Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:23 (GMT +7)
Khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông
Thứ 2, 21/11/2022 | 08:05:30 [GMT +7] A A
Năm 2022, dự kiến tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh tiếp tục đạt trên 10%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016-2022) duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Để có được thành tựu này, Quảng Ninh đã phát huy tốt tinh thần kế thừa, mạnh dạn đột phá, tiên phong trong kiến tạo các hành lang phát triển mới…; đặc biệt là việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, trở thành tỉnh có hạ tầng giao thông đa dạng nhất miền Bắc.
"Trái ngọt" từ PPP
Quảng Ninh có địa hình trải dài gần 250km từ Đông Triều đến Móng Cái. Những năm trước đây, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn do địa hình cách trở, nhiều sông suối, đồi núi; chỉ có 1 đường huyết mạch chạy dọc tỉnh là QL18A nhỏ hẹp. Điều này là rào cản rất lớn đối với một tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, cũng là nỗi niềm trăn trở trong nhiều năm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.
Nhận diện rõ rào cản lớn nhất là hạ tầng giao thông, trong thập niên vừa qua, với quan điểm kế thừa và đổi mới cùng nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp, từ một tỉnh có hệ thống giao thông nghèo nàn, Quảng Ninh đã đạt nhiều thành tựu. Đến nay tỉnh trở thành điển hình trong thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông của ngành GT-VT Việt Nam, là nơi đúc rút những kinh nghiệm phát triển đột phá, quý báu của cả nước với sân bay quốc tế, cảng biển chuyên dụng, hoàn thành ước mơ trục cao tốc dọc tỉnh vào tháng 9/2022 sau 7 năm tập trung thực hiện.
Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong hoàn thiện hạ tầng giao thông, tại lễ khánh thành Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (tháng 9/2022), mảnh ghép cuối cùng trục cao tốc dọc tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng; tạo nên những công trình hiện đại bậc nhất cả nước; tạo động lực, không gian phát triển mới; phá bỏ thế độc đạo của tỉnh. Từ thực tiễn Quảng Ninh đã rút ra nhiều bài học quý báu: Muốn phát triển, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền, địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc, chân trời, cửa biển của mình; dám nghĩ, dám làm không trông chờ ỷ lại, xóa bỏ cơ chế xin cho, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả.
Nhờ hạ tầng đồng bộ, vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển của đất nước, Quảng Ninh đã sớm khẳng định được vai trò của mình trong chuỗi kết nối tổng thể khu vực phía Bắc, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Tỉnh hiện khẳng định được là một mắt xích quan trọng của trục cao tốc phía Đông Việt Nam, hình thành dựa trên cơ sở các tỉnh, thành phố có trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km đi qua, kết nối hàng loạt KCN, các đô thị, nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần TP Đà Nẵng. Trong đó, Quảng Ninh đóng góp gần 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh dài 176km.
Chuỗi liên kết này sẽ giúp các tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện cho giao thương, vận tải hàng hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giao thông, góp phần giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây chính là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư tới Quảng Ninh, từng bước hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao.
Cũng từ các hạ tầng chiến lược, Quảng Ninh đã rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế được hoàn thành; nhiều khu đô thị kiểu mẫu được quy hoạch đồng bộ, góp phần tạo nên chuỗi hệ thống đô thị hiện đại, văn minh; đời sống nhân dân được cải thiện theo tiêu chí hạnh phúc. Điều này góp phần quan trọng để 7 năm liên tiếp Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng ở mức 2 con số.
Tiếp tục tạo những đột phá mới
Quan điểm, định hướng phát triển của Quảng Ninh được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là "phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư…". Quan điểm này dựa trên sự kế thừa từ những giai đoạn trước, cũng là kinh nghiệm cốt lõi để làm nên một Quảng Ninh hôm nay.
Cũng từ nguồn lực xã hội, đến nay Quảng Ninh có 7 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo hình thức PPP với tổng số vốn trên 43.000 tỷ đồng, như Sân bay Vân Đồn, Cầu Bạch Đằng, Cảng tàu quốc tế Hạ Long và các tuyến đường cao tốc. Đây đều là các dự án giao thông huyết mạch, hiện đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng, rút ngắn về thời gian và khoảng cách, mở không gian phát triển mới, khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực.
Các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức PPP đã giúp tỉnh giảm được áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn, có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng tốt hơn của cộng đồng và người dân. Từ thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy, hiệu quả đầu tư công - tư không chỉ góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại cho một địa phương, mà còn là minh chứng rõ ràng nhất về quan điểm Nhà nước - Nhà đầu tư đồng hành, làm thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt giữa doanh nghiệp và các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh và nhân dân. Sự tham gia của khối tư nhân trong PPP khẳng định việc thực hiện đồng bộ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã có hiệu quả, thỏa mãn lợi ích 3 bên (chính quyền, người dân, doanh nghiệp), cung cấp kịp thời các dịch vụ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu cho đối tượng thụ hưởng, thay vì khả năng phải chờ đợi nhiều năm sau.
Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh xác định nguồn lực xã hội vẫn sẽ là quan trọng, đột phá để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng. Theo tính toán của các chuyên gia, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GRDP là 10% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội rất lớn. Năm 2020, vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh chiếm 36% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ giảm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xuống 19% trước năm 2030. Như vậy nguồn lực đầu tư sẽ được tăng cường xã hội hóa, tập trung thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách.
Từ thực tiễn Quảng Ninh, chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới, Bộ GT-VT đang đề xuất Chính phủ có sự thay đổi, điều chỉnh. Đó là, quốc lộ, cao tốc của tỉnh nào thì giao cho địa phương đó đầu tư. Muốn làm được cao tốc thì địa phương phải bỏ tiền GPMB, Chính phủ hỗ trợ một phần xây lắp, tùy theo từng dự án có tỷ lệ phù hợp. Kinh phí duy tu, bảo trì chuyển về cho địa phương thực hiện, Bộ GT-VT chỉ điều hành, quy hoạch chiến lược, quy hoạch đường cao tốc, sau đó giao cho địa phương thực hiện.
Như vậy, nguồn lực xã hội sẽ tiếp tục được khai thác để phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới. Trong đó, trước mắt, tỉnh kỳ vọng có thêm 2 tuyến đường cao tốc mới được đầu tư là: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, điểm cuối tại cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 57km; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng, điểm đầu tại cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên- Móng Cái, đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 25km. Cùng với đó tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã để tạo hệ thống giao thông tổng thể hiện đại và đồng bộ…
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()