Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:53 (GMT +7)
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Thứ 5, 21/03/2024 | 13:52:05 [GMT +7] A A
Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Để hoạt động TMĐT phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, bắt nhịp được với đà tăng trưởng, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy, phát triển hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, qua đó đóng góp vào công tác chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển TMĐT, tỉnh đã chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp TMĐT cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, đặc biệt hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất thông qua các chương trình: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến, xúc tiến thương mại,… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT cũng tích cực được triển khai. Qua đó, đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ từ phía các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp của tỉnh tích cực tham gia bán hàng trên không gian mạng qua các sàn giao dịch TMĐT uy tín.
Theo đại diện Công ty TNHH Dược liệu Đông Bắc, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả), ngoài việc đưa sản phẩm tham gia các kỳ hội chợ, chúng tôi đã chủ động hoàn thiện hồ sơ, đưa các sản phẩm của mình lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh, Posmart.vn, Voso.vn… So với trước đây, thông qua các sàn TMĐT, sản phẩm của công ty đã được đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn. Doanh thu qua sàn TMĐT cũng tăng từ 10-20%/năm. Đây thực sự là “cầu nối” để các sản phẩm của công ty nói riêng và các sản phẩm đặc trưng của Quảng Ninh nói chung được đến gần hơn với người tiêu dùng.
Đặc biệt, để hoạt động TMĐT phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả, tỉnh đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương trong việc kết nối sàn giao dịch TMĐT của tỉnh Quảng Ninh với các sàn TMĐT của các tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT và sàn giao dịch TMĐT… Ngoài ra, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh cũng đã được nâng cấp, đưa vào vận hành chính thức với nhiều tính năng mới với tên miền https://ocopquangninh.com.vn. Qua đó, giúp hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán nhanh chóng. Đồng thời, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng đặt hàng, tiết kiệm được thời gian, công sức.
Chị Lê Thị Hằng, phường Hà Tu (TP Hạ Long), chia sẻ: Trước đây, tôi thường phải đợi đến các dịp Hội chợ OCOP hoặc tới các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP thì mới có thể mua sắm một số sản phẩm mà gia đình ưa thích, tin tưởng, như: Mực 1 nắng, cá khô Cô Tô; sữa tươi, sữa chua An Sinh (Đông Triều); trứng vịt biển Đồng Rui (Tiên Yên) hay giò chả Quang Dần (Móng Cái)… Nhưng hiện tại, với sàn giao dịch TMĐT OCOP Quảng Ninh, chỉ cần có nhu cầu, tôi có thể đặt hàng trực tiếp từ cơ sở sản xuất bất cứ lúc nào với giá cả đúng niêm yết và được giao hàng nhanh chóng, thanh toán tiện lợi…
Để tiếp tục phát triển hoạt động TMĐT, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về TMĐT, thông tin về chính sách, cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt là tiềm năng xuất khẩu của địa phương và danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu. Thêm vào đó, tỉnh sẽ tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT. Thực hiện cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công. Triển khai các ứng dụng, sử dụng giải pháp phần mềm quản lý trực tuyến đối với các hoạt động quản lý nhà nước về TMĐT.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp - người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử... Qua đó, hướng tới mục tiêu đưa TMĐT tại Quảng Ninh sớm trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh có thị trường TMĐT phát triển trong tốp đầu cả nước và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()