Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 23:13 (GMT +7)
Phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 3, 08/10/2024 | 15:06:42 [GMT +7] A A
Cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển. Trong đó, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lục Thành Chung khẳng định: Việc xây dựng đề án tổng thể và ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là chủ trương lớn, toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các lĩnh vực, triển khai thực hiện công tác dân tộc một cách quyết liệt và sáng tạo, lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia để tạo sức mạnh tổng hợp về nguồn lực, trong sự quản lý và điều hành. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên nguồn lực lớn từ NSNN, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS và miền núi. Tổng số vốn ngân sách tỉnh xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí trực tiếp cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 4.200 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh bố trí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng nông thôn, miền núi thông qua các chương trình, đề án, dự án thành phần khác.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Đặc biệt phải kể đến những dự án giao thông động lực, kết nối vùng động lực kinh tế với vùng khó khăn và các cửa khẩu. Sau khi Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn có chiều dài 19,1km với 2 làn xe hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023, đã góp phần làm đổi thay diện mạo xã miền núi Đồng Sơn (TP Hạ Long). Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển từ xã đến trung tâm TP Hạ Long và các khu vực, đảm bảo đi lại an toàn, thuận tiện, dự án hoàn thành còn góp phần mở lối đi cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị Đặng Thị Sen (thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) chia sẻ: Có đường mới, kết nối thẳng đến trung tâm thành phố, người dân xã tôi mừng lắm. Đời sống bà con được cải thiện rất nhiều khi có hạ tầng giao thông mới, giúp đi lại được thuận lợi, an toàn; việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của người dân cũng dễ dàng hơn; thương lái đến tận nơi thu mua hàng hóa nên bà con không còn lo mang đi bán nữa...
Cùng với nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn, nhiều dự án giao thông nổi bật, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng cường liên kết vùng, góp phần kéo giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo đúng tinh thần Nghị quyết 06 đang được tỉnh tập trung triển khai. Nổi bật là: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ và 6 dự án hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279; dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 333…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 53/65 xã có nhà văn hóa độc lập, 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, thể thao vùng DTTS được tỉnh và các cấp, ngành đầu tư, nâng cấp đồng bộ; phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt CLB được nhân dân hưởng ứng và duy trì thường xuyên...
Song song với đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, QP-AN được quan tâm đẩy mạnh thông qua các dự án, đề án cụ thể. Hiện nay, Đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được tiếp tục triển khai thực hiện nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng.
Việc nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và cơ sở cũng đã góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhất là đối với địa bàn vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Không những vậy, tỉnh cũng đang tiếp tục thực hiện Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục giai đoạn 2022-2025. Trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp 5 trường học thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng kinh phí trên 48 tỷ đồng…
Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS, miền núi đã và đang góp phần tạo một diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên vùng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()