Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:47 (GMT +7)
Phát thanh Quảng Ninh - Chặng đường 65 năm
Thứ 4, 01/09/2021 | 09:44:23 [GMT +7] A A
Ngày 2/9/1956, tiếng loa truyền thanh vang vọng là hiện tượng mới lạ chưa từng có ở Vùng mỏ, làm nức lòng dân chúng. Đó chính là ngày khai sinh ra Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng, đánh dấu hành trình 65 năm cánh sóng phát thanh không ngừng vươn cao, vươn xa, trở thành một trong 4 hạ tầng trụ cột của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Nền móng đầu tiên
Tháng 4/1956, dưới sự viện trợ và giúp đỡ của Liên Xô, Đài Truyền thanh Hòn Gai được xây dựng, đặt nền móng cho một loại hình làm báo mới bên cạnh báo giấy truyền thống. Lúc này, Đài được trang bị 2 máy tăng âm, công suất 600W/máy, một máy ghi âm Mác 8, dây dẫn và hệ thống loa truyền thanh gồm 16 loa to và 95 loa con.
Ngày 2/9/1956, Đài chính thức lên sóng. Đúng 8h00, buổi tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu bằng việc tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Thủ đô Hà Nội. Vào 17h00 cùng ngày, bản tin đầu tiên của Đài phát sóng với câu xưng danh “Đây là Đài Truyền thanh Hòn Gai” vang lên trong niềm phấn khởi của quân và dân Vùng mỏ. Sau đó, Đài đều đặn phát sóng 15 phút tin tức từ 5h15-5h30 hằng ngày, ngay trước bản tin đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tháng 9/1959, do yêu cầu của công tác tuyên truyền, các đài Truyền thanh Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên được hợp nhất thành Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng. Tháng 10/1963, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh được hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh, Đài Truyền thanh khu Hồng Quảng cũng được đổi tên thành Đài Truyền thanh Quảng Ninh. Sau đó không lâu, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Đài phải đi sơ tán nhiều nơi, các thiết bị phải chuyển từ Bến Đoan lên hang trên núi Bài Thơ.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, người cầm bút cũng là chiến sĩ. Nhà báo Phạm Trọng Trung, nguyên Trưởng phòng Chuyên đề, Đài PTTH Quảng Ninh (nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh) nhớ lại: Biết rằng đó là nơi Mỹ sẽ ném bom, nhưng anh em vẫn phải trực ở đấy để kịp ghi âm tiếng nổ của bom, tiếng bắn của pháo và tiếng hò hét của chỉ huy... cốt làm sao thực hiện được nội dung của mình. Có như thế giá trị của tiếng nổ, của âm thanh mới đắt, mới thật.
Năm 1976, Đài Truyền thanh Quảng Ninh được đổi tên thành Đài Phát thanh Quảng Ninh. Đến năm 1983, Đài được mang tên là Đài PTTH Quảng Ninh. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt và hành trình kiến thiết, đổi mới đất nước, phát thanh Quảng Ninh đã in dấu đậm nét trong lòng thính giả, trong đó, có những giọng đọc đã trở thành huyền thoại. Ông Đàm Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, chia sẻ: Những cái tên như Bích Thìn, Vân Sáng đã tồn tại rất sâu trong tâm khảm mỗi người dân Vùng mỏ, bởi suốt một thời, cả trong bom đạn và hòa bình, họ đã mang tiếng nói của Hồng Quảng và sau là của Quảng Ninh đến với nhân dân.
Hành trình vươn xa cánh sóng phát thanh
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và chiến lược phát triển trọng tâm của đội ngũ những người làm báo nói, cánh sóng phát thanh Quảng Ninh không ngừng vươn xa. Ngoài tăng thời lượng phát sóng, diện phủ sóng phát thanh cũng được mở rộng. Từ 70% dân số nghe được đài vào thập niên 80 của thế kỷ trước, những năm sau đó, sóng phát thanh đã phủ trên phạm vi toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Năm 2013, kênh QNR2 ra đời bên cạnh kênh QNR1 đã đánh dấu bước chuyển mình của phát thanh khi phát sóng đồng thời 2 kênh với 2 hệ tiêu chí khác nhau.
Năm 2019, Trung tâm Truyền thông tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh. Phát thanh Quảng Ninh được khoác lên mình tấm áo mới, trở thành một kênh thông tin quan trọng của Trung tâm bên cạnh truyền hình, báo in và báo điện tử.
Với 2 kênh phát thanh (mỗi kênh phát sóng 18h/ngày), tin tức được cập nhật liên tục qua các bản tin thời sự đầu giờ và các bản tin thời sự chuyên sâu. Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của thính giả, Trung tâm cũng đa dạng hóa các chuyên đề, chuyên mục, tăng cường tiếng động hiện trường, kết hợp âm nhạc và khai thác thế mạnh của phát thanh trực tiếp, tương tác, với nhiều chương trình nổi bật, như: Radio giờ cao điểm; chuyện cùng bác sĩ; music +… Ngoài ra, Trung tâm cũng đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống thiết bị sản xuất, studio phát thanh, phòng lồng tiếng và hòa âm, hệ thống phát sóng phát thanh tự động, để nâng cao chất lượng chương trình và diện phủ sóng.
Việc vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ đã mở ra kho tài nguyên phong phú cho các hạ tầng cùng khai thác. Đến nay, trên 30% phóng viên, biên tập viên của Trung tâm có thể sản xuất đa phương tiện. Đây là nguồn nhân lực không nhỏ để tăng cường cho phát thanh. Cùng với đó, việc đồng thời phát sóng 2 kênh phát thanh trên các hệ sinh thái khác của Trung tâm, như: Báo điện tử; app QuangNinh Media và livestream trên fanpage đã giúp phát thanh đến được với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Trưởng phòng Biên tập Phát thanh, chia sẻ: Hiện nay, những người làm phát thanh phải phối hợp với các phòng khác và khai thác hiệu quả dữ liệu từ Trung tâm, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, nhằm sản xuất các tác phẩm chất lượng cao để phát sóng trên đa nền tảng, đáp ứng nhu cầu của phát thanh hiện đại, cũng như gặt hái thành công tại các kỳ liên hoan phát thanh toàn quốc, các giải báo chí của Trung ương và của tỉnh.
Cùng với truyền hình, báo in và báo điện tử, những bước tiến mạnh mẽ của phát thanh tiếp tục khẳng định Trung tâm đang phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ. Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm phải thực hiện thành công đề án chuyển đổi số toàn diện, trong đó tập trung xây dựng và số hóa toàn bộ quy trình sản xuất; tranh thủ các nguồn lực của tỉnh để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị số hóa dữ liệu và nâng cấp nội dung trên các nền tảng số; xây dựng đội ngũ phóng viên có khả năng tác nghiệp đa phương tiện, nâng tầm nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện, đa loại hình.
Kỷ nguyên truyền thông số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra muôn vàn thách thức. Với mô hình toà soạn hội tụ, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trên lĩnh vực báo chí, truyền thông cả nước. Trên nền tảng đó, từ tiếng loa truyền thanh đầu tiên cách đây 65 năm, cánh sóng phát thanh Quảng Ninh sẽ tiếp tục vươn cao, vươn xa, không chỉ là ký ức, mà còn là niềm tự hào của người dân Vùng mỏ trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Thu Hoài
Liên kết website
Ý kiến ()