Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:18 (GMT +7)
Phát triển công nghiệp bền vững
Thứ 7, 30/10/2021 | 08:09:42 [GMT +7] A A
Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các ngành công nghiệp khai khoáng, nhiệt điện, xi măng... với mục tiêu chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", Quảng Ninh đã chú trọng phát triển công nghiệp bền vững, tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao.
Là tỉnh có nhiều loại khoáng sản công nghiệp có giá trị, đặc biệt là than đá (chiếm trên 90% trữ lượng của cả nước), Quảng Ninh là một trong những nơi cung cấp nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, khí đốt quan trọng cho thị trường trong nước và xuất khẩu nhờ việc khai thác khoáng sản. Giai đoạn trước năm 2010, ngành công nghiệp, đặc biệt là khai khoáng chiếm ưu thế trong tỷ trọng nền kinh tế của tỉnh, đóng góp 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chính sự phát triển "nóng" ấy đã tác động không nhỏ đến môi trường du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế biển đảo, nguồn lợi thủy hải sản, nhất là tại khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đó chính là mâu thuẫn nội tại giữa khai thác than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh, với phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững của tỉnh được đánh giá là một trong những đầu tàu kinh tế phía Bắc.
Để giải quyết bài toán này, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã xác định và kiên trì mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Và mới đây, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020-2025, chính là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”... Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường... phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Ðây là định hướng chiến lược đúng đắn, kịp thời, bước đi mạnh mẽ của Quảng Ninh, nhằm cơ cấu lại khu vực công nghiệp. Có thể khẳng định, phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo hiện ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển KT-XH của địa phương.
Theo đó, động lực tăng trưởng của tỉnh chính là các KCN, KKT, kinh tế đô thị, KHCN, đổi mới sáng tạo, kinh tế số. Sự phát triển của các KCN theo hướng công nghệ cao như KCN Việt Hưng (định hướng phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh "3 trong 1" là KCN - đô thị - dịch vụ), KCN Đông Mai (thu hút nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia chế tạo, sản xuất các thương hiệu hàng đầu thế giới)... là những ví dụ điển hình.
Mới đây, ngày 24/10, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh vừa được khởi công xây dựng tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, với tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng. Cùng với 7 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 5.640MW, dự án điện khí đầu tiên tại Quảng Ninh sau khi hoàn thành sẽ bổ sung lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Cũng trong lộ trình thực hiện chủ trương phát triển bền vững, Quảng Ninh đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo nên một tiềm năng khác biệt, nổi trội để thu hút các nhà đầu tư. Chỉ trong vài năm trở lại đây, với tuyến cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng nối liền với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đi vào hoạt động, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang dần hình thành; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và hệ thống cảng biển hoạt động có hiệu quả, đã nối gần hơn khoảng cách với khu vực và thế giới.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn kiên định và được Trung ương đánh giá cao về hiệu quả trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển công nghiệp bền vững.
Khánh Nam
Liên kết website
Ý kiến ()