Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:02 (GMT +7)
Du lịch Quảng Ninh: Tăng sức hấp dẫn các điểm đến “vệ tinh”
Thứ 7, 06/08/2022 | 11:24:40 [GMT +7] A A
Những tín hiệu tích cực từ lượng khách đến Quảng Ninh tăng cao trong thời gian qua đã mang đến nhiều khởi sắc cho ngành du lịch sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn du khách vẫn tập trung ở trung tâm du lịch TP Hạ Long, chưa có sự phân bổ đồng đều. Việc thu hút du khách, xúc tiến đầu tư cho các điểm đến “vệ tinh” lân cận là định hướng đúng đắn, tạo động lực cho ngành du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững.
Khi vùng lõi quá tải
Là trung tâm du lịch của tỉnh, TP Hạ Long nói chung và vịnh Hạ Long nói riêng là điểm đến hàng đầu của hầu hết du khách khi đến Quảng Ninh. Việc làm mới và nâng chất sản phẩm du lịch trên vịnh, cùng nhiều chính sách kích cầu hấp dẫn đã thu hút lượng lớn du khách đến Hạ Long. Tính đến hết ngày 30/7, tổng khách du lịch đến thành phố đạt trên 4,7 triệu lượt, bằng 104,4% kịch bản tăng trưởng của năm 2022. Riêng lượng khách tham quan vịnh Hạ Long đạt 1,46 triệu lượt. Trung bình mỗi ngày thành phố đón 30.000-50.000 lượt khách, cao điểm có ngày trên 60.000 lượt. Lượng du khách đến Hạ Long tăng cao cho thấy những tín hiệu tích cực của ngành du lịch đang khởi sắc. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức về sức tải được đặt ra, nhất là đối với vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới đã 2 lần được UNESCO công nhận.
Với vịnh Hạ Long, việc đón quá nhiều du khách, nhất là vào các thời điểm cuối tuần có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường... Theo các nhà khoa học, việc nhiều người tập trung trong các hang động trên vịnh sẽ thải ra nhiều khí cacbonic, làm nhiệt độ, độ ẩm của hang thay đổi; bên cạnh đó, những tác động chân tay của du khách lên nhũ đá, vách hang, phần nào ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động, thực vật trong hang. Chất lượng dịch vụ cũng tỷ lệ thuận với lượng khách do cầu vượt quá cung, số lượng tàu không đủ, các vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả… khó được đảm bảo.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức hội thảo "Sức tải khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và quản trị phát triển du lịch bền vững" với sự tham gia của đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng các ban, ngành chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học…
Theo báo cáo của các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, dịp cao điểm, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên lượng khách tham quan tập trung vào các tuyến 1, 2 và 5 với khoảng 25.000 lượt khách ở các địa điểm phổ biến như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi... Tại các địa điểm này cũng thường xuyên quá tải ở một số thời điểm với khoảng 1.600-2.000 lượt khách/giờ, cá biệt có thời điểm lên tới gần 3.000 lượt khách. Lượng khách đến vịnh Hạ Long mùa hè cao hơn rất nhiều so với các mùa còn lại.
Để khắc phục thực trạng trên, các nhóm giải pháp đã được đưa ra để quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nhằm phát triển du lịch bền vững khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, việc phát triển các điểm đến du lịch vệ tinh xung quanh TP Hạ Long chính là một định hướng phù hợp, không chỉ giảm sức tải cho trung tâm du lịch Hạ Long, mà còn khai thác tối đa nguồn tài nguyên du lịch đa dạng của Quảng Ninh
Tiềm năng của các “vệ tinh” du lịch
Quảng Ninh định hướng mở rộng, phát triển 4 không gian du lịch trọng điểm: Hạ Long - Uông Bí; Đông Triều - Vân Đồn; Cô Tô - Móng Cái, gắn liền với 4 sản phẩm chính gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới.
Khu vực phía Đông của Quảng Ninh rất giàu tiềm năng du lịch bởi sự đa dạng của vị trí địa lý, cũng như các nét văn hóa, bản sắc dân tộc độc đáo. Điển hình như tại Vân Đồn, với lợi thế của biển, du lịch biển đảo đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế của huyện với lượng khách trung bình khoảng 1 triệu khách/năm.
Không chỉ nổi bật với du lịch biển đảo, khu vực phía đông còn gây ấn tượng với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, khám phá vẻ đẹp miền sơn cước. Bình Liêu được coi là một trong những địa điểm thu hút đông du khách đến tham quan với nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương. Theo ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến Bình Liêu ước đạt khoảng 29.200 lượt, đạt trên 41% kế hoạch năm, tăng gần gấp đôi so với kịch bản và gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Để có được kết quả này, huyện đã duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Ngày hội kiêng gió, hội hát soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng... Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của bà con để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu...
