Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 18/12/2024 08:44 (GMT +7)
Đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thứ 7, 11/06/2022 | 15:36:28 [GMT +7] A A
Nhằm phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, gìn giữ hệ sinh thái biển, Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ nhiều giải pháp trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS).
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của BTV Tỉnh ủy). Trên cơ sở đó, toàn tỉnh đã ban hành hàng loạt chương trình, kế hoạch, quyết định... nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TU.
Xác định việc thả giống thủy sản ra môi trường tự nhiên là hoạt động thiết thực, tái tạo NLTS, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, ngăn chặn những hành vi hủy hoại, hằng năm từ tỉnh đến các địa phương đồng loạt triển khai thả giống tái tạo NLTS. Riêng 2 ngày 31/3 và 1/4/2022, toàn tỉnh đã thả trên 12 triệu con giống thủy sản các loại, tổng kinh phí hơn 1,18 tỷ đồng; trong đó nguồn xã hội hóa chiếm gần 90% với tổng số 11 triệu con giống thả. Điều này cho thấy, vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển NLTS đã được phát huy.
Đặc biệt, giữa tháng 5/2022, tỉnh đã phối hợp Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc tổ chức thành công lễ thả giống tái tạo NLTS khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ năm 2022. Các đại biểu đã thả hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế, gồm: Tôm sú, cua xanh, cá song, cá vược được chuẩn bị từ nguồn kinh phí của Quỹ hợp tác Trung Quốc - châu Á ra khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đây là một trong những hoạt động góp phần phục hồi, tái tạo NLTS và phát triển nghề cá trong khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Cùng với đó, thời gian qua các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản; tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân, thuyền viên, chủ tàu về các hành vi cấm khai thác; cấp phát sổ tay tuyên truyền về hoạt động bảo vệ NLTS.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã xử lý 300 trường hợp vi phạm, tuyên truyền trực tiếp cho 237 lượt chủ tàu các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, cấp phát 130 tờ rơi, các loại. Bên cạnh đó, các lực lượng duy trì hoạt động 24/24h đường dây nóng bảo vệ NLTS nhằm kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của ngư dân.
Việc bảo tồn đa dạng sinh học là giải pháp quan trọng bảo vệ, duy trì, tái tạo NLTS. Tháng 6/2020 UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần. Theo Quy hoạch, Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần bao gồm hai phân vùng là Cô Tô và đảo Trần, nằm trong ranh giới hành chính của 3 đơn vị (các xã Đồng Tiến, Thanh Lân và thị trấn Cô Tô), tổng diện tích ranh giới quy hoạch trên 18.414ha.
Dự kiến giai đoạn 2022-2025, Khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần tập trung bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn); phục hồi, tái tạo tự nhiên, kết hợp với nhân tạo hệ sinh thái rạn san hô tại các khu vực đã bị suy thoái; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật biển quý hiếm, có giá trị bảo tồn (vích, đồi mồi, rùa da, cá heo trắng, cá heo không vây)... Mới đây, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách 16 khu bảo vệ nguồn lợi ngán, rươi, sá sùng với diện tích khoảng 3.529 ha tại TX Đông Triều, các huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, TP Móng Cái.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Để bảo vệ NLTS, thời gian tới Chi cục sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát tại các khu vực được phép và không được phép khai thác thủy sản; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá, bến cá và trên biển, nhất là tại các điểm nóng, khu vực phức tạp, thời điểm nhạy cảm; yêu cầu toàn bộ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải đồng bộ trên hệ thống giám sát hành trình của Tổng cục Thủy sản và cho tàu cập cảng theo quy định của Bộ NN&PTNT để khai báo tàu cá cập cảng, rời cảng, ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()