Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:18 (GMT +7)
Vân Đồn: Để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản
Thứ 4, 15/06/2022 | 08:57:51 [GMT +7] A A
Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Vân Đồn phát triển mạnh, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản phẩm thủy sản của địa phương. Nhằm khai thác, phát triển tài nguyên biển hợp lý, bảo vệ môi trường biển, phát triển thủy sản bền vững, lâu dài, huyện Vân Đồn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong NTTS.
Với tiềm năng gần 160.000ha mặt nước biển, diện tích nuôi thuỷ, hải sản ở Vân Đồn hiện đạt trên 3.600ha. Tuy nhiên, những năm qua, giá và sản lượng tiêu thụ hải sản của huyện bấp bênh do chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu là sản phẩm thô, phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tiểu ngạch như Trung Quốc, Đài Loan... Khi thị trường bị "đứt gãy" chuỗi tiêu thụ, nguồn thuỷ hải sản trên bị ảnh hưởng, dư thừa hoặc phải "giải cứu”.
Theo bà Trương Thị Thúy Huyền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, huyện rất quan tâm tới quy hoạch, định hướng và khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị và tạo hướng đi bền vững với thuỷ hải sản thế mạnh của huyện.
Đơn cử như ở khâu nuôi, huyện sắp xếp lại vùng nuôi đảm bảo mật độ, nguồn giống, vùng nuôi an toàn sạch sẽ. Nuôi quảng canh chuyển dần sang bán thâm canh với các kỹ thuật nuôi treo dây, khay treo, lồng treo, lồng thả đáy; thay thế các vật liệu sạch HDPE vào nuôi trồng… Các yếu tố kỹ thuật như cải tạo khu vực nuôi, quản lý quá trình nuôi được quan tâm, áp dụng, như: Nuôi dây treo, khay treo, lồng treo áp dụng với hàu, tu hài, ngao hoa. Hay nuôi lồng thả đáy, đây là hình thức nuôi khá phổ biến đối với tu hài và một số loài ngao có giá trị kinh tế cao. Mô hình này đang phát triển mạnh ở hầu hết các xã đảo và xã ven biển của huyện.
Thời gian qua, huyện đã khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm thuỷ hải sản. Tiên phong là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đã đầu tư cơ sở sản xuất tại xã Đông Xá. Nhờ dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại của Nhật, châu Âu, các sản phẩm thương hiệu OCOP, như: Ruốc hàu, ruốc cơ trai, ruốc bề bề, ruốc tép, ruốc ngao hai cùi, bánh phồng hàu và nhiều sản phẩm mới của công ty liên tục được bán ở các siêu thị lớn và xuất khẩu. Trung bình, công ty thu mua và chế biến khoảng 5.000 tấn thủy sản/năm.
Trên địa bàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp, 3 HTX và 38 cơ sở quy mô hộ gia đình làm về chế biến hàu. Đón đầu nhu cầu thị trường, thời gian qua, huyện Vân Đồn đã rà soát lại toàn bộ các điểm chế biến ruột hàu. Theo đó, đã có 5-6 cơ sở quan tâm đầu tư máy móc, nhà xưởng chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi Đài Loan và các thị trường khác. Trung bình mỗi cơ sở đầu tư khoảng 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng trang thiết bị, nhà xưởng, máy lọc nước… đảm bảo quy trình chế biến khép kín, an toàn thực phẩm.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Quản lý HTX Thủy sản Thiên Phúc, cho biết: Để nâng cao giá trị mặt hàng hàu xuất khẩu, HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại từ khâu sơ chế, đóng gói, vệ sinh… nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tính về hiệu quả kinh tế, từ sản phẩm thô, thấp nhất chỉ có 10.000 đồng/kg (hàu), bằng công nghệ sơ chế, chế biến truyền thống, kết hợp hiện đại, giá trị những sản phẩm này đã cao lên gấp 3-4 lần. Đến nay, sản phẩm hàu của Vân Đồn tiếp tục đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Các lô hàng xuất khẩu đều được cấp giấy chứng thư trên cơ sở kết quả kiểm soát điều kiện đảm bảo ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất và lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng sản phẩm tại cơ sở chế biến thủy sản.
Cùng với nâng cao chất lượng nuôi trồng, chế biến, thời gian qua, việc đảm bảo môi trường NTTS cũng được huyện tập trung quan tâm. Hiện nay, Vân Đồn là địa phương có diện tích nuôi biển đang sử dụng phao xốp lớn nhất của tỉnh (chiếm trên 90%) và phần lớn phao xốp được sử dụng trong nuôi các loại nhuyễn thể như ngao, hàu, phân bố rải rác trên 5 xã đảo và 9 xã có biển. Thực hiện chủ trương của tỉnh chuyển đổi và sử dụng vật liệu nổi phù hợp đáp ứng theo yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật địa phương, huyện Vân Đồn đã giao các xã đảo, xã có biển phối hợp với từng hộ NTTS thống kê chi tiết lượng phao xốp đang sử dụng; yêu cầu các cơ sở, các hộ dân ký cam kết chuyển đổi.
Việc chuyển đổi gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra để đánh giá tiến độ, hiệu quả triển khai của từng xã. Huyện cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, phân phối phao nhựa HDPE hợp quy hoạt động và tổ chức các buổi giới thiệu sản phẩm cho người dân. Tính đến nay, đã có gần 50 cơ sở NTTS đã bổ sung, làm mới, thay thế được trên 200.000 quả phao các loại sang vật liệu nổi. Dự kiến đến hết năm 2022, các hộ NTTS toàn huyện sẽ chuyển đổi toàn bộ các phao xốp sang vật liệu phù hợp.
Với những giải pháp trên, lĩnh vực NTTS trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Vân Đồn đạt 922 tỷ đồng, trong đó riêng ngành Thủy sản đạt trên 810 tỷ đồng, chiếm 88,7% tổng giá trị ngành Nông nghiệp, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()