Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:32 (GMT +7)
Phát triển thị trấn Đầm Hà
Thứ 3, 26/09/2023 | 13:41:47 [GMT +7] A A
Sau hơn 30 năm tái lập, thị trấn Đầm Hà đã có sự phát triển mạnh mẽ trên đồng thời nhiều lĩnh vực, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của huyện Đầm Hà. Quy hoạch mở rộng thị trấn đến năm 2040 được UBND tỉnh phê duyệt đầu tháng 7 vừa qua sẽ là tiền đề quan trọng cho những đột phá trong giai đoạn tiếp theo.
Khi vừa mới trở thành một đơn vị hành chính độc lập tách ra từ xã Đầm Hà vào năm 1991, thị trấn Đầm Hà chỉ là một phố huyện nhỏ với tổng diện tích chỉ 100ha, dân số trên 3.500 người. Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... đều còn lạc hậu, thiếu thốn. Đến nay, thị trấn Đầm Hà đã mở rộng lên diện tích 3,64ha với kiến trúc hạ tầng, không gian đô thị ngày càng phát triển, dân số đạt trên 12.000 người.
Tuy nhiên, với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả huyện, thị trấn Đầm Hà cần có “một chiếc áo mới” rộng rãi hơn để đủ không gian phát triển đột phá, thu hút đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống nhân dân. Đó cũng là cách hiện thực hóa được mục tiêu đưa thị trấn đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2030, với sự đổi mới toàn diện so với hiện nay.
Ngày 10/7/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-UBND “V/v phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 mở rộng thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà đến năm 2040”. Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Đầm Hà và một phần diện tích 6 xã giáp ranh là Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập, Đại Bình, Dực Yên, Quảng Tân. Diện tích lập quy hoạch khoảng 1.468,3ha và được tổ chức không gian đô thị thành 4 vùng chính. Trong đó bao gồm: Vùng lõi đô thị là trung tâm công cộng dịch vụ, văn hóa, TDTT; vùng mở rộng phía Tây phát triển khu dân cư mới, khu sinh thái kết hợp công viên cây xanh dọc theo phía Đông bờ sông Đầm Hà; vùng đô thị mở rộng phía Tây với hạ tầng kĩ thuật đồng bộ, làm cơ sở cho dịch vụ thương mại; vùng mở rộng phía Bắc là khu vực phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, quy hoạch cũng nêu rõ định hướng về nâng cấp các tuyến phố cũ, bổ sung đường vành đai, huyện lộ, kết nối với đường cao tốc và đồng bộ với toàn bộ các khu vực trong, ngoài thị trấn... Hệ thống công trình hành chính, y tế, trường học, cho đến đèn chiếu sáng, xử lý nước thải, chợ trung tâm... cũng đều được xác định ưu tiên đầu tư bằng nguồn cân đối giữa ngân sách và ngoài ngân sách.
Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, quy hoạch này đã được UBND huyện Đầm Hà tổ chức hội nghị công bố rộng rãi, với sự tham gia của toàn thể đội ngũ Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận của 70/70 thôn, khu phố toàn huyện (vào ngày 21/7/2023). Bầu không khí phấn khởi, đồng thuận tại hội nghị đã phần nào cho thấy niềm tin, sự kỳ vọng lớn vào đà phát triển của thị trấn trong tương lai gần. Bởi bản quy hoạch sẽ là căn cứ để địa phương điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, nhất là quy hoạch về đất đai, xây dựng... Qua đó thu hút đầu tư các dự án mà huyện có thế mạnh, như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, chăn nuôi, trồng rừng gỗ lớn, dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm... Trên cơ sở của quy hoạch, huyện Đầm Hà đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức quản lý, thực hiện các nội dung quy hoạch đúng trình tự; tổ chức lập điều chỉnh, lập mới các quy hoạch theo quy định.
Ông Đinh Công Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Lê Lương (thị trấn Đầm Hà), cho biết: Toàn bộ nội dung quy hoạch đã được lãnh đạo khu phố nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền đầy đủ tới toàn thể nhân dân. Qua ghi nhận, lắng nghe ý kiến dư luận trên địa bàn cho thấy sự ủng hộ rất cao dành cho chủ trương lớn. Những thắc mắc liên quan đến các thủ tục hành chính về điều chỉnh thông tin, chuyển đổi giấy tờ... khi mở rộng thị trấn cũng hầu như không có. Phải nói rằng nhân dân chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho bà con.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()