Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 01:31 (GMT +7)
Phát hiện loài cá ở độ sâu kỷ lục
Thứ 2, 03/04/2023 | 16:56:19 [GMT +7] A A
Các nhà khoa học phát hiện loài cá ở độ sâu hơn 8 km dưới mực nước biển gần Nhật Bản.
Các nhà khoa học đã chụp được ảnh một con cá ốc (snailfish) bơi ở độ sâu 8.336 mét dưới mực nước biển gần Nhật Bản, khiến nó trở thành loài cá được ghi nhận ở độ sâu nhất mà máy ảnh từng chụp được.
Trước đó, con cá sâu nhất được phát hiện ở độ sâu 8.178 mét ở rãnh Mariana, theo BBC.
Các nhà khoa học đã thả một camera tự động xuống rãnh Izu-Ogasawara gần Nhật Bản và quay phim loài cá ốc mà họ ước tính ở hoặc "rất gần" độ sâu tối đa mà bất kỳ loài cá nào có thể sống sót.
Giáo sư Alan Jamieson - nhà khoa học chuyên nghiên cứu biển sâu của Đại học Tây Australia - cho biết: “Nếu kỷ lục này bị phá vỡ thì có khả năng chỉ thêm vài mét".
Theo BBC, cá ốc thuộc loài Pseudoliparis, tuy nhiên, các nhà khoa học không thu được mẫu vật để xác định đầy đủ loài này. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã bắt được một số con ở độ sâu 8.022 mét, được xác định là Pseudoliparis belyaevi, lập kỷ lục về con cá ở độ sâu nhất mà con người từng bắt được.
Loài cá được ghi nhận sống sâu nhất trước đây ở rãnh Mariana được xác định là loài cá ốc Mariana, được các nhà khoa học biết đến từ năm 2014. Theo Hiệp hội Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, loài cá ốc sống ở phần sâu nhất của đại dương, được gọi là vùng hadal, nơi có độ sâu từ 6.000 đến 11.000 mét và không có ánh sáng xuyên qua.
Giáo sư Jamieson suy đoán rằng, loài cá này có thể sống sót ở độ sâu lớn hơn so với những con được tìm thấy ở rãnh Mariana do vùng biển Izu-Ogasawara ấm hơn một chút.
“Chúng tôi cho rằng, loài cá sâu nhất sẽ ở đó và chúng tôi dự đoán đó sẽ là một con cá ốc. Tôi cảm thấy thất vọng khi mọi người nói với tôi rằng, chúng tôi không biết gì về biển sâu. Chúng tôi biết chứ. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh” - Giáo sư Jamieson nói.
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()