Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 12:22 (GMT +7)
Phát triển Đảng trong công nhân lao động: Cần giải pháp đồng bộ
Thứ 3, 03/02/2015 | 09:43:24 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các cấp công đoàn đã chú trọng đến công tác phát triển đảng trong công nhân, quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, CNLĐ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Mỗi năm các cấp công đoàn đã giới thiệu được 3.000 đoàn viên công đoàn ưu tú để kết nạp Đảng.
Trong 103 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, mới có 8 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đảng. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Sản xuất nến cao cấp AIDI-KCN Cái Lân. |
Nhìn từ doanh nghiệp
Trong số các đoàn viên được kết nạp Đảng, các cấp công đoàn đã chú trọng CNLĐ trẻ và công nhân thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp. Điển hình như ở Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đã phát triển được tổng số 137 đảng viên. Trong đó 2/3 số kết nạp là do tổ chức công đoàn giới thiệu. Ông Nguyễn Thanh Trường, Phó Bí thư Đảng uỷ Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia cho biết: Việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là vô cùng khó khăn, trở ngại, vì thế mà đến nay trong 103 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh, mới có 8 doanh nghiệp có cơ sở Đảng. Để thành lập được tổ chức Đảng trong Công ty, với đối tác nước ngoài chúng tôi phải kiên trì tiếp xúc, trao đổi, vận động để họ ngày càng hiểu hơn về tổ chức Đảng. Với công nhân, Đảng bộ và Công đoàn đã phối hợp làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong tập thể người lao động về lòng yêu nước, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử phát triển của đất nước; lịch sử của giai cấp công nhân; vai trò, uy tín của đảng viên Đảng bộ trong công tác và sinh hoạt đã thuyết phục quần chúng để có nguồn phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Trường, việc phát triển Đảng trong công nhân còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một số lao động còn có mặt hạn chế về lý tưởng cách mạng; ngại phấn đấu rèn luyện; một bộ phận CNLĐ còn nhiều khó khăn về đời sống và việc làm nên có tư tưởng chỉ tập trung vào kinh tế với mong muốn có thu nhập ổn định, thậm chí có nhiều CNLĐ không có mục tiêu, động lực phấn đấu để đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Qua tham khảo thực tế tại nhiều doanh nghiệp và các KCN cho thấy, việc thành lập cơ sở Đảng gặp khó khăn do một số cấp uỷ, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu của công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp nên chưa có nhiều biện pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều doanh nghiệp không có chi bộ đảng nên không có đảng viên đứng ra giới thiệu. Bản thân công nhân muốn vào Đảng thì lúng túng không biết đề đạt nguyện vọng của mình ở đâu. Bên cạnh đó, công tác giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động và chủ doanh nghiệp chậm đổi mới, thậm chí còn cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế… vì thế việc phát triển Đảng trong công nhân vẫn còn nhiều hạn chế…
Cần giải pháp mang tính đồng bộ
Ông Phạm Hoài Ân, Trưởng Ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh cho biết: Nghị quyết 20-NQ/TW do Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá X của Đảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã nêu rõ: “Chú ý hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng trong công nhân…”. Thực hiện đường lối đó, nhiệm vụ phát triển đảng viên trong công nhân đã được chú trọng và có chuyển biến tích cực. Mỗi năm đã có ít nhất 3.000 đoàn viên ưu tú được Công đoàn giới thiệu kết nạp Đảng. Đặc biệt, những năm qua, Công đoàn các cấp đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng, nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp và động viên, khuyến khích CNLĐ tự giác rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. Đồng thời thông qua các phong trào thi đua phát hiện, bồi dưỡng công nhân ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp.
Tại các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp cổ phần hoá, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo, phối hợp với tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, lựa chọn, giới thiệu, bồi dưỡng công nhân trẻ, có năng lực, phẩm chất tốt để kết nạp Đảng. Đảng viên là công nhân được kết nạp đều trẻ, gương mẫu trong lao động, công tác, học tập, có phẩm chất đạo đức tốt và uy tín với công nhân, có ý chí phấn đấu vươn lên.
Tuy nhiên, theo ông Ân, để góp phần nâng cao tỷ lệ đảng viên trong công nhân, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tham gia xây dựng Đảng, nhất là về công tác phát triển đảng viên trong công nhân. Các CĐCS chú trọng xác định rõ đối tượng tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện; quan tâm đến những công nhân ưu tú, tích cực trong lao động sản xuất và công tác đoàn thể để bồi dưỡng giới thiệu cho chi bộ kết nạp. Qua các phong trào thi đua, Công đoàn cần tổ chức, phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện những đoàn viên công đoàn ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Cấp uỷ chi bộ, đảng bộ trong doanh nghiệp, KCN cần mở các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng, bố trí thời gian, địa điểm thích hợp, sắp xếp thời gian ngoài giờ, tổ chức riêng cho đối tượng là công nhân tại các KCN tập trung phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nêu cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể và vai trò của người đảng viên trong doanh nghiệp để họ hiểu và ủng hộ công tác phát triển đảng…
Thanh Loan
Liên kết website
Ý kiến ()