Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 16:53 (GMT +7)
Phát triển nghề công tác xã hội: Cách làm của Quảng Ninh
Thứ 2, 18/01/2016 | 05:15:02 [GMT +7] A A
Với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân và cộng đồng những người yếu thế, những năm qua, nghề công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Chuyên viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí qua các trò chơi, bài tập nhận biết. |
Đồng chí Vũ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc phát triển nghề CTXH trong cộng đồng là cách thiết thực nhất để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Nghề CTXH có thể coi là nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...). Phát triển tốt nghề CTXH sẽ là giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Để cụ thể hoá Đề án phát triển nghề CTXH của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 32) với mục tiêu chăm lo cho các đối tượng yếu thế và nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, ngay từ năm 2011, Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm CTXH tỉnh. Đây là một trong những trung tâm CTXH được thành lập sớm nhất trong cả nước với nhiệm vụ cung cấp một cách đầy đủ nhất các dịch vụ CTXH đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng. Những năm qua, Trung tâm CTXH tỉnh đã tập trung nghiên cứu, đưa ra cách thức hoạt động các dịch vụ CTXH, tổ chức mạng lưới trợ giúp một cách linh hoạt qua các mô hình thiết thực như: Tư vấn qua tổng đài miễn phí 18001769; can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, quản lý trường; mô hình cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí...
Đồng chí Trương Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: “Những năm qua, Trung tâm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH. Qua đó, chuyên nghiệp hoá nghề CTXH một cách hệ thống và bài bản, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế trong cộng đồng”. Trên thực tế hoạt động các mô hình đã phát huy được những hiệu quả tích cực, góp phần trợ giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội. Như hoạt động tư vấn qua tổng đài miễn phí 18001769 của Trung tâm được đưa vào hoạt động, từ năm 2013 đến nay đã tiếp nhận trên 2.300 cuộc gọi. Qua đây, các nhân viên, cộng tác viên CTXH đã tiếp nhận yêu cầu của đối tượng, lắng nghe, tìm ra các hướng tư vấn, hỗ trợ, can thiệp… với các vấn đề về khủng hoảng tâm lý, các chính sách xã hội. Hay việc triển khai mô hình trị liệu cho trẻ rối nhiễu tâm trí, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức khám sàng lọc cho 3.200 trẻ, đã và đang hỗ trợ điều trị cho 100 đối tượng. Bằng các bài tập nhận biết, qua trò chuyện và chơi trò chơi, các chuyên viên tại Trung tâm đã giúp trẻ phát triển và từng bước hoàn thiện hơn các khiếm khuyết về tâm lý, từng bước giúp trẻ phát triển ổn định và toàn diện...
Cùng với đó, công tác can thiệp hỗ trợ khẩn cấp, quản lý trường hợp cũng được Trung tâm đẩy mạnh thực hiện. Hiện Trung tâm đang quản lý trường hợp đối với trên 950 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 1.800 đối tượng yếu thế... Cùng với đó, Trung tâm cũng thành lập các CLB Tình nguyện viên CTXH, CLB Gia đình trẻ tự kỷ, CLB Xanh lại ước mơ để đa dạng hơn các mô hình hoạt động, tạo điều kiện tốt nhất cho các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ CTXH.
Bên cạnh hoạt động của Trung tâm CTXH, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về nghề CTXH cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức: Các phóng sự, chuyên đề của Báo Quảng Ninh, Đài PT-TH tỉnh; tổng đài tư vấn... Qua công tác truyền thông, nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong cộng đồng biết, hiểu và dần tiếp cận với các dịch vụ CTXH. Có thể thấy, bằng sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc và nỗ lực của các ngành chức năng, hoạt động phát triển nghề CTXH đã đạt được những kết quả đáng mừng, tạo nên những chuyển biến mới. Điều này thật sự cần thiết và ý nghĩa, nhất là đối với Quảng Ninh, nơi được đánh giá có nhu cầu cao về hoạt động CTXH.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 29.700 đối tượng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có một số đơn vị công lập có chức năng cung cấp dịch vụ xã hội cấp tỉnh, như: Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Nếu cộng cả 3 đơn vị lại mới có khoảng 1.200 đối tượng được chăm sóc. Có thể thấy, những người yếu thế cần được quan tâm, trợ giúp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và nhu cầu được sử dụng các dịch vụ CTXH là rất lớn. Thực tế này đòi hỏi cần phát triển mạnh nghề CTXH chuyên nghiệp với vai trò giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, góp phần hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội bức xúc, xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc cho mọi người.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()