Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 13:38 (GMT +7)
Lộ trình phát triển đô thị Quảng Ninh
Thứ 4, 11/09/2024 | 14:31:06 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đô thị Quảng Ninh trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, văn minh, hiện đại. Việc thông qua Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030 chính là điều kiện tiên quyết để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, sớm xây dựng, quy hoạch Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, đồng thời góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân.
Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đề ra, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, trong đó, sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...
Theo đó, các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (huyện Hải Hà hợp nhất với TP Móng Cái) được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại I đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường). Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Đồng thời, hình thành 3 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng liên huyện Vân Đồn, gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ. Trong đó, khu vực đô thị trung tâm huyện Vân Đồn là trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 323,5 nghìn người; diện tích khoảng 4.145km2. Đây là vùng kinh tế du lịch, công nghiệp sạch và công nghệ cao, logistics, nông lâm ngư nghiệp, trong đó Vân Đồn là khu kinh tế ven biển, mũi đột phá, trung tâm phát triển và tăng cường kết nối đến các vùng miền núi phía Bắc và vùng biển đảo phía Nam, là một cửa ngõ mới ra biển của vùng miền núi phía Đông Bắc.
Vùng liên huyện Móng Cái gồm: TP Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Bình Liêu, trong đó, TP Móng Cái gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là mũi đột phá, trung tâm vùng, quy mô dân số khoảng 418.900 người, diện tích khoảng 2.671km2. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch biên giới, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á với hạ tầng đường cao tốc, cảng biển quy mô lớn Hải Hà, Vạn Ninh…
Để thực hiện nội dung đề ra, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng danh mục, kế hoạch nâng loại đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; định hướng phát triển và đề xuất các phương án phát triển; các dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung; giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, tỉnh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn theo 3 khu vực cụ thể trong 2 giai đoạn từ 2021-2025 và 2026-2030 với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các KCN, CCN; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ…
Hiện tỉnh đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng 3 khâu đột phá, gồm: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh tiến hành hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho phát triển, khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư, thực hiện 16 dự án, nhiệm vụ gồm: Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020; Đề án xây dựng trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; triển khai Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025; hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh; Đề án nhân rộng mô hình thành phố thông minh tại Uông Bí giai đoạn 2018-2022, tại Cẩm Phả giai đoạn 2018-2025, tại Móng Cái giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đô thị thông minh cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, tổ chức và người dân; hệ thống wifi công cộng trên địa bàn tỉnh...
Với lộ trình cụ thể, rõ ràng cùng sự vào cuộc tích cực đồng bộ, chắc chắn thời gian tới, Quảng Ninh sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững, xây dựng thành công thành phố thông minh xứng đáng là địa phương phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()