Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:14 (GMT +7)
Ba Chẽ: Phát triển du lịch từ các hoạt động văn hóa, thể thao
Thứ 5, 26/05/2022 | 08:32:55 [GMT +7] A A
Du lịch Ba Chẽ tuy chưa sôi động như nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng bước đầu đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc từ các hoạt động văn hóa, thể thao, phát huy các tiềm năng du lịch trên địa bàn.
Từ năm 2013, huyện triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di tích danh thắng huyện Ba Chẽ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”. Việc bảo tồn, phát huy các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống của các dân tộc đã góp phần mang lại cho huyện nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giàu giá trị. Huyện đã xây dựng Đề án phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Tiềm năng du lịch của Ba Chẽ trước hết phải kể đến sông Ba Chẽ và hệ thống đình, chùa ở các xã Nam Sơn, Thanh Lâm. Sông Ba Chẽ chảy suốt chiều dọc của huyện được phát huy nhiều nhất từ các lễ hội Bàn Vương, Miếu Ông - Miếu Bà. Ở Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà có nghi lễ rước nước được lấy từ sông Ba Chẽ; du khách còn được xem đua thuyền bằng chân trên sông, vận động viên thi đều là người dân bản địa. Bên con sông Ba Chẽ khu vực xã Nam Sơn là các làng bản của người Dao.
Trước đây không có đường bộ, bà con phải đi lại bằng thuyền, muốn đến Miếu Ông - Miếu Bà thắp hương cũng phải đi thuyền, thường chỉ 1 người ngồi vừa. Để thuận lợi cho việc mưu sinh, bà con chèo thuyền bằng chân để 2 tay rảnh rỗi thả lưới bắt cá. Ngày nay, các thôn bên sông đều đã có đường bộ, nhưng nghề chèo thuyền bằng chân vẫn tồn tại, do khoảng 2/3 số dân sống bằng nghề khai thác hải sản của rừng ngập mặn trải dài bên sông. Nếu du khách đến Ba Chẽ dịp Lễ hội Bàn Vương sẽ được trải nghiệm hành trình vượt biển trên sông Ba Chẽ với 12 con thuyền đại diện của 12 dòng họ người Dao trên địa bàn.
Ba Chẽ có hệ thống đình miếu ở các xã Nam Sơn, Thanh Lâm. Những năm qua, các lễ hội như Miếu Ông - Miếu Bà, Bàn Vương (xã Nam Sơn); đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về tâm linh, mà còn phát triển tốt du lịch. Không chỉ người dân Quảng Ninh mà ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn... cũng đến đây dự hội. Trong các lễ hội, du khách được trải nghiệm các nghi lễ cấp sắc, nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày, thêu thổ cẩm, hát páo dung, thi nấu xôi ngũ sắc, thi trang phục dân tộc, là các hoạt động mang đậm bản sắc các dân tộc tDao, Tày, Sán Chay ở Ba Chẽ.
Hệ thống sông ngòi của Ba Chẽ hằng năm đem đến cho người dân nguồn thu đáng kể, như con cà ra, cá suối, ốc suối... cũng là món ăn rất hấp dẫn với du khách. Huyện chỉ đạo các xã có cơ sở ăn uống (toàn huyện hiện có 20 cơ sở) luôn gìn giữ các món ăn truyền thống để tạo nét riêng về ẩm thực, làm hài lòng với những ai đến Ba Chẽ.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()