề cập ở trên, việc phòng ngừa hiện nay vẫn là sử dụng các chất khử khuẩn thông thường để tiến hành vệ sinh cá nhân cũng như môi trường để tiêu diệt loại virus này.
** Khi khách du lịch quốc tế đến Sây bay Nội bài, liệu chúng ta có phương pháp nào để kiểm tra cụ thể để phát hiện ra bệnh không?
PGS TS Trần Đắc Phu: Việc kiểm tra của du khách đến từ các nước đang có dịch bệnh tại các sân bay Nội Bài, cũng như các sân bay quốc tế khác thì Bộ Y tế đang áp dụng tất cả các biện pháp để tiến hành giám sát, phát hiện. Nếu có trường hợp nghi ngờ có thể tiết hành cách ly thậm chí nếu trường hợp bệnh phải điều tại cơ sở y tế đủ điều kiện chống lây lan.
Trong thời điểm nay, Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm Ebola. Việc ngăn ngừa không để cho dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hết sức quan trọng. Đây là một trong những sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, các cơ quan có liên quan tại tất cả các cửa khẩu Quốc tế để tiến hành giám sát dịch bệnh. Sự phối hợp này còn được thể hiện giữa những cơ quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu với hệ thống y tế dự phòng tại tất cả các tỉnh, thành phố để theo dõi những trường hợp đi từ vùng có dịch về mà họ chưa qua 21 ngày là thời kỳ ủ bệnh có thể lây truyền bệnh Ebola trong cộng đồng.
Hiện nay, dịch Ebola chưa xâm nhập vào Việt Nam. Khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như: rửa tay bằng xà phòng, lau dọn nhà cửa bằng những hóa chất khử khuẩn thông thường
** Ông có khuyến cáo gì cho người dân nhằm tránh hoang mang, lo lắng trong thời gian này? (Lê Ngọc Hưng, Hà Nội).
PGS TS Trần Đắc Phu: Tôi luôn luôn đưa ra những lời khuyên đối với người dân về công tác phòng tránh dịch bệnh. Nếu như người dân thực hiện tốt, không để hoặc được hạn chế lây lan ra cộng đồng thì giảm gánh nặng rất lớn cho ngành y tế, xã hội và cũng bảo vệ chính sức khỏe cho người dân.
Mỗi một bệnh dịch có một đặc điểm dịch tễ khác nhau, nguồn lây truyền khác nhau và cách phòng chống cũng khác nhau. Trong từng thời điểm, chúng ta cũng phải áp dụng những hình thức phòng bệnh khác nhau.
Sự lo lắng, hoang mang, mất bình tĩnh là không cần thiết đôi khi ảnh hưởng chính tới sức khỏe của bạn cũng như ảnh hưởng tới những đáp ứng của cộng đồng. Chúng tôi mong rằng, mỗi người dân phải có những hiểu biết về tình hình dịch bệnh, nắm rõ thông tin trong từng thời điểm dựa trên những khuyến cáo của Bộ Y tế để áp dụng cho mình và cộng đồng.
Hiện nay, dịch Ebola chưa xâm nhập vào Việt Nam. Chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường như: rửa tay bằng xà phòng, lau dọn nhà cửa bằng những hóa chất khử khuẩn thông thường, không đi đến những nơi có dịch, không nên tiếp xúc gần với những người đi từ vùng có dịch tới Việt Nam mà họ chưa qua hết thời gian ủ bệnh trong vòng 21 ngày từ khi họ rời vùng có dịch đó.
Khi các bạn có những triệu chứng nghi ngờ bị nhiễm bệnh, các bạn nên đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị.
Theo VOV
Liên kết website
Ý kiến ()