Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:13 (GMT +7)
Phát triển các KCN, KKT: "Cú hích" trong ngành Công nghiệp
Thứ 2, 12/07/2021 | 07:57:06 [GMT +7] A A
Theo quy hoạch phát triển KCN, KKT đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 13 KCN, 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển, với tổng diện tích trên 388.000ha được phân bố tại 11/13 địa phương. Các KCN, KKT của tỉnh đã và đang được định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra bứt phá lớn cho ngành công nghiệp địa phương, đóng góp bền vững cho tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Đất lành đón nhà đầu tư
Theo tổng hợp của Ban Quản lý KKT tỉnh, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh hiện đã thu hút được 266 dự án đầu tư ngoài ngân sách, gồm 82 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,6 tỷ USD và 184 dự án trong nước, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.
Riêng tại các KCN hiện có 98 dự án còn hiệu lực, trong đó có 56 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với các ngành nghề chủ yếu, như: Công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua kết quả khảo sát 5 năm gần đây cho thấy, giá trị doanh thu của các KCN đạt 8 tỷ USD, giá trị xuất khẩu các mặt hàng đạt 5,7 tỷ USD, thu nộp cho NSNN trên 6.400 tỷ đồng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Trước nhu cầu bức thiết cần phải đẩy mạnh phát triển các KCN, sớm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xúc tiến, thu hút được 10 nhà đầu tư vào triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, với tổng diện tích trên 4.500ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 KCN đã và đang đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, là: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Cảng biển Hải Hà, Nam Tiền Phong, Sông Khoai.
Trên quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn, thu hút những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực, sử dụng công nghệ hiện đại, sạch, thân thiện môi trường vào địa bàn KCN, KKT; hạn chế xem xét, thu hút những nhà đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều nguồn lực lao động, nguyên liệu sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nhưng không tạo ra giá trị gia tăng cao trong từng sản phẩm.
Để tránh xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành sản xuất công nghiệp trong cùng một KCN, tỉnh phân định rõ lĩnh vực ưu tiên thu hút đối với từng KCN cụ thể. Điển hình như KCN Cảng biển Hải Hà hiện tại đang tập trung ưu tiên thu hút ngành công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may; KCN Đông Mai ưu tiên thu hút các ngành điện tử, công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo; KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong ưu tiên thu hút các dịch vụ cảng biển, kho cảng, logistics…
Ông Hong Tian Zhu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, cho biết: Đơn vị chúng tôi được tỉnh lựa chọn đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1. Hiện đã có 200/660ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ các nhà đầu tư thứ cấp, bao gồm 10km đường nội bộ; khoảng 20ha cây xanh; 1 trạm biến áp 110KVA với 2 máy biến áp công suất 63MVA; nhà máy xử lý nước cấp công nghiệp, công suất đạt 12.000m3/ngày đêm; 2 trạm xử lý nước thải modul 6.000m3/ngày đêm và 10.000m3/ngày đêm; hệ thống lò hơi với công suất cung cấp hơi nước công nghiệp 100 tấn/giờ; trạm khí LPG với 2 bồn chứa, mỗi bồn chứa có công suất 30 tấn; 6 nhà xưởng tiêu chuẩn… đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhà đầu tư thứ cấp trong ngành công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may.
