Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:02 (GMT +7)
Phát triển hệ thống phân phối bền vững
Thứ 3, 08/02/2022 | 06:50:24 [GMT +7] A A
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021- 2030. Mặc dù mới triển khai hơn một năm, nhưng Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả khi thực hiện chương trình này, nhất là việc phát triển hệ thống phân phối bền vững.
Trước hết, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất bền vững trên địa bàn. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đồng phê duyệt kinh phí và giao Sở NN&PTNT thực hiện đấu thầu để triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm NLTS an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, cấp phát tem cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đẩy mạnh công tác kiểm tra, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... Đến nay, toàn tỉnh có 899 cơ sở được ngành nông nghiệp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trong 31.393 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm NLTS không thuộc diện cấp giấy thì đã có 29.238 cơ sở ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các sản phẩm sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm. Cuối năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, qua đó công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao, đạt 33,7% trong năm 2021. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo nổi bật trên địa bàn tỉnh, như: Sợi bông cotton đạt 310.000 tấn; loa, tai nghe đạt 7,5 triệu cái; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 2,8 triệu cái; màn hình ti vi đạt 803.000 cái... Sản xuất trong ngành khai khoáng năm 2021 cũng sôi động hơn với sản lượng than sạch sản xuất đạt khoảng 47,6 triệu tấn, tăng 5,9% so với năm 2020.
Để phát triển hệ thống phân phối bền vững, Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi nhất để các kênh phân phối trên địa bàn hoạt động. Hiện toàn tỉnh có 7 trung tâm thương mại, 12 siêu thị tổng hợp, 94 cửa hàng tiện ích góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 54 mặt hàng như: Ruốc hàu, mắm Cái Rồng, nấm đùi gà, nấm kim châm, trứng gà Tân An... được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Việc kết nối tiêu thụ nông sản sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh. Năm 2021, toàn tỉnh tổ chức 12 hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP, nông sản tới các thị trường, kênh tiêu thụ; thực hiện xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến. Nhờ vậy, sản phẩm OCOP của tỉnh hiện đã được tiêu thụ rộng rãi tại tỉnh và các tỉnh, thành, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Quảng Ninh còn đẩy mạnh kênh thương mại điện tử bằng cách phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương hỗ trợ mở gian hàng cho các doanh nghiệp OCOP của Quảng Ninh tại 8 sàn thương mại điện tử với hàng nghìn sản phẩm. Nhờ đó từ đầu năm 2021, đã có 292.000 đơn hàng được giao dịch qua các gian hàng điện tử với tổng trị giá khoảng 274 tỷ đồng.
Ngoài tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh, Quảng Ninh còn đẩy mạnh kênh phân phối thông qua xuất khẩu. Tỉnh đã xây dựng chuyên mục hoạt động xuất nhập khẩu trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương; cập nhật thường xuyên, kịp thời các quy định chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thông tin về thị trường xuất nhập khẩu và các chương trình xúc tiến xuất khẩu nước ngoài. Qua đó, Quảng Ninh đã thực hiện kết nối các sản phẩm của tỉnh đến các thị trường Đài Loan, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Malaysia... Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh đạt khoảng 2.562 triệu USD; trong đó riêng giá trị xuất khẩu hàng hóa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt khoảng 2.100 triệu USD, tăng 250 triệu USD so với năm 2020, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh.
Nhờ chú trọng sản xuất, phân phối an toàn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, các mặt hàng xuất xứ trên địa bàn tỉnh đã chiếm được chỗ đứng trên thị trường. Các doanh nghiệp, đơn vị trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và có sự liên hệ gắn kết từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()