Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:37 (GMT +7)
Đồng bộ giải pháp để phát triển hiệu quả dịch vụ logistics
Thứ 2, 27/02/2023 | 09:38:03 [GMT +7] A A
Dịch vụ logistics hiện là một trong những ngành được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, đầu tư. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào địa bàn ngày càng có quy mô lớn, mức độ chuyên môn hóa cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, về những nội dung liên quan đến lĩnh vực này.
- Xin ông cho biết về tình hình hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay?
+ Nhằm thúc đẩy và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn để khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đất liền và đường biển với Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã và đang quan tâm hoàn thiện, ban hành các văn bản thể chế pháp luật về logistics. Trong đó đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai đồng bộ hoạt động phát triển logistics trên địa bàn, như kế hoạch số 14/KH-UBND (ngày 28/7/2017) về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Theo đó, định hướng đến năm 2025 toàn tỉnh hình thành 6 trung tâm logistics, thuộc các khu vực: Hạ Long, Vân Đồn - Cẩm Phả, Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.
Tỉnh cũng ban hành nhiều kế hoạch, quyết định về định hướng các công trình và thu hút kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực logistics, như: Kế hoạch số 168/KH-UBND (ngày 23/7/2019) của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 23/4/2019) về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định được danh 24 dự án ưu tiên đầu tư phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển với tổng kinh phí dự kiến là 389.058,5 tỷ đồng; Quyết định số 3151/QĐ-UBND ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với tổng số 86 dự án, trong đó có 6 dự án liên quan đến cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics, chiếm 6,97% tổng số dự án.
Tới nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với 39 dự án trên địa bàn liên quan đến hạ tầng logistics, như: Cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), nhà máy điện khí LNG (phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) có hợp phần cảng biển... Hiện tỉnh đang hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vào khu vực Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên); khu vực cảng Hòn Gai - Cái Lân (TP Hạ Long); khu vực cảng Cửa Ông - Hòn Nét (TP Cẩm Phả); khu vực cảng Mũi Chùa - Vạn Hoa (huyện Tiên Yên); khu vực cảng biển Hải Hà; khu vực cảng Vạn Gia - Vạn Ninh (TP Móng Cái)...
Cùng với hạ tầng, các dịch vụ logistics như: Xếp dỡ hàng hóa, kho bãi, dịch vụ giao nhận hàng, dịch vụ sau cảng cũng được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu thu hút, thúc đẩy thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, có tổng doanh thu đạt trên 37.500 tỷ đồng. Dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,55%, cao hơn 12,9 điểm % so với tốc độ tăng năm 2021, chiếm tỷ trọng 6,2% trong GRDP, đóng góp 1,08 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
- Những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Ninh là gì, thưa ông?
+ Quảng Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng được xây dựng mới, mở rộng và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với khu bến, cảng biển đã được hình thành, hoàn thiện, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, nâng cao năng lực xử lý, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động phát triển logistics, Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn nhất định về nguồn nhân lực logistics cũng như cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng số hóa và cải thiện tỷ suất lợi nhuận thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại. Các đơn vị vận tải khó khăn về nguồn vốn, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng chưa xây dựng được trung tâm logistics chuyên biệt phục vụ hoạt động XNK, lưu kho, bãi, vận tải tại khu vực cảng biển, hay cửa khẩu; dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Quảng Ninh còn quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, chưa khai thác tối ưu các tuyến thủy nội địa và hệ thống cảng hiện có; nguồn hàng còn thiếu hụt về “chân hàng” để các hãng tàu vận chuyển...
Cùng với đó, hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics chưa có những giải pháp trọn gói, thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng, thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics… đã tác động đến cả thương mại, sản xuất, đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ logistics.
- Định hướng để phát triển bền vững dịch vụ logistics trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
+ Quảng Ninh thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển; trung tâm logistics chuyên dùng gắn với sân bay Vân Đồn; trung tâm logistics gắn với cửa khẩu: Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh và các trung tâm logistics gắn với công nghiệp, đô thị, các vùng nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Định hướng phát triển các cảng, bến trên các tuyến vận tải chính, các tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia, luồng đường thủy nội địa địa phương.
Để khai thác tối ưu những lợi thế của tỉnh trong phát triển dịch vụ logistics, Sở Công Thương đã đề xuất tỉnh các nhóm giải pháp cụ thể, mang tính trọng tâm, trọng điểm để thực hiện, như: Quyết liệt triển khai, bám sát Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp có năng lực về hoạt động logistics tới nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch; phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân thuận lợi trong kinh doanh dịch vụ logistics; triển khai hiệu quả mô hình cửa khẩu số để nâng cao năng lực phối hợp quản lý của các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu; thúc đẩy các KCN, CCN; dành quỹ đất hoạt động logistics và thu hút các nhà đầu tư xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn để kết nối các loại phương tiện vận tải, các tuyến giao thông vành đai nhằm phát huy khả năng tương tác, hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả...
Đồng thời, tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại và triển khai xây dựng các dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn TP Móng Cái, như: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh - giai đoạn 1, Trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản quốc tế tại Km3+4 phường Hải Yên; Dự án Trạm Kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu dịch vụ thương mại...
- Xin cám ơn ông!
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()