Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 18/12/2024 15:12 (GMT +7)
Ưu tiên phát triển hạ tầng vùng khó
Thứ 4, 18/12/2024 | 12:23:45 [GMT +7] A A
Những năm qua, các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được đầu tư nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Từ đó, mở ra cơ hội để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Là địa bàn có tới 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị. Bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, sau 3 năm thực hiện, vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh đã có bước phát triển rõ rệt.
Theo đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết thực hiện chương trình MTQG để tạo sức bật phát triển và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, miền núi trên địa bàn. Đồng thời ưu tiên dành nguồn lực lớn từ NSNN và huy động tổng thể các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, KKT, KCN nhằm thúc đẩy phát triển nhanh bền vững; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho hạ tầng giáo dục, y tế; đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hạ tầng điện, viễn thông, thiết chế văn hóa...
Riêng giai đoạn 2021-2024, tỉnh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn này đã thu hút trên 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng và vốn xã hội hóa cho thực hiện chương trình. Các nguồn vốn đều được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các mục tiêu của chương trình đã đề ra. Từ đó, tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về diện mạo, tạo ra tiềm lực và động lực mới cho sự phát triển bền vững của vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, phải kể đến những dự án giao thông động lực, kết nối vùng động lực kinh tế với vùng khó khăn và các cửa khẩu. Điển hình như tại huyện Tiên Yên, để thúc đẩy phát triển khu vực đồng bào DTTS, miền núi và thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, huyện đã tích cực huy động nguồn lực, chú trọng đầu tư nhiều công trình hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối. Phải kể đến là tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành (cũ) được hoàn thành trong tháng 10/2023. Công trình tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng bằng nguồn vốn của tỉnh và huyện. Với chiều dài hơn 7km, con đường đã mở ra hy vọng phát triển mạnh mẽ cho người dân Đại Dực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ có tuyến đường mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc xã Đại Dực đã thay đổi từng ngày. Theo Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên): Trước đây tuyến đường nhỏ hẹp đi vòng vèo qua các sườn núi từ trung tâm xã Đại Dực đến trung tâm xã Đại Thành dài trên 40km. Nay, con đường mới đi tắt qua núi Cổng Trời nên rút ngắn chỉ còn 7,5km. Từ khi có con đường mới, người dân phấn khởi lắm, bà con đi lại dễ dàng, buôn bán thuận lợi hơn. Nhiều hộ trong thôn, xã còn mở thêm các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch… Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên.
Tại TP Hạ Long, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn có chiều dài 19,1km với 2 làn xe hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023, cũng đã góp phần làm đổi thay diện mạo xã miền núi Đồng Sơn. Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển từ xã đến trung tâm TP Hạ Long và các khu vực, đảm bảo đi lại an toàn, thuận tiện, dự án hoàn thành còn góp phần mở lối đi cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ông Đặng Văn Phương (thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) chia sẻ: Có đường mới, kết nối thẳng đến trung tâm thành phố, người dân xã tôi mừng lắm. Đời sống bà con được cải thiện rất nhiều khi có hạ tầng giao thông mới, giúp đi lại được thuận lợi, an toàn; việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá của người dân cũng dễ dàng hơn; thương lái đến tận nơi thu mua hàng hóa nên bà con không còn lo mang đi bán nữa...
Ngoài các tuyến đường trên, còn nhiều dự án giao thông nổi bật, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tăng cường liên kết vùng, góp phần kéo giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền khác được hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân. Như dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ và 6 dự án hạ tầng giao thông động lực trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL279; dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 333…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 53/65 xã có nhà văn hóa độc lập, 100% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có nhà văn hóa. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá, thể thao vùng DTTS được tỉnh và các cấp, ngành đầu tư, nâng cấp đồng bộ; phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt CLB được nhân dân hưởng ứng và duy trì thường xuyên...
Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS, miền núi đã và đang góp phần tạo một diện mạo mới cho vùng nông thôn, miền núi của tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ, liên vùng, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()