Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:36 (GMT +7)
Phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh
Thứ 7, 16/07/2022 | 07:16:51 [GMT +7] A A
Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là mục tiêu mà Quảng Ninh đang tập trung hướng đến. Để hiện thực hoá các mục tiêu này, hiện các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục ra sức thi đua thực hiện, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bằng những hành động cụ thể; từ đó, góp phần xây dựng vùng quê đổi mới, KT-XH phát triển, nhân dân được hạnh phúc.
Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tất cả các chỉ tiêu đề ra của ngành nông nghiệp đều hoàn thành vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao như: Diện tích trồng rừng tập trung tăng 25,41%; sản lượng khai thác gỗ tăng 38%; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng 12%; tổng sản lượng thủy sản tăng 7%; tổng diện tích gieo trồng hàng năm tăng 1,7%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh tăng 0,7%; tỷ lệ diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới nước chủ động đạt trên 85%...
Theo nhận định từ ngành nông nghiệp, kết quả sản xuất nông nghiệp là sự tổng hòa chuyển động trong toàn ngành. Điều này, thể hiện ở cách điều hành hết sức linh hoạt, trúng, đúng, ban hành những chính sách nông nghiệp sát sườn, phát huy hiệu quả của tỉnh. Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước hội nhập, đổi mới và vận dụng hiệu quả những thành tựu của nền nông nghiệp theo xu thế hiện đại.
Tuy có nền tảng mạnh, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh chỉ đạt 3,28%, thấp hơn 0,91 điểm so với cùng kỳ và thấp hơn 0,55 điểm so với kịch bản tăng trưởng. Theo đánh giá của đơn vị chuyên môn, các chỉ số sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua không quá thấp về số lượng nhưng lại thấp về giá trị. Nguyên nhân do giá thu mua của nhiều loại nông sản chủ lực giảm sâu. Đơn cử như nhuyễn thể, sản lượng đạt trên 15.000 tấn, tăng trên 10%, song giá bán lại giảm đến 60%. Cùng với đó chi phí đầu vào của nông nghiệp, như các loại vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, chi phí nhân công, vận chuyển... tăng cao.
Bởi vậy, để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp cả năm là 4,5%, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là khá nặng nề; cần phải có những giải pháp mang tính đột phá, tháo gỡ các "nút thắt". Trước mắt, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần phải có sự vào cuộc tích cực để thúc đẩy phát triển nông, lâm, thủy sản, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, trong đó quý III phấn đấu tăng 4,23%, quý IV tăng 6,72%. Các giải pháp đặt ra là tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa và định hướng vụ Đông năm 2022; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm trồng trọt chủ lực của tỉnh; cấp mã vùng sản xuất; tổ chức phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là việc tăng đàn lợn, đàn bò và gia cầm; tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ, kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi và môi trường trong chăn nuôi.
Cùng với đó tiếp tục phát triển các trung tâm sản xuất giống công nghệ cao về cây lâm nghiệp ở Quảng Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên; tôm, cá biển ở Móng Cái, Đầm Hà; nhuyễn thể ở Vân Đồn; thủy sản nước ngọt ở Đông Triều, Quảng Yên... Phấn đấu sản xuất cung ứng giống các loại đạt từ 35-40%, trong đó, tôm đạt 80%; nhuyễn thể 10-15%; cá 35%, các loại khác khoảng 35-40%. Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát huy hiệu quả tại Đông Triều, Đầm Hà và Trung tâm giống nhuyễn thể cấp vùng tại Vân Đồn. Trong đó, chú trọng tạo đột phá về quy mô, năng suất, hiệu quả nuôi tôm siêu thâm canh 3 vụ trên địa bàn và nuôi biển bền vững theo quy hoạch; tổ chức, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đặc biệt, khuyến khích Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh tiếp tục thả nuôi thêm 2.000 con giống lợn thuộc Dự án khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung công nghệ cao và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Khuyến khích 3 doanh nghiệp cung ứng giống lợn là Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh (8.180 con nái các loại), Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long (250 con nái Móng Cái), Công ty TNHH MTV Phát triển Nông Lâm Ngư Quảng Ninh (150 con nái Móng Cái); hỗ trợ Công ty TNHH Phú Lâm nhập thêm 5.000 con vào 6 tháng cuối năm. Đồng thời tiếp tục khuyến khích một số trang trại, HTX chăn nuôi gà thương phẩm ở một số địa phương (Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Đông Triều) mở rộng quy mô và liên kết với một số công ty, đơn vị có sức tiêu thụ lớn như Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam, các công ty than...; liên kết tiêu thụ thông qua các thương lái và bán ở các thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Tỉnh cũng khuyến khích các công ty, HTX, cơ sở cung ứng giống và một số hộ sản xuất giống thương phẩm cung cấp cho thị trường giống trên địa bàn tỉnh, đạt quy mô trên 4 triệu con gia cầm năm 2022.
Ngoài các giải pháp trên, hiện các sở, ngành, địa phương liên quan đang tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa các loại, phấn đấu năm 2022, trồng mới khoảng 2.500ha lim, giổi, lát bản địa ở những địa phương có điều kiện phù hợp. Đồng thời tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao, như: Nuôi tôm vụ 3, đặc biệt các doanh nghiệp nuôi công nghệ cao tại Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Uông Bí; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi đảm bảo kỹ thuật đáp ứng quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, chậm nhất đến hết năm 2022, hoàn thành sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý; tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương; tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Tỉnh cũng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông nghiệp thực sự cần thiết, cấp bách, các công trình về giáo dục, y tế, giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 4 đơn vị cấp huyện (Hạ Long, Vân Đồn, Bình Liêu và Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; năm 2023 có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()