Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:44 (GMT +7)
Phát triển bền vững Cụm công nghiệp
Chủ nhật, 04/02/2024 | 07:25:10 [GMT +7] A A
Cùng với phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp (CCN), nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương, khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường trong sản xuất.
Hiện Quảng Ninh đã hoàn thiện phương án phát triển CCN trên địa bàn trong quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023). Theo đó, giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 45 CCN với tổng diện tích 2711,61ha, bình quân 60,2ha/CCN. Để thúc đẩy việc hoàn thành phát triển CCN theo đúng tiến độ, các cấp, ngành, địa phương liên quan đã đẩy mạnh thực hiện việc quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn. Việc quy hoạch được triển khai phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, phát triển công nghiệp, sử dụng đất, phát triển đô thị…
Không chỉ vậy, hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh; công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, cơ sở tiểu thủ công nghiệp được thực hiện linh hoạt, thống nhất; công tác tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá cũng được thường xuyên triển khai để trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững; kết cấu hạ tầng ngoài CCN được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển giao thương.
Theo ghi nhận tại CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) - một trong những CCN có tỷ lệ lấp đầy các nhà đầu tư thứ cấp cao nhất trên địa bàn tỉnh đạt 93,94%. CCN đang đáp ứng được tốt nhu cầu về mặt bằng sản xuất, hạ tầng đầu tư đồng bộ, hiện đại, chính sách ưu đãi, thu hút hợp lý, tạo thuận lợi phát triển cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, để đảm bảo trở thành một CCN mẫu, cùng với tạo điều kiện cho những cơ sở nằm trong diện phải di dời, CCN Cẩm Thịnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ và có các chính sách ưu đãi kèm theo đối với những doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, uy tín, ngành nghề sản xuất thân thiện với môi trường, như: Điện tử, cơ khí chính xác, vật liệu mới, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Trong quá trình xây dựng, đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng rào để đảm bảo theo đúng quy chuẩn, mỹ quan của CCN. Cùng với đó, công tác an ninh luôn được chú trọng với việc đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp.
Theo đại diện Công ty CP Cơ điện Cẩm Phả, công ty chuyển vào CCN Cẩm Thịnh từ năm 2020 và quá trình triển khai sản xuất đơn vị rất hài lòng bởi CCN đã đáp ứng đủ các tiêu chí về hạ tầng, kỹ thuật, diện tích, yêu cầu làm việc… cho doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, công ty còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của đơn vị quản lý CCN.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, mở rộng diện tích 10 CCN, với tổng diện tích là 517,54ha. Trong đó, 5 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74ha, gồm: CCN Kim Sen (TX Đông Triều) với diện tích 70,78ha, CCN Hà Khánh (TP Hạ Long) với 50,01ha, CCN Hoành Bồ (TP Hạ Long) với 69,4ha, CCN Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả) với 75ha, CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) với 47,55ha, thu hút được 434 dự án thứ cấp với 5.155 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 68,9%. Còn lại 5 CCN đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song việc phát triển CCN thời gian qua vẫn có những hạn chế, như: Công tác bồi thường, GPMB dự án xây dựng hạ tầng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện; công tác quy hoạch phát triển còn chậm; nhu cầu thực hiện di dời của các cơ sở thường xuyên có sự thay đổi gây khó khăn trong quá trình rà soát, tổng hợp; một số ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như sản xuất hợp chất dung môi hữu cơ dùng để pha chế sơn, véc-ni, mực in.. nhưng không được đưa vào danh mục ngành nghề phải di dời ra khỏi khu dân cư...
Để thực hiện lộ trình phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh bền vững, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan kiên quyết khắc phục những tồn tại, khó khăn còn vướng mắc. Trong đó, chủ động tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN, bảo đảm đúng định hướng, thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các CCN trên địa bàn tỉnh; đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh, quản lý CCN chặt chẽ, bài bản, đúng quy định. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, phối hợp quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự… tại các CCN đã và đang đi vào hoạt động; thiết lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác hỗ trợ di dời đối với các cơ sở và chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu, khó khăn vướng mắc của CCN tại các địa phương để xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()