Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:03 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường nông thôn
Thứ 4, 10/05/2023 | 08:04:06 [GMT +7] A A
Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường khu vực nông thôn nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đồng bộ các giải pháp
Trong mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đặt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” với phương châm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Các yêu cầu về môi trường, trong đó có môi trường nông thôn được tỉnh đặt ra ở mức cao hơn để đảm bảo sự phát triển cũng như nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhưng đã được tỉnh, các cấp, các ngành, người dân khắc phục. Để đảm bảo các tiêu chí về môi trường, tỉnh tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung tại các huyện; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt thôn, bản, xã; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung, quy mô cấp xã, cấp huyện và liên huyện, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; trong đó phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu xử lý chất thải cấp vùng đi vào hoạt động; 26 lò đốt rác hoạt động, đang thử nghiệm tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 31.983kg/h. Ngoài ra còn có 7 lò đốt đang đầu tư; một số địa phương đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp… Qua đó, cơ bản giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương cũng hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Đến nay, 72% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 26% tổng lượng được xử lý bằng phương pháp đốt, 2% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost....
Đặc biệt, một số địa phương, như: Uông Bí, Ba Chẽ, Cô Tô đã triển khai thực hiện mô hình 3R - phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Thông qua các mô hình tại thôn, khu dân cư, như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải, hợp tác xã thu gom rác thải... giúp người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cùng với đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con giữ gìn vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Nhiều phong trào vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được triển khai, duy trì ở các thôn, bản với sự vào cuộc tích cực của người dân.
Đến nay, hơn 94% số hộ dân khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; các ngành, đoàn thể, địa phương tích cực vận động bà con di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi. Hằng năm, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng cách; hướng dẫn các thôn, xóm xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV, nhằm hạn chế tác động của thuốc BVTV đối với môi trường; số bao gói thuốc BVTV được các địa phương, cơ quan chức năng thu gom, tiêu hủy đúng quy định.
Hằng năm, Trung tâm Quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các chương trình quan trắc môi trường tỉnh định kỳ trên phạm vi 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, khu vực nông thôn có 21 vị trí quan trắc không khí xung quanh, 61 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt, 16 vị trí quan trắc nước mặt phục vụ các mục đích khác, 52 vị trí quan trắc nước biển ven bờ, 23 vị trí quan trắc môi trường đất.
Tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế - xã hội lồng ghép với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn, Vân Đồn, nhằm khuyến khích cộng đồng người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phát triển kinh tế, giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên và tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Chuyển biến tư duy, nhận thức
Cùng với trách nhiệm của tỉnh, các cấp, ngành chức năng, bảo vệ môi trường đã dần trở thành ý thức tự giác của người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, miền núi.
Tại huyện Đầm Hà, để thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các hội, đoàn thể trên địa bàn đã tăng cường tuyên truyền, huy động sự tham gia của người dân tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường nông thôn và thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường. Điển hình như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân thực hiện hiệu quả các tiêu chí cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng các mô hình thanh niên tự quản gắn với thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn...
Tại các xã, thị trấn của huyện Đầm Hà, năm 2022 đã tổ chức trên 4.000 buổi tổng vệ sinh, thu hút trên 30.000 lượt người tham gia, chỉnh trang được gần 100km đường, thu gom trên 234m3 rác thải, trồng trên 3.000 cây xanh và trên 50.000 cây hoa các loại, lắp đặt mới 291 thùng rác công cộng. Đến nay, 66/66 thôn, bản trong huyện Đầm Hà xây dựng hương ước về bảo vệ môi trường; 99,8% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 98,2% số hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch.
Ông Trần Văn Sinh (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: Giờ đây, bà con đều ý thức được bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của mình. Môi trường có xanh, sạch, đẹp thì bà con mới khỏe mạnh, quê hương mới tươi đẹp. Qua đó, bà con cũng ý thức rõ nét hơn về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường trong từng hoạt động sinh hoạt, sản xuất.
Hay như tại xã Tiền An (TX Quảng Yên) đã chú trọng đầu tư hạ tầng khu vực sản xuất với các công trình kênh, mương, điện, đường, nhất là bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV nhằm đảm bảo môi trường nông thôn. Đầu năm 2023, xã đã lắp 63 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV, nâng tổng số bể lên 233. Qua đó, người dân làm nông nghiệp trong xã đã chủ động nâng cao ý thức khi tập kết vỏ bao bì thuốc BVTV để bảo vệ môi trường.
Có thể thấy, những năm qua, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt là vai trò của mỗi người dân với môi trường được thể hiện qua các phong trào do các cấp hội, đoàn thể phát động. Tiêu biểu như, Hội LHPN triển khai các phong trào, cuộc vận động: “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”; các mô hình “Phụ nữ dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Con đường từ nhà tới trường không rác thải”, “Chi hội, tổ phụ nữ văn minh”… Hội Cựu chiến binh với mô hình “Thắp sáng đường quê”, tham gia ủng hộ ngày công, nguyên vật liệu chỉnh trang hạ tầng nông thôn mới, xây dựng hệ thống nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân vùng khó…
Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, nhiều năm qua, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường được tổ chức thường xuyên thông qua việc đăng ký, đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên và các đợt cao điểm, như: Ngày thứ 7 tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, tháng thanh niên, ngày môi trường thế giới... Các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên nêu cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thông qua việc tiết kiệm các nguồn tài nguyên, phân loại rác, bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định, tích cực trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...
Công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới dần hoàn thiện đã góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan nông thôn, làm bộ mặt nông thôn ngày càng đổi thay rõ nét.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()