Cùng với Bình Liêu, nhiều địa phương cũng nỗ lực để xây dựng và khai thác tối đa tiềm năng du lịch, định hướng phát triển một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, như: TP Móng Cái - địa đầu Tổ quốc đã tổ chức nhiều sự kiện, ghi dấu ấn mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài khu vực. Các địa điểm, du lịch trên địa bàn thành phố như bãi biển Trà Cổ, mũi Sa Vĩ, Trung tâm thương mại, sân golf Vĩnh Thuận, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Hải Sơn, Bắc Sơn… tấp nập khách du lịch, nhất là những ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó, các ngành liên quan cũng chủ động kết nối, thông tin truyền thông nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa, quảng bá giới thiệu hình ảnh TP Móng Cái thân thiện, an toàn, hấp dẫn... Với sự nỗ lực đó, tổng khách du lịch đến Móng Cái 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 500.000 lượt người, tăng gấp 6,2 lần so với cùng kỳ 2021.
Về phía Tây Quảng Ninh, du lịch có thế mạnh về văn hóa, lịch sử, tâm linh; hội tụ những giá trị tinh thần vô giá, lưu giữ giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc Việt với trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại gắn liền cụm các di tích lịch sử cấp quốc gia; có đỉnh thiêng Yên Tử, Ngọa Vân nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nhập niết bàn.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, liên kết các vùng miền, tạo điều kiện cho sự giao lưu, hợp tác, thúc đẩy du lịch. Hiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, đặc biệt trong thu hút du lịch của tỉnh. Điển hình là các công trình: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Cửa Lục 1; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai... Cùng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn tiếp tục được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn... Sự phát triển về cơ sở hạ tầng giúp du lịch Quảng Ninh phát triển, với nhiều chỉ tiêu đạt cao so với cả nước.
Nhờ hệ thống giao thông thuận tiện, không gian du lịch của Quảng Ninh được mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh bao gồm: Vùng du lịch trung tâm tại TP Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và vùng lân cận. Tỉnh phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu... từ đó từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững.
Trên địa bàn Quảng Ninh hình thành 4 trung tâm du lịch, có 33 tuyến, 91 điểm du lịch, 8 khu du lịch cấp tỉnh, 5 khu du lịch cấp quốc gia; tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực: Du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới và du lịch sinh thái cộng đồng. |
Xúc tiến, mở rộng không gian du lịch
Với “sức nóng” của TP Hạ Long, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đến các địa phương khác. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp lữ hành để quảng bá, thu hút du khách.
Theo bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage Quảng Ninh, TP Cẩm Phả được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như vịnh Bái Tử Long, khu đảo Vũng Đục cùng động Hanh Hanh dài 1.300m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển, đặc biệt là việc sở hữu nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có độ mặn và nhiệt độ cao, tạo tiền đề phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp. Không những thế, Cẩm Phả còn nổi tiếng với khu di tích đền Cửa Ông thu hút hàng triệu khách thập phương mỗi năm. Khi đến đây trải nghiệm, du khách đánh giá rất cao vẻ đẹp cũng như chất lượng của dịch vụ nơi đây.
Hay như tại Bình Liêu, UBND huyện đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội về việc phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2022-2025, gồm các nội dung: Hợp tác trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng của huyện Bình Liêu; xúc tiến quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường du lịch.
Ông Phùng Hữu Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội, cho biết: Thông qua việc ký kết hợp tác, đơn vị mong muốn có thể đồng hành cùng địa phương để xây dựng huyện Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của Quảng Ninh. Đặc biệt, có thể triển khai các giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn huyện, định hướng tư duy và hành động, đào tạo, tập huấn thực hành nghiệp vụ du lịch một cách bài bản, theo tiêu chí phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch của Bình Liêu mang chiều sâu văn hóa đặc sắc riêng, có chất lượng và hấp dẫn, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, quảng bá, truyền thông về sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Liêu đến với du khách trong nước và du khách quốc tế.
Thực tế, trong thời gian qua, đã có nhiều đoàn lữ hành, doanh nghiệp du lịch tổ chức khảo sát các điểm đến ở Cẩm Phả, Bình Liêu, Cô Tô… Bên cạnh các điểm cộng về cảnh quan tự nhiên hoang sơ, tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, vẫn còn những hạn chế như sản phẩm du lịch chưa phong phú, đặc sắc, tư duy kinh doanh du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, trong quá trình thực hiện giải pháp mở rộng không gian du lịch, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển một số sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng thị trường khách, cũng như gắn các yếu tố văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch vào sản phẩm; chú trọng đến các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, cảnh quan... Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch, điểm du lịch, sản phẩm du lịch của các trung tâm, khu, điểm du lịch để liên kết tạo chuỗi sản phẩm và mở rộng không gian du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách tại Quảng Ninh.
Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt, ngành du lịch tiếp tục xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến, trong đó chú trọng các địa phương lân cận bên cạnh trung tâm du lịch Hạ Long, có các tour tuyến kết nối từ Hạ Long đến các địa phương để tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()