Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:21 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ
Thứ 5, 02/03/2023 | 12:53:04 [GMT +7] A A
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời đồng hành, chia sẻ khó khăn, giảm áp lực trả nợ đối với các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngành Ngân hàng tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo các Thông tư: Số 01/TT-NHNN, số 03/TT-NHNN, số 14/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng nguồn lực tài chính của các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức, tín dụng, chi nhánh tổ chức, tín dụng trên địa bàn tỉnh rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Qua đó, chủ động tiếp xúc để có biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ ngân hàng nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trực tiếp tham gia 11 buổi làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề do Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương tổ chức. Trong đó, trực tiếp giải đáp 35 kiến nghị của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với Chi hội Tàu du lịch Hạ Long tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với 90 doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tàu du lịch; tiếp nhận, giải đáp, xử lý 36 ý kiến, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn liên quan lĩnh vực ngân hàng; kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 01/TT-NHNN, Thông tư số 03/TT-NHNN, kéo dài thời gian cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay.
Từ những giải pháp triển khai, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm 15 tỷ đồng cho các khách hàng, đặc biệt đã có 2.215 khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ với tổng số tiền trên 7.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với trên 13.000 khách hàng, với tổng doanh số cho vay đạt trên 133.000 tỷ đồng.
Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn NSNN theo Nghị quyết số 43/QH15 (ngày 11/1/2022) của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) của Chính phủ, Nghị định số 31/NĐ-CP (ngày 20/5/2022) của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức rà soát danh sách các khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 và có phát sinh thời điểm trả nợ từ ngày 20/5/2022 để thông báo, nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất. Cùng với đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thành lập bộ phận thường trực hỗ trợ, công khai số điện thoại, hòm thư điện tử để tiếp nhận và xử lý, giải đáp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất.
Từ đó, đã có 15 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay được hỗ trợ từ khi thực hiện chương trình là trên 111 tỷ đồng, dư nợ vay được hỗ trợ lãi suất trên 82 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 296 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã giải ngân cho 53 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay số tiền trên 12 tỷ đồng trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho trên 3.200 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Với những biện pháp điều hành, thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng trong phục hồi, phát triển kinh tế nên đã góp phần cùng với tỉnh Quảng Ninh trong năm 2022 duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2 con số. Đây là tiền đề, động lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2023.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()