Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:44 (GMT +7)
Phát triển hưng thịnh thời Trần
Chủ nhật, 19/03/2023 | 14:10:10 [GMT +7] A A
Nếu như thời Lý, vùng đất, con người Quảng Ninh với các khu vực cư trú dân cư, địa danh, văn vật… có gì đó còn mờ thì sang đến thời Trần đã sáng tỏ hơn rất nhiều.
Thương cảng Vân Đồn hình thành, ra đời từ thời Lý (1149), sang đến thời Trần tiếp tục phát triển, thậm chí ở vào giai đoạn cực thịnh nhất. Trên các di tích bến bãi cổ thuộc hệ thống Thương cảng Vân Đồn, các mảnh vỡ gốm sứ men ngọc cao cấp của thời Tống, Nguyên (Trung Quốc), men trắng ngà vẽ lam thời Trần chiếm tỷ lệ khá nhiều. Điều đó cho thấy, ngoài những giai đoạn chống chiến tranh 3 lần xâm lược của nhà Nguyên (1258, 1285, 1288) thì giao thương thời Trần ở Quảng Ninh rất phát triển. Đại Việt Sử ký Toàn thư còn chép chuyện thú vị Trần Khánh Dư nhân trấn thủ Vân Đồn đã “tranh thủ” bán nón Ma lôi ở trang Vân Đồn hòng kiếm lời.
Thời Trần, về địa lý, địa danh, những cái tên như trại Yên Hưng, Vân Đồn, Đông Triều, Tam Trĩ (Ba Chẽ) đã trở nên quen thuộc, xuất hiện nhiều trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và nhiều tài liệu khác. Vùng Hà Nam (Quảng Yên ngày nay) bấy giờ vẫn là chốn hoang vu cho đến thế kỷ 16 mới được khai phá. Vùng Hà Bắc (Quảng Yên ngày nay) được định danh là trại Yên Hưng. Sông Ba Chẽ - trong chính sử chép là sông Tam Trĩ - là vùng hai vua Trần đã từng lui quân tránh thế giặc mạnh trong cuộc xâm lược của nhà Nguyên lần thứ hai, năm 1285.
Đông Triều nổi bật nhất thời Trần khi được triều đình chọn là nơi thờ tự, an táng các hoàng đế nhà Trần. Theo tư liệu lịch sử và phả tộc họ Trần, Đông Triều chính là đất tụ cư đầu tiên của họ Trần, sau đó, vùng đất này được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai là Trần Liễu làm ấp thang mộc, chính vì vậy, nơi đây luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vua nhà Trần. Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều hiện nay được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm.
Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Cùng với việc xây dựng lăng mộ, triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế như lăng Tư Phúc (thờ Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông), Thái Lăng (thờ Trần Anh Tông), Mục lăng (thờ Trần Minh Tông), Ngải Sơn lăng (thờ Trần Hiến Tông), Phụ Sơn lăng (thờ Trần Dụ Tông), Nguyên lăng (thờ Trần Nghệ Tông), Hy lăng (lăng mộ giả của vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông)… Vì thế, nơi đây đã trở thành một vùng “thánh địa” linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.
Phật giáo vốn đã phát triển mạnh thời Lý, tiếp tục phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống xã hội thời Trần. Nhiều ngôi chùa, đình, đền, miếu ở Quảng Ninh được xây dựng từ thời Trần. Nổi bật trong số đó là chùa Quỳnh Lâm - nơi được cho là lưu giữ tượng Di Lặc - một trong “An Nam tứ đại khí” nổi tiếng trong lịch sử.
Đặc biệt, sau khi vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành, lập ra thiền phái Trúc Lâm, Đông Triều được xem như là một “Trung tâm Phật giáo” của nước Đại Việt dưới thời Trần. Di sản văn hoá thiền phái Trúc Lâm để lại đến ngày nay mà chúng ta đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới là hệ tư tưởng đạo và đời, Phật tại tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng hàng trăm đền chùa phân bố không chỉ Quảng Ninh mà cả Hải Dương, Bắc Giang.
Năm 1997-1998, khi khảo sát tại làng Bang, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), các nhà khảo cổ đã phát hiện quần thể kiến trúc dinh thự với những con đường gạch bó vỉa dài hàng chục mét. Có ý kiến cho rằng, đây rất có thể là trấn lỵ thời Trần ở Quảng Ninh. Điều này là có cơ sở bởi không phải ngẫu nhiên mà thế kỷ 17, nhà Mạc đã chọn khu vực gần đó cũng thuộc xã Thống Nhất để xây dựng thành Xích Thổ hòng chống lại quân Lê - Trịnh.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()