Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:08 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Chủ nhật, 06/12/2020 | 17:16:00 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng đến năm 2030 “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế...”. Trong đó, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc tế, tỉnh đã và đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch – coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẳng cấp.
Nhân viên tại khách sạn Phát Linh (TP Hạ Long) được đào tạo trực tiếp từ những nhân viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Ảnh:Hoàng Quỳnh |
Nỗ lực từ nhiều phía
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần đưa nguồn nhân lực du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng.
Một trong những cơ sở giáo dục đang trở thành nguồn đào tạo, cung ứng chính về nhân lực ngành dịch vụ, du lịch cho tỉnh là Trường Đại học Hạ Long. Hiện nay, hệ đại học của trường có 3 chuyên ngành gồm: Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị dịch vụ nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Hệ cao đẳng, bên cạnh duy trì 3 chuyên ngành trên, còn có chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch.
Ngoài ra, nhà trường còn 7 ngành, nghề đào tạo ngắn hạn về lĩnh vực du lịch. Với chương trình đào tạo đổi mới, tăng tính ứng dụng, cập nhật theo xu hướng phát triển của ngành du lịch, lượng sinh viên theo học tại trường liên tục tăng qua các năm.
Song song với việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại các cơ sở giáo dục, công tác xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực cũng được tỉnh tích cực thực hiện với việc tổ chức các lớp đào tạo ở trong và ngoài nước.
Tính đến hết năm 2019, với nguồn hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua dự án của tổ chức EU, tỉnh đã tổ chức được hơn 50 khóa tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho hơn 4.000 nhân lực từ các doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ở nước ngoài về các lĩnh vực văn hóa, du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long bày bàn tiệc tham gia cuộc thi “Tìm kiếm sứ giả ẩm thực Quảng Ninh” lần thứ II năm 2020, do nhà trường tổ chức. |
Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã tập trung nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ nhân viên.
Ông Phạm Thanh Chiến, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Hạ Long Pacific, cho biết: Để có chất lượng dịch vụ tốt, phải có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, từ kinh nghiệm làm việc đến tinh thần, thái độ làm việc. Do đó, chúng tôi tập trung đào tạo tại chỗ theo hướng mời các chuyên gia về tập huấn trực tiếp tại đơn vị, giao nhân viên có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn, kèm cặp cho nhân viên mới. Bên cạnh đó, khuyến khích nhân viên tự học, trau dồi trình độ ngoại ngữ để tự tin giao tiếp với du khách nước ngoài.
Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Truyền thông và Marketing khách sạn Wyndham Legend HaLong, nhận định: Đối với hệ thống khách sạn, việc sử dụng nguồn lao động phổ thông cần khá nhiều song hiện nay chất lượng của đội ngũ này còn hạn chế. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để cho học sinh, học viên đến khách sạn thực tập, đào tạo trực tiếp trong môi trường thực tiễn. Từ đó, giúp các học viên được thực tập kỹ năng nghiệp vụ cũng như được rèn luyện kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử.
Bên cạnh đó, hằng năm, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị tăng cường tổ chức các cuộc thi kỹ năng nghề như: Hội thi Đầu bếp, Hội thi bàn, bartender, buồng và lễ tân... Qua đó, tạo cơ hội để đội ngũ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng nghề.
Đồng thời, tạo cơ sở để ngành du lịch Quảng Ninh đưa ra các chương trình và kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp trong thời gian tới.
Nhân viên khách sạn Newstar Hạ Long (TP Hạ Long) được hướng dẫn, đào tạo bài bản để mang đến chất lượng dịch vụ cao nhất cho du khách. |
Hướng tới sự chuyên nghiệp, đẳng cấp
Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, những năm gần đây, số lượng và trình độ lao động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, tính đến hết năm 2019, ngành du lịch Quảng Ninh hiện có khoảng 33.000 lao động trực tiếp, 45.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trực tiếp có trình độ đại học, cao đẳng nghề chiếm 40%, trung cấp nghề chiếm 25%, sơ cấp nghề chiếm 22% và lao động phổ thông là 13%, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành du lịch.
Dù đã có nhiều nỗ lực, song số lượng và trình độ nhân lực du lịch của tỉnh chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển cũng như những định hướng tương lai của tỉnh. Theo đó, những hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, tinh thần thái độ phục vụ... vẫn là những rào cản trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, riêng với ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, tỉnh phấn đấu tổng số nhân lực tăng 15%/năm từ 29.000 người (năm 2013) lên 77.000 người (năm 2030).
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các thí sinh tham gia Hội thi bàn, bartender, buồng, lễ tân Quảng Ninh tháng 10/2020. Ảnh: Đào Linh |
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Sở tham mưu cho tỉnh tiếp tục bố trí nguồn lực ngân sách thỏa đáng cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường ký kết với các đơn vị đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Đồng thời, chú trọng liên kết “3 nhà” gồm nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên, vừa là dịp tuyển chọn nhân lực chất lượng, vừa tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực có trình độ tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng chuyên nghiệp của ngành du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được Quảng Ninh xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Vì vậy, để đưa du lịch tỉnh phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cần được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư xứng tầm. Qua đó góp phần thiết thực đưa ngành du lịch bứt phá mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()