Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:00 (GMT +7)
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung
Thứ 3, 09/07/2024 | 13:16:55 [GMT +7] A A
Tại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Tuy nhiên, hiện số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 96%). Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghiệp.
Theo số liệu rà soát của ngành Nông nghiệp, hiện trên địa bàn tỉnh có tới 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ, 1.244 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 5,7 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi đạt 103.000 tấn/năm. Trong khi các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại chiếm tỷ lệ rất nhỏ (chỉ khoảng 4%), nhưng số lượng gia súc, gia cầm lại chiếm tỷ trọng cao trên tổng đàn. Thực tế cũng cho thấy, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi nông hộ không cao và rất khó trong quản lý, kiểm soát các dịch bệnh. Điều này cũng xuất phát từ tư duy, tập quán của phần đông các chủ cơ sở, hộ chăn nuôi vẫn đang coi chăn nuôi là ngành sản xuất kết hợp, tận dụng, chăn nuôi theo thói quen, kinh nghiệm, ít cập nhật các kiến thức mới trong chăn nuôi cũng như đầu tư chăn nuôi theo phương pháp khoa học… Điều này cũng thể hiện rất rõ từ số liệu thống kê các dịch bệnh hằng năm, khi các ổ dịch đa số phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh thú y, không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nhất là dịch tả lợn châu Phi đã tác động trực tiếp tới các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ dưới 30 con. Trong đợt dịch vừa xảy ra trên địa bàn, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng tiếp tục xuất hiện ổ dịch.
Bà Phí Thị Liễu (khu Đường Ngang, phường Minh Thành, TX Quảng Yên), chia sẻ: Nhà tôi nuôi được 3 con lợn nái với hơn chục lợn con. Đợt dịch vừa qua gây thiệt hại lớn cho gia đình, sau đợt này gia đình không dám nuôi nữa, phần vì khó khăn về vốn, phần là lo dịch bệnh xảy ra một lần rồi sẽ rất dễ bị tái đàn.
Tại huyện Hải Hà, địa phương đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng dịch, tuy nhiên công tác phòng dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện có 80 hộ nuôi từ 30 con lợn trở lên trong tổng số gần 1.500 hộ chăn nuôi lợn, khu vực chuồng trại chăn nuôi nằm xen kẹp trong khu dân cư, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học hạn chế nên rất khó kiểm soát việc lây lan, phát tán mầm bệnh. Việc chăn nuôi nhỏ lẻ cũng kéo theo nhiều vấn đề về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc chọn con giống, quy trình chăn nuôi cũng như các vấn đề về vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi.
Nhằm thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu quy mô chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã sớm có nhiều chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tiêu biểu: Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc thù của tỉnh gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ.... Hiện toàn tỉnh có 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tỉnh đang phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, như: Vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái, vùng chăn nuôi gà Tiên Yên… Một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã có những bước đầu tư bài bản như: Công ty TNHH Phú Lâm, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh…
Bà Chu Thị Thu Thuỷ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi (Sở NN&PTNT), cho biết: Ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương bố trí quỹ đất, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, đặc biệt là áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các kiến thức mới, công nghệ, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khoá XIV sẽ xem xét về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Chăn nuôi 2018, tiến tới phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, bền vững.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()