- Anh từng vô địch thế giới hạng 55kg các năm 2001, 2009, 2010, 2014 và 2017. Lần này đi thi ở tuổi 47 và lại lên ngôi, anh cảm thấy khác biệt thế nào?
- Nói không bất ngờ thì không đúng, nhưng tôi hạnh phúc và tự hào vì mình tiếp tục được đứng trên bục cao nhất. Ở mỗi giải đấu, tôi đều trang bị cho mình một tâm thế tốt nhất, sẵn sàng trong mọi tình huống để có bài thi tốt nhất.
- Anh chuẩn bị thế nào cho giải đấu tại Wonju, Hàn Quốc lần này?
- Tôi hay nói vui nhưng mà thật, là "biết người biết ta 100 trận 100 thắng". Ngoài các lực sĩ mạnh của Thái Lan, Malaysia, Myanmar... mà tôi từng gặp, giải kỳ này còn có thêm những VĐV khác rất tốt. Tôi cũng nhận thấy qua mỗi năm, VĐV các nước khác đều tiến bộ rõ rệt trong khâu chuẩn bị. Vì thế, tự bản thân tôi cũng phải chuẩn bị chu đáo, tìm hiểu kỹ càng đối thủ để xem họ có những khuyết, ưu điểm nào để mình có thể khắc phục và học hỏi. Nhờ thế, tôi vượt qua một loạt đối thủ mạnh để vô địch.
- Bén duyên với thể hình từ năm 1997, bí quyết nào giúp anh vẫn bền bỉ với môn thể thể thao này đến lúc này?
- Với kinh nghiệm tập luyện và thi đấu thể hình hơn 20 năm, tôi đã chắt lọc ra được nhiều bài học, bí quyết để giữ phong độ. Ngày thường, tôi tập hai tiếng, nhưng vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị thi đấu, tôi tăng khối lượng lên 3-5 tiếng.
Bên cạnh đó, tôi cũng đề cao dinh dưỡng - yếu tố luôn rất quan trọng với các VĐV nói chung, và VĐV thể hình nói riêng. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp tôi duy trì hệ thống cơ bắp và có sức khỏe để tập luyện đều. Ngoài ra tôi cũng phải tự gò mình để tập và thi đấu, như hạn chế rượu bia và các loại chất kích thích, ăn các món ít dầu mỡ, không chiên xào..., ngủ đúng giờ, đủ giấc. Khi bạn tự nhào nặn bản thân vào khuôn khổ với ý thức cao, thành công sẽ đến với bạn.
- Ở tuổi 47, đã là tượng đài của thể hình Việt Nam, anh thấy bản thân còn gặp những khó khăn gì so với thời còn trẻ?
- Nói đùa thì tôi thấy mình càng tập luyện càng trẻ ra. Nhưng thú thật, ở độ tuổi này, khâu chuẩn bị cũng gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Khi bạn lớn tuổi hơn, việc xây dựng cơ bắp, nhóm cơ sẽ chậm hơn so với trước. Thể lực cũng không được dẻo dai và bền bỉ như thời trẻ. Ngoài ra, chấn thương cũng dễ xảy ra hơn. Tôi cũng còn có cuộc sống riêng, phải lo toan nhiều thứ nữa, nên dễ bị stress hơn... Nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó, tôi thấy mình may mắn và hạnh phúc với thể hình.
- Vậy anh tính sẽ thi đấu đến khi nào?
- Tôi nghĩ mình sẽ thi đấu thêm vài năm, vì hiện tại lượng cơ bắp của tôi vẫn còn rất tốt cho thi đấu. Gừng càng già càng cay mà.
- Môn thể hình đang ngày càng phổ biến, và có thêm nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi môn này một cách chuyên nghiệp. Lời khuyên của anh cho họ là gì?
- Thể hình là môn thể thao phổ biến và tuyệt vời cho mọi đối tượng. Nhưng để theo nó, các bạn phải tìm hiểu, học tập trước khi theo đuổi xem nó như đam mê của mình. Nếu làm được như vậy, con đường các bạn đi sẽ đúng hướng và đến đích một cách an toàn, hiệu quả.
Phạm Văn Mách sinh năm 1976 ở An Giang, là con thứ sáu trong gia đình có tám chị em. Năm 1997, anh lên TP HCM tìm việc rồi bén duyên với môn thể hình. Sau 25 năm theo nghề, ngoài sáu chức vô địch thế giới (2001, 2009, 2010, 2014, 2017 và 2023), lực sĩ này còn tám lần vô địch châu Á, trong đó với bảy lần liên tiếp từ năm 2004 đến 2012 (năm 2006 không tổ chức giải) cùng một lần năm 2014. Anh cũng giành HC vàng SEA Games mỗi lần môn thể hình tổ chức hạng 55 kg từ SEA Games 22 và lần gần nhất tại SEA Games 31 ở Việt Nam. |
Ý kiến ()