Còn tại KCN Cảng biển Hải Hà, mặc dù mới được đưa vào hoạt động chưa được lâu, tuy nhiên, KCN này đã thu hút được 18 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với tổng nguồn vốn đã huy động trên 1,3 tỷ USD. Tất cả các dự án này đều thuộc chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may. Sản phẩm của các nhà máy trong KCN Cảng biển Hải Hà đã góp phần lấp khoảng trống thiếu hụt nguyên vật liệu và phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài của ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, đã và đang cung cấp các sản phẩm dệt may cao cấp, chất lượng cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, bao gồm: Uniqlo, VF, PPJ, Terget, Uchino, Givenchy, Tayohya, Lacoste, Decathlon, Goldlion, Muji, Play boy, Boss, Polo…
Theo đánh giá của chủ đầu tư KCN Cảng biển Hải Hà, từ năm 2018 đến năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt gần 1,8 tỷ USD, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hơn 11.300 lao động, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại KCN Đông Mai, đây là KCN được tỉnh xác định tập trung thu hút các dự án công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp cho ngành công nghiệp và GRDP của tỉnh. Hiện tại KCN Đông Mai đã thu hút được 22 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với tổng số vốn đăng ký 478 triệu USD. Có 6 doanh nghiệp đã có hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao và có sức mạnh cạnh tranh toàn cầu. Có thể kể đến như: Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn; nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ô tô của Yazaki; nhà máy sản xuất loa và tai nghe Tonly Technology Limited; nhà máy Bumjin Electronics...
Đại diện Tập đoàn Foxconn, cho biết: Dự kiến trong năm 2021, Nhà máy S-Việt Nam tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo. Hiện Foxconn đang tiếp tục có những dự án mở rộng nâng công suất và thu hút các nhà đầu tư tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai và trở thành tập đoàn hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại Quảng Ninh.
Được biết trong năm 2020, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp tại KCN Đông Mai đạt 301 triệu USD. Theo kế hoạch năm 2021, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ nâng lên 940 triệu USD và giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động.
Sớm khơi thông những "điểm nghẽn"
Trong những tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nhưng bằng những biện pháp phòng, chống chặt chẽ, hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT của tỉnh vẫn đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp nói riêng và GRDP của tỉnh nói chung. Theo thống kê của Ban Quản lý KKT tỉnh, trong 6 tháng, tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KKT đạt trên 22.000 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch thu hút vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã biết tận dụng hiệu quả địa bàn an toàn, duy trì chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đối với những mặt hàng có thế mạnh, nhất là khi các nước trong khu vực và châu Âu đang phải lo chống đỡ dịch Covid-19. Từ đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 516 triệu USD, đạt 126% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 773 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm; thu nộp NSNN đạt trên 400 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm.
6 tháng đầu năm 2021 cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT, với cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn đứng thứ 3 trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,7%), tăng 38,95% so cùng kỳ năm 2020, vượt 17,6% so với kịch bản, đóng góp 3,74 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Đây là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP, bù đắp một phần giảm của ngành khai khoáng, điện và lĩnh vực du lịch, dịch vụ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo phân tích của cơ quan chuyên môn, thu hút đầu tư vào KCN, KKT của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đơn cử như tại KCN Cái Lân, mặc dù đây là KCN được hình thành sớm nhất trong các KCN của tỉnh, tuy nhiên, đến nay hạ tầng kỹ thuật trong KCN vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng; một số doanh nghiệp không chịu đầu tư, cải tiến dây chuyền sản xuất, sử dụng quá đông lao động song không tạo ra giá trị gia tăng cao…
Xuất phát từ định hướng phát triển của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 49-50% GRDP, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã và đang chủ động, tích cực phối hợp rà soát những KCN, KKT có những dự án nhỏ lẻ, manh mún, ngành nghề kinh doanh không còn phù hợp, để đề xuất chủ đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị gia tăng cao và có sức cạnh tranh toàn cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư các KCN; kịp thời đôn đốc, giám sát quá trình huy động vốn, thi công các dự án, đảm bảo các dự án đi vào hoạt động đúng thời gian, tiến độ đã được cam kết với tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Ban Quản lý KKT tỉnh rà soát, kiểm tra đối với việc triển khai đầu tư tại địa bàn các KCN, KKT, từ đó thống nhất nội dung chỉ đạo thu hút các ngành nghề đầu tư cho phù hợp. Nếu doanh nghiệp, dự án nào không thực sự chuyển đổi dây chuyền sản xuất với nhiều lý do khác nhau, cố tình vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, hoặc nợ đọng tiền thuế, lương lao động của công nhân thì sẽ xem xét tạm dừng, hoặc rút giấy phép đăng ký kinh doanh theo đúng quy định.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()