Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:15 (GMT +7)
Phát huy thế mạnh đặc thù về thương mại quốc tế
Thứ 2, 15/04/2024 | 13:04:32 [GMT +7] A A
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển KT-XH, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang phát huy mạnh tiềm năng, lợi thế, tích cực khai thác hiệu quả hoạt động thương mại tự do.
Với lợi thế của một địa phương được xác định như một trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.
Đến nay, trong hợp tác hội nhập quốc tế, tỉnh đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những địa phương thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có điều kiện tương đồng Quảng Ninh. Nội dung ký kết phù hợp với nhu cầu hợp tác của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đạt hiệu quả nhất là du lịch, thương mại, đầu tư, giao lưu hữu nghị. Đến nay, đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Quảng Ninh, thị trường xuất khẩu mở rộng tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục.
Về xuất khẩu (XK) nhập khẩu (NK) cũng có nhiều bứt phá. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh giai đoạn 2011-2023 đạt 63,7 tỷ USD. Cụ thể: Kim ngạch XK giai đoạn 2011-2015 đạt gần 9,5 tỷ USD (tăng trung bình 0,8%/năm), giai đoạn 2016-2020 đạt gần 10 tỷ USD (tăng bình quân 8,41%/năm); giai đoạn 2021-2023 đạt gần 9 tỷ USD (tăng bình quân 10,7%/năm); kim ngạch NK giai đoạn 2011-2015 đạt trên 14,8 tỷ USD (bình quân tăng 29,46%/năm); giai đoạn 2016-2020 đạt gần 11,5 tỷ USD (bình quân giảm 4,75%/năm); giai đoạn 2021-2023 đạt trên 9,2 tỷ USD (tăng bình quân 6,7%/năm). Đáng chú ý, thị trường XNK đã mở rộng từ 54 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2011 lên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2020 (trong đó thị trường XK tăng từ 54 đến 80 thị trường; thị trường NK tăng từ 42 đến 50 thị trường).
Tính đến tháng 3/2024, trên địa bàn tỉnh có 180 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 14,2 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu cả về số dự án và vốn đầu tư đăng ký với 101 dự án (chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước (chiếm 29,6% tổng vốn đăng ký); xây dựng (chiếm 11,9% tổng vốn đăng ký).
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với tỉnh Quảng Ninh trong hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới. Một trong số đó liên quan đến việc Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới giáp với Trung Quốc, với đặc thù đó doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu hoạt động thương mại với Trung Quốc nên mặt hàng XK của doanh nghiệp trong tỉnh chưa nhiều, sức cạnh tranh chưa cao. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài dù đạt kết quả khá nhưng còn ít dự án đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… nên chưa thật sự tạo ra nhiều giá trị gia tăng và có độ lan tỏa lớn với nền kinh tế của tỉnh.
Mặt khác, vị thế của doanh nghiệp Quảng Ninh trong thị trường quốc tế còn khiêm tốn, sản xuất và XK hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nhất là sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Thực tế là hiện nay vẫn chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu mạnh, đối với cả trong và ngoài nước.
Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Quảng Ninh tiếp tục quan tâm và đề ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về hội nhập quốc tế sẽ được mở rộng phạm vi, đổi mới nội dung, nhất là những thông tin về những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu; tập trung khai thác lợi thế hiệu quả kinh tế biên mậu và kinh tế cảng biển; thu hút đầu tư chuỗi các trung tâm thương mại, dịch vụ bán lẻ tại các đô thị, địa phương; phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt ba trụ cột ngoại giao (kinh tế, chính trị và văn hóa) với các đối tác, mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết tận dụng các cơ hội mà các Hiệp định thương mại thế hệ mới đem lại.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()