Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:42 (GMT +7)
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Thứ 4, 21/09/2022 | 08:41:29 [GMT +7] A A
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là phương châm, mục tiêu, động lực để tỉnh Quảng Ninh phát huy nguồn lực từ nhân dân, khơi dậy sức mạnh của toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Đặt người dân ở vị trí trung tâm
Quảng Ninh hiện có sự phát triển sôi động với nhiều hoạt động chính trị, kinh tế - xã hội. Để đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển, trên quan điểm chỉ đạo của tỉnh, trước mỗi vấn đề quan trọng, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đều công khai cho nhân dân được biết thông qua truyền thông đại chúng, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố.
Đơn cử như vấn đề quy hoạch, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị tư vấn và sở, ngành, địa phương liên quan đều công khai xin ý kiến đóng góp của nhân dân vào bản quy hoạch. Việc làm này không chỉ giúp đơn vị tư vấn có thêm thông tin hữu ích bổ sung cho quy hoạch, mà còn tạo cho người dân quyền làm chủ, được tham gia ý kiến, khẳng định vai trò, vị trí của mình.
Vân Đồn được Trung ương và tỉnh xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Do vậy các quy hoạch ở đây đều được công khai xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân để nhân dân biết, dân bàn, đóng góp ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Ông Đàm Công Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 1 (thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn), cho biết: Việc các cấp, các ngành xin ý kiến nhân dân về các bản quy hoạch trên địa bàn huyện thời gian qua là đúng đắn, phù hợp. Bởi người dân địa phương nắm chắc và sâu nhất về điều kiện phát triển kinh tế, truyền thống văn hóa và sẽ là người thụ hưởng đầu tiên từ những quy hoạch này. Người dân thấy mình được tôn trọng, được nói lên chính kiến tham gia các đồ án quy hoạch hoàn thiện hơn.
Từ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đến nay KKT Vân Đồn có 9/12 đồ án quy hoạch phân khu được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở quan trọng triển khai các quy hoạch chi tiết và kêu gọi các dự án đầu tư. Đặc biệt, sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đều tổ chức công khai đến người dân để nhân dân biết, thực hiện quyền giám sát của mình.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân, trước khi được đầu tư xây dựng, các cấp chính quyền nơi có dự án đi qua đều công khai quy hoạch, hướng tuyến, kế hoạch sử dụng đất, diện tích thu hồi đất, phương án hỗ trợ đền bù GPMB để nhân dân biết, dân bàn, dân tham gia ý kiến, qua đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Là người đồng thuận cao, tự nguyện bàn giao 2.000m2 đất phục vụ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Đặng Viết Luân (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) cho biết: Từ khi tỉnh có chủ trương làm đường cao tốc qua đây, nhân dân rất háo hức, phấn khởi, đều nhiệt tình ủng hộ, đồng thuận ngay từ những ngày đầu, nhất là trong công tác GPMB. Ngay khi dự án triển khai, người dân đã được các cấp chính quyền tuyên truyền cụ thể, nên nắm bắt được toàn bộ chủ trương, thông tin liên quan. Nay cao tốc đã hoàn thành, thấy công sức, lòng dân trong đó, người dân vừa tự hào, vừa phấn khởi vì mình đã được đóng góp phần nào vào công trình rất lớn và ý nghĩa này. Công trình đưa vào sử dụng, hưởng lợi nhiều nhất chính là người dân các địa phương có cao tốc đi qua.
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, 177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thường xuyên tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương, phương án hỗ trợ đền bù GPMB, kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Qua đó phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, tôn trọng quyền tham gia ý kiến, nâng cao trách nhiệm của nhân dân. Đặc biệt trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ sự công khai kế hoạch thực hiện, tổ chức lắng nghe ý kiến nhân dân, người dân đã đóng góp hàng triệu công lao động, hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường, xây dựng công trình phụ vụ nhu cầu dân sinh. Đến nay, tỉnh có 98 xã đạt chuẩn NTM, 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 17 xã và 54 thôn, bản thoát diện đặc biệt khó khăn.
Mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển
Từ những thông tin phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, HĐND các cấp của tỉnh tăng cường công tác giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất không báo trước ở các cấp, các ngành mà cử tri có ý kiến, kiến nghị. Giai đoạn 2016-2021, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết đối 399 vụ việc kiến nghị, khiếu nại của nhân dân; trong đó đã bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho 58 công dân có nội dung khiếu nại đúng, 39 công dân có nội dung khiếu nại đúng một phần.
Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng tại 177/177 xã, phường, thị trấn của tỉnh ngày càng thực chất, hiệu quả. Các ban đã giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở; chất lượng các công trình xây dựng tại địa phương.
Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, song công tác kiểm tra, giám sát của người dân luôn được nêu cao. 7/7 xã, thị trấn của huyện duy trì hoạt động thường xuyên của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng. Trong 2 năm 2020-2021, ban thanh tra nhân dân và ban giám sát cộng đồng của các xã, thị trấn đã thực hiện giám sát 95 cuộc, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết theo quy định. Từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát của nhân dân đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành trước tiến độ, đảm bảo chất lượng, đưa vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, phục vụ an sinh xã hội cho người dân.
Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của người dân huyện Vân Đồn đã phát huy hiệu quả khi nhiều vấn đề sau khi có ý kiến phản ánh của nhân dân đã được cấp chính quyền tiếp thu, giải quyết thấu tình đạt lý. Đơn cử, thời gian vừa qua, sau khi hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Đoàn Kết hoàn thành, nhiều hộ dân đã về đây sinh sống, hạ tầng kỹ thuật cấp điện khu tái định cư lại không đưa vào vận hành. Từ kiến nghị của người dân, lãnh đạo huyện cũng như Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tiếp nhận và nhanh chóng giải quyết. Đến nay công trình được giao cho Điện lực Vân Đồn quản lý, vận hành, khai thác, cấp điện ổn định cho các hộ dân khu tái định cư xã Đoàn Kết.
Với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người dân đều được hưởng tăng trưởng bao trùm, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, thực hiện nhiều chương trình, đề án để nhân dân được thụ hưởng lợi ích. Trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành trên 20 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, ưu tiên bố trí nguồn lực lớn đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Trong đó phải kể đến Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh) gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ở chương trình này, tỉnh sẽ dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn để hỗ trợ người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện hạ tầng kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống bền vững. Chương trình mới khởi đầu, nhưng đến nay đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, người dân đã được thụ hưởng nhiều lợi ích, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến hết năm 2021 còn 0,1% theo tiêu chí đa chiều.
Người dân được phát huy quyền làm chủ, được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, mà còn tạo sự đồng thuận, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới cho chặng đường phát triển phía trước của tỉnh. Đối với mỗi người dân Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương tiếp tục tạo thